Người “cha đẻ” của nhạc phẩm “Về miền hoa ban”

09:29 - Thứ Năm, 07/03/2019 Lượt xem: 12227 In bài viết

ĐBP - Trong rất nhiều chương trình lớn tổ chức những năm gần đây, đặc biệt là Lễ hội Hoa Ban, thì “Về miền hoa ban” là ca khúc không thể thiếu và trở nên quen thuộc với nhiều người. Ðến độ, không chỉ người dân, mà mỗi du khách khi đặt chân đến lễ hội, dù chưa hiểu gì về Ðiện Biên cũng ít nhất một lần ngân nga câu hát: “Về Ðiện Biên cùng em, câu hát ai vang núi đồi. Về Ðiện Biên cùng em, trong ánh nắng ban mai xuân về hẹn nhau. Chan chứa yêu thương giữa núi rừng hoa ban trắng…”. Có thể trong số họ sẽ có người biết đó là sáng tác của nhạc sĩ Huy Thông. Nhưng những câu chuyện làm nên tên tuổi người “cha đẻ” của nhạc phẩm ấy thì có lẽ không mấy người biết, ngoại trừ đồng nghiệp anh.

 

Nhạc sĩ Huy Thông đang sáng tác nhạc.

Nếu ai đã từng tiếp xúc với nhạc sĩ Huy Thông thì đều thấy ở anh sự thân thiện, tình cảm. Còn với đồng nghiệp thì anh luôn là người có trách nhiệm, nhất là trước những sáng tác của mình. Ðặc biệt, Huy Thông rất lạc quan, kể cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Ðể hoàn thành được bài viết phác họa cơ bản chân dung anh, tôi phải mất 3 cuộc hẹn. Mỗi lần như thế chỉ chừng 30 phút tranh thủ cuối giờ làm việc. Hiện đang vào thời gian cao điểm luyện tập chương trình nghệ thuật cho đêm khai mạc Lễ hội Hoa Ban, trong khi anh lại là một trong số ít nhạc sĩ chính đóng góp không ít tác phẩm cho chương trình.

Là người con của quê lúa Thái Bình, Huy Thông bén duyên với mảnh đất Ðiện Biên bằng một cuộc dạo chơi mà sau này anh gọi là duyên số. Lên Ðiện Biên, mà cụ thể là huyện Mường Chà (nay là thị xã Mường Lay) thăm người nhà đúng dịp tháng ba - mùa hoa ban nở rộ. Mảnh đất được coi là cái nôi sản sinh ra những thiếu nữ dân tộc Thái trắng “thắt đáy lưng ong”. Cánh ban rừng tinh khôi vương trên những mái tóc dài thướt tha bên suối cứ ám ảnh anh ngay từ lần gặp đầu tiên, rồi in sâu trong trí nhớ, tiềm thức. Chính vẻ đẹp nên thơ, mà mộc mạc của vùng đất Ðiện Biên đã mê hoặc tâm hồn người nghệ sĩ, và níu chân anh với quyết định ở lại, rồi xin vào công tác tại Ðoàn nghệ thuật tỉnh, mà lúc bấy giờ người ta vẫn quen gọi là Ðoàn nghệ thuật Hoa Ban Trắng.

Tốt nghiệp trung cấp âm nhạc tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Thái Bình, vị trí đầu tiên Huy Thông được giao ở Ðoàn nghệ thuật tỉnh Ðiện Biên là nhạc công. Bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ năm 1995, đến năm 1998 Huy Thông mới bắt tay vào sáng tác nhờ động lực từ người thầy trong cả công việc lẫn cuộc sống - nhạc sĩ Vương Khon, lúc bấy giờ là Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh.

Nhớ lại ngày đầu đặt bút viết những tác phẩm đầu tiên, anh kể: “Lúc đầu tôi không dám cho ai xem, vì xấu hổ. Cứ viết ra, rồi tự mình ngân nga. Chính nhạc sĩ Vương Khon là người giúp tôi có động lực và đồng thời cũng là người phá vỡ rào cản tự ti để những tác phẩm của tôi được công khai đến công chúng”. Sau những nỗ lực bước đầu, Huy Thông đã có sáng tác đầu tay được nhiều người biết đến là ca khúc “Em gái rừng ban”, và cho tới tận bây giờ vẫn được nhiều người hát.

 

Nhạc sĩ Huy Thông khớp nhạc cho các ca sĩ.

Tiếp sau đó anh cũng từng vài lần thử đặt bút viết về hoa ban, song dường như mọi thứ với anh còn mơ hồ, chưa đến “độ chín”. Tiếp tục “thai nghén”, ấp ủ, 4 năm sau (năm 2013) anh chính thức cho ra đời ca khúc “Về miền hoa ban”. Sau đó mang đi dự thi tại liên hoan khu vực và ngay lập tức được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao. Bài hát đã mang về cho anh giải A. Tuy nhiên, phải đến năm 2014, khi tác phẩm được giới thiệu rộng rãi tại Lễ hội Hoa Ban lần thứ nhất, thì nhanh chóng tạo hiệu ứng và tiếng vang lớn với công chúng. Những ca từ ý nghĩa, dễ nhớ, nhịp điệu nhịp nhàng đã khiến bất cứ ai nghe lần đầu cũng bị cuốn hút, ngân nga theo và sẽ nhớ mãi. Cũng chính “Về miền hoa ban” đã ghi dấu ấn đậm nét cho tên tuổi, và đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp hơn 20 năm sáng tác của anh.

