Mở cánh cửa quảng bá văn học Việt Nam

16:26 - Thứ Sáu, 22/02/2019 Lượt xem: 5677 In bài viết

Hoạt động văn học lớn nhất đầu năm Kỷ Hợi 2019 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã khép lại với nhiều dư âm. Ngoài Ngày thơ Việt Nam lần thứ 18 là sự kiện hằng năm, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ tư và Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ ba quy tụ gần 200 nhà văn, nhà thơ của 46 quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức diễn ra trong năm ngày (từ ngày 16 đến ngày 20-2-2019) trở thành sự kiện văn học lớn trong khu vực.

 

Các nhà văn, nhà thơ quốc tế tham dự Ngày thơ Việt Nam tại Bắc Giang.

Khâu tổ chức có nhiều đổi mới

Các đại biểu quốc tế đã có những buổi trao đổi và giao lưu bổ ích với các nhà văn Việt Nam, thầy giáo và sinh viên Trường đại học Văn hóa Hà Nội, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện múa Việt Nam, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam; tham gia Ðêm thơ quốc tế Hạ Long tại Quảng Ninh, Người Kinh Bắc tại Bắc Giang. Ðây là cơ hội hiếm có để độc giả trong nước thưởng thức hàng trăm bài thơ của các nhà thơ quốc tế, khám phá vẻ đẹp của thi ca thế giới, cũng là cơ hội để các đại biểu quốc tế tìm hiểu nền văn học và những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa Việt Nam.

Ba cuốn sách song ngữ (Anh - Việt) do Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành và lần đầu cung cấp cho các đại biểu quốc tế là: 10 thế kỷ văn học Việt Nam, Sông núi trên vai (tập thơ) và Một loài chim trên sóng (tập truyện ngắn) được đánh giá cao. Nhiều đại biểu chia sẻ, đã bắt tay vào dịch những tác phẩm này để có thể xuất bản tại nước họ trong thời gian sớm nhất. Ðây là việc mà chúng ta cần duy trì thường xuyên ngay cả khi hội nghị đã kết thúc và ở các kỳ hội nghị quốc tế về văn học trong tương lai.

Những năm qua, đã có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại nước ngoài. Ngoài tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục được dịch ra nhiều thứ tiếng và lần đầu xuất bản tại các quốc gia Mỹ la-tinh và vùng Cáp-ca-dơ, lần đầu Truyện Kiều đầy đủ của đại thi hào Nguyễn Du đã được dịch ra tiếng Nga… Ngoài sách văn học, "các tác phẩm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã được dịch và xuất bản tại một số quốc gia. Có thêm nhiều giáo trình về văn học Việt Nam được giảng dạy tại các trường đại học lớn của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thừa nhận, văn học nước ngoài cùng các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc đã đặt Việt Nam vào tình trạng "nhập siêu" văn hóa kéo dài khiến chúng ta phải nghĩ đến việc lấy lại sự hài hòa trong phát triển văn hóa dân tộc; tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan Thơ quốc tế là để góp phần lấy lại sự hài hòa đó.

Trong suốt thời gian diễn ra các sự kiện, hai từ "bức tường" được nhiều đại biểu nhắc tới như một thách thức phải vượt qua. Ðó là bức tường hữu hình biên giới giữa các quốc gia và giữa con người với con người; đó còn là bức tường vô hình của ngôn ngữ, của văn hóa và cả những bức tường của sự hiểu lầm, ích kỷ. Tuy nhiên, về cơ bản, các đại biểu đã đạt được sự đồng thuận cao, là cần tìm nhiều giải pháp để quảng bá văn học, khắc phục khó khăn trong việc chuyển ngữ tác phẩm và huy động các nguồn lực tài chính cho công việc này. Trong thời gian năm ngày, Việt Nam đã trở thành điểm hội tụ sôi nổi và giàu sức cuốn hút của văn học và thơ ca. Ngay cả khi di chuyển trên đường, trong nhiều xe ô-tô còn nghe thấy tiếng hát, tiếng đọc thơ của các đại biểu đến từ Tây Ban Nha, các nước châu Phi và Mỹ la-tinh…

