Nâng cao ý thức tự bảo vệ bản quyền

10:25 - Thứ Ba, 19/02/2019 Lượt xem: 5544 In bài viết

Sáng 18-2, phiên tòa xét xử vụ kiện bản quyền Thần đồng đất Việt giữa nguyên đơn là họa sĩ Lê Linh (tên thật Lê Phong Linh); bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh đã tiếp tục diễn ra tại Tòa án nhân dân quận 1, TPHCM. Hội đồng xét xử đã tuyên họa sĩ Lê Linh thắng kiện. 

 

Đã có phán quyết xung quanh tranh chấp bản quyền Thần đồng đất Việt.

Công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất 

Tại phiên tòa ngày 18-2, HĐXX công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất 4 hình tượng nhân vật của bộ truyện, gồm: Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo và xác nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh không phải là đồng tác giả; buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng biến thể cũng như hình thức thể hiện của 4 nhân vật này trên các tập tiếp theo, từ tập 79 của Thần đồng đất Việt cũng như các biến thể khác như Thần đồng đất Việt Khoa học, Thần đồng đất Việt Mỹ thuật, Thần đồng đất Việt Toán học…; buộc Công ty Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Linh 3 kỳ liên tiếp trên hai cơ quan truyền thông và thanh toán 15 triệu đồng chi phí thuê luật sư cho ông Lê Linh (yêu cầu ban đầu của nguyên đơn là 20 triệu đồng). Kết quả này đúng với quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân TPHCM trong phiên xét xử vào ngày 1-2. 

Ông Nguyễn Vân Nam, đại diện bị đơn cho biết sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm: “Chúng tôi không ngạc nhiên với kết quả này và sẽ kháng cáo. Tôi tin rằng, tòa phúc thẩm sẽ chứng tỏ rằng Việt Nam đã hội nhập quốc tế ở một mức độ nhất định và sẽ bác bỏ toàn bộ kết quả của tòa sơ thẩm. Nếu bản án của tòa sơ thẩm có hiệu lực thi hành, tôi tin chắc không có một nhà đầu tư nước ngoài nào dám đầu tư vào những lĩnh vực có tầm quan trọng về sáng tạo như máy tính, lập trình, văn học nghệ thuật… Bởi vì sau khi đào tạo, đầu tư, thấy doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi mà nhân viên quay trở lại kiện đòi chia lợi nhuận thì không có một nhà đầu tư nào dám cả”.
Cũng theo ông Nguyễn Vân Nam: “Nếu theo quan điểm của tòa sơ thẩm, bất kỳ một việc làm tác phẩm phát sinh nào cũng đều vi phạm tính toàn vẹn của tác phẩm. Vì vậy, nếu bản án của tòa sơ thẩm có hiệu lực thì không ai có thể làm tác phẩm phát sinh được. Như vậy, nói theo một cách khác, tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ khi vô hiệu hóa quyền làm tác phẩm phát sinh của người sử dụng lao động”. 

Còn lơ mơ trong tự bảo vệ mình

Tại phiên tòa ngày 24-1, trước khi diễn ra phần xét hỏi, thẩm phán Nguyễn Quang Huynh cho rằng: “Đây là vụ án được dư luận và báo chí quan tâm. Lần đầu tiên tòa án TPHCM đưa ra xét xử vụ kiện liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả duy nhất và công luận cũng rất muốn hiểu thêm qua vụ án này nên mọi người vô cùng chờ đợi”. 

Ngoài ra, vụ kiện bản quyền Thần đồng đất Việt còn có một ý nghĩa không nhỏ trong việc nâng cao ý thức tự bảo vệ bản quyền đối với các tác giả trong nước. Bởi có một thực tế mà nhà văn Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, chỉ ra: “Ý thức tự bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nhà văn vẫn còn rất lơ mơ. Có thể một phần còn ảnh hưởng bởi thời bao cấp, được người ta in, quảng bá tác phẩm của mình là tốt rồi mà ít người cảm thấy phải có trách nhiệm đối với đứa con tinh thần của mình. Số lượng người am hiểu về luật bản quyền rất ít, từ đó dẫn đến tình trạng lạm quyền, xâm phạm rất nhiều”. 

Việc chủ động đăng ký bản quyền có thể xem là giải pháp tự bảo vệ bản quyền đối với các tác giả. Tuy nhiên, theo Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo, giảng viên bộ môn Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TPHCM, quyền tác giả được bảo hộ không cần trên cơ sở đơn đăng ký. “Điều này rất nhiều người hay nhầm, họ tưởng phải đăng ký mới được bảo hộ. Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định: Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định; không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký”, Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo cho biết. 

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp về vấn đề tác quyền, giống như trường hợp của họa sĩ Lê Linh và bà Phan Thị Mỹ Hạnh trong vụ kiện vừa rồi, Thạc sĩ Nguyễn Phương Thảo lưu ý: “Nếu ngày xưa vì một lý do nào đó mà lỡ đăng ký hai người, trong trường hợp xảy ra tranh chấp vẫn có thể hủy giấy này. Không phải đã đăng ký rồi thì phải chịu, nếu như mình có bằng chứng để chứng minh mình là tác giả đích thực và là duy nhất thì có quyền yêu cầu hủy giấy chứng nhận mà ngày xưa đã cấp cho hai người”.

Theo nhà văn Đỗ Hàn, để có thể tự bảo vệ tác quyền cho mình, ngoài việc tìm hiểu kỹ các văn bản luật liên quan, việc đầu tiên và quan trọng mà các tác giả có thể làm là đăng ký bản quyền, giống như làm giấy khai sinh cho đứa con của mình. Ngoài ra, phải ký kết với một số tổ chức về mặt pháp quyền, về mặt luật sư hoặc những trung tâm bảo vệ tác quyền để những cá nhân hay tổ chức này bảo vệ cho mình. Hiện đã có 1.400 tác giả ủy thác cho Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam, trong đó có hơn 700 tác giả là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều năm qua, trung tâm đã đại diện cho nhiều tác giả làm việc với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền tác giả. Gần đây nhất, trung tâm đã giải quyết thành công trường hợp của nhà văn Trần Đức Tiến với NXB Giáo dục Việt Nam.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top