Chia sẻ về “đứa con đẻ” này, Huy Thông bảo: “Viết về hoa ban thì có không ít người, bản thân tôi cũng đặt bút sáng tác về hoa ban rất nhiều. Nhưng để có một tác phẩm thực sự chất lượng và có dấu ấn thì không đơn giản. Và chắc chắn nó phải là một quá trình tích lũy, cả về kiến thức, sự hiểu biết. Cho đến khi chín muồi, chỉ cần cảm xúc nữa để thăng hoa với nó. Ðó là lý do mặc dù tôi đã lên được ý tưởng, gọi được cái tên, mà phải 4 năm sau mới đặt bút viết, và khi viết thì chỉ mất đúng 1 đêm trắng”.

Sau hơn 20 năm theo đuổi sự nghiệp sáng tác, Huy Thông đã có cho mình hàng trăm tác phẩm, nhưng chỉ có khoảng 150 tác phẩm được anh giới thiệu đến công chúng. Anh tâm sự: “Người làm nghệ thuật không nhất thiết và cũng không nên chạy theo số lượng. Cả cuộc đời, chỉ cần 1 tác phẩm được công chúng đón nhận, yêu thương và có thể ngân nga hát theo là hạnh phúc lắm rồi”. Nhưng đó là cách nói khiêm tốn của anh, còn thực tế, trong kho thành tích đến ngày hôm nay anh đã có trong tay gần 10 giải thưởng quốc gia và khu vực về sáng tác, trong đó có 1 giải A, 4 giải B..., với những tác phẩm nổi tiếng, như: Em gái Mông xuống chợ, Em gái rừng ban, Vóc dáng Ðiện Biên, Hương sắc vùng cao, Về miền hoa ban, Áo cóm yêu thương, Khăn Piêu thương nhớ...

Và dẫu trong bất cứ tác phẩm nào của Huy Thông, người ta đều thấy có một chất liệu rất riêng, mang đậm âm hưởng của mảnh đất, con người Ðiện Biên, đặc biệt là dân tộc Thái. Lý giải cho điều này, anh bảo: “Cũng giống như nhạc sĩ Nguyễn Cường, cái chất làm nên con người ông là Tây Nguyên. Thì tôi cũng vậy, bị ảnh hưởng, và cũng muốn hướng mình theo con đường như thế. Chỉ có điều, chất của tôi là Tây Bắc, Ðiện Biên”. Tôi tin con đường anh đang chọn là hoàn toàn đúng, không chỉ bởi đây là nguồn đề tài bất tận như anh chia sẻ, mà sự bền vững nào cũng cần có một dấu ấn riêng!

Ðể có được “cái chất” đó không đơn giản, lại càng khó với một người không được sinh ra và lớn lên tại Ðiện Biên. Chính vì thế, Huy Thông chia sẻ rằng, anh đã phải cố gắng gấp 2, gấp 3 người khác. Bắt đầu từ việc đi, đặt chân đến các bản làng vùng cao, xa xôi; tiếp xúc, cùng ăn, cùng ở với đồng bào các dân tộc, để hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt, văn hóa tinh thần và con người họ. Rồi ghi nhớ, tích lũy, kết nối, phát triển và thổi nhạc vào nó để hình thành nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn.

“Với những sáng tác là vậy, người ta đã biết đến một nhạc sĩ Huy Thông đầy trữ tình và nhân văn. Thế còn với gia đình và cuộc sống riêng tư thì sao?” - Câu hỏi khiến Huy Thông chững lại trong vài phút. Bởi một nửa của anh - cố Nghệ sĩ ưu tú Thái Hằng đã bỏ lại anh và 2 cô con gái về thế giới bên kia. Trong dòng cảm xúc về gia đình, anh dành rất nhiều lời khen ngợi cho vợ. Chính chị là nguồn cảm hứng sáng tác, đồng thời cũng luôn là người đầu tiên thể hiện và thể hiện thành công nhất những ca khúc của anh.

Sau khi vợ mất (năm 2017), Huy Thông mất thêm một khoảng thời gian khá dài sau đó để lấy lại thăng bằng. Nhưng, đúng như đồng nghiệp nhận xét, anh vốn là người lạc quan nên sau đó 1 năm, Huy Thông đã cho ra đời 2 tác phẩm và liên tiếp đoạt giải bạc trong các kỳ liên hoan toàn quốc, đó là: Áo cóm yêu thương và Khăn Piêu thương nhớ. Mà theo chia sẻ của anh thì tất cả nguồn cảm hứng được tích lũy từ những lần anh chứng kiến hình ảnh vợ mặc khăn Piêu, áo cóm biểu diễn.

Về những dự định trong tương lai, Huy Thông bật mí thêm là hiện tại anh đã đặt bút viết, và đang tiếp tục hoàn thành một ca khúc mới, cũng lấy chất liệu từ văn hóa, con người Ðiện Biên. Thời gian tới sẽ giới thiệu đến công chúng. Và tôi tin, sẽ còn nhiều người như tôi chờ đợi những sáng tác của anh tiếp tục được vang lên trên những bản mường, thổi hồn cho nhịp xòe đoàn kết quanh ánh lửa bập bùng, và vươn xa ra khỏi mảnh đất đang từng ngày thay da đổi thịt nơi miền Tây Bắc.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top