Dù vậy, phải thừa nhận, khâu tổ chức sự kiện của chúng ta còn thiếu chuyên nghiệp, lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, diễn ra trong thời gian ngắn cho nên dù cố gắng nhưng vẫn có những sơ suất về việc dịch thuật và sự liên kết các đại biểu quốc tế đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Cần sự hỗ trợ toàn diện của Nhà nước

Hội thảo Văn học Việt Nam - sức sống của một dân tộc yêu hòa bình là một điểm nhấn quan trọng, ghi nhận nhiều ý kiến mới. Ða số đại biểu thống nhất, để quảng bá văn học ra nước ngoài, cần làm tốt ba khâu: Tuyển chọn được tác phẩm xứng đáng, chuyển ngữ hoàn hảo và xuất bản tác phẩm. Với Việt Nam, cả ba khâu này đều đang gặp khó khăn. Một tác phẩm hay với độc giả trong nước, chưa chắc đã được độc giả nước ngoài đón nhận, cho nên vấn đề thị hiếu của bạn đọc cần phải được tính đến. Chúng ta cũng thiếu những người dịch văn học chuyên nghiệp, có trình độ cao, và với đặc thù dịch văn học thì phải có lực lượng dịch giả là người bản ngữ am hiểu tiếng Việt. Khó khăn nhất vẫn là khâu xuất bản. Dịch giả I-go Brít-tốp (LB Nga) chia sẻ, từ sau khi Liên Xô sụp đổ, trong nhiều năm, hầu như không có tác phẩm văn học Việt Nam nào được dịch và xuất bản tại LB Nga. Sau năm 2012, lác đác xuất hiện một số truyện như Hồn bướm mơ tiên (Khái Hưng), Lạnh lùng (Nhất Linh), Ông cá hô (Lê Văn Thảo), tuyển tập truyện ngắn Ngải đắng ở trên núi; Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Ngô Văn Phú, Mai Văn Phấn…

Nhìn vào danh mục trên, trừ Truyện Kiều, có thể thấy văn học Việt Nam đến với độc giả Nga còn rất khiêm tốn và chưa tiêu biểu; so sánh với thời Xô-viết thì số lượng này chỉ "như muối bỏ bể". Hiện nay, để in tác phẩm văn học Việt Nam tại nước Nga, dịch giả phải bỏ tiền túi ra hoặc tìm nhà tài trợ. I-go Brít-tốp cho biết, ông vừa hoàn thành bản dịch 20 truyện ngắn của Việt Nam, nhưng nó không thể xuất bản được ở Nga vì không có tiền. Ông đã thử tìm nhà tài trợ từ cộng đồng người Việt, bao gồm cả giới doanh nhân tại thủ đô Mát-xcơ-va nhưng đều bị từ chối. I-go Brít-tốp kết luận, muốn quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới, cần có sự hỗ trợ tài chính ở cấp nhà nước Việt Nam thì mới khả thi. Chi phí quảng bá ấy sẽ được bù đắp bằng những lợi ích không thể đo đếm, đó là sự hiểu biết về văn hóa sẽ mang lại lợi ích về chính trị, ngoại giao, thương mại.

Ðể khắc phục tình trạng này, vai trò "cầm trịch" của Nhà nước, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam, các đơn vị xuất bản và các nguồn lực xã hội khác là vô cùng quan trọng. Ngay tại hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh đã công bố thông tin khiến các đại biểu quốc tế phấn khởi đón nhận. Ðó là, được sự đồng ý của Nhà nước, từ đây, các dịch giả chuyển ngữ văn học Việt Nam sẽ được Hội Nhà văn Việt Nam hỗ trợ các khâu tuyển chọn tác phẩm, kết nối với tác giả và có phần thù lao phù hợp dành cho dịch giả. Ðây có thể coi là bước đi cụ thể và thiết thực nhất để đi xuyên qua những "bức tường" khó khăn và việc "mở cánh cửa" quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới sẽ có những bước đột phá.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top