Không chỉ dừng ở việc trùng tu, tôn tạo

09:43 - Thứ Năm, 14/03/2019 Lượt xem: 6710 In bài viết

ĐBP - Trải qua hàng trăm năm, Tháp Chiềng Sơ, bản Nà Muông, xã Chiềng Sơ, (huyện Ðiện Biên Ðông) bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích Tháp Chiềng Sơ. Ðến nay, sau một thời gian dài bị gián đoạn thi công, dự án đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng xây lắp các gói thầu.

 

Cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đơn vị thi công kiểm tra, khảo sát hiện trạng Tháp Chiềng Sơ.

Tháp Chiềng sơ được xây dựng trên một quả đồi nhỏ, phía bên phải và phía sau của tháp là một cánh đồng rộng lớn có con suối chảy quanh năm, xa xa là bản Co Muông và Nà Muông. Tháp được xây dựng theo hình bút dưới to, lên trên nhỏ dần với chiều cao 10,50m (phần ngọn bị gãy là 1,60m). Toàn bộ tháp được chia làm 3 phần: Chân tháp, thân tháp và ngọn tháp. Xung quanh chân tháp, ở 4 góc có đặt 2 con voi ở phía trước còn phía sau đặt 2 con chó. Tháp được xây dựng bằng gạch, vôi, mật, đây là nguyên vật liệu được khai thác tại chỗ.

Ông Lò Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Mường Luân, chia sẻ: Theo một số người già ở bản Nà Muông kể lại thì trước đây trong ngôi chùa phía trước tháp có thờ rất nhiều tượng phật bằng đất nung. Ðặc biệt có một pho tượng lớn bằng đồng nhưng đã bị mất cắp, các tượng phật bằng đất nung, do sự kém hiểu biết nên người dân đã đập vỡ để tìm vàng, đến nay không còn. Hiện nay chỉ còn lại các bức tượng như: tượng vũ nữ, tượng hình chó, tượng hình voi. Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Chiềng Sơ có giá trị rất lớn về mặt lịch sử - văn hóa. Ðây là một di sản văn hóa cổ của dân tộc, là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt nghệ thuật rất lớn. Tháp sẽ giúp các nhà nghiên cứu và khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử nghệ thuật kiến trúc cổ, ý tưởng và mong ước của cha ông đã gửi gắm vào những đường nét miêu tả trong kiến trúc. Ngoài giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, Tháp Chiềng Sơ còn có giá trị rất lớn, là minh chứng về tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.

Qua hàng trăm năm, Tháp Chiềng Sơ bị nghiêng về phía Ðông Bắc, phần ngọn tháp bị gãy (do tác động của thiên nhiên), phần gãy nằm ở mặt đất cách chân tháp 2m. Theo các cụ cao niên kể lại thì phần ngọn tháp gãy và phần chân móng bị đào là do người dân nghĩ rằng bên trong cất giấu vàng nên đã đập đi để tìm vàng vào những năm 50 của thế kỷ trước. Còn tháp nghiêng là do các trận động đất mạnh vào những năm 1939, 1990; cùng với việc mùa mưa nước từ trên cao đổ xuống và con suối bên cạnh xói nhiều vào quả đồi làm cho nền móng của tháp ngày càng yếu đi, nên tháp nghiêng ngày càng mạnh hơn. Các hiện vật, như: Một bức tượng vũ nữ, một pho tượng hình chó và một pho tượng hình voi không còn nguyên vẹn. Diện tích của di tích ngày càng bị thu hẹp sau những mùa mưa lũ, bởi vậy có thời điểm di tích chỉ còn cách dòng suối 7m. Riêng ngôi chùa ở phía trước tháp đã trở thành phế tích, việc phục hồi phải được nghiên cứu kỹ càng, cẩn thận bởi đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân sở tại nói riêng mà còn có sự ảnh hưởng đến cả khu vực.

Dự án Bảo tồn, tôn tạo di tích Tháp Chiềng Sơ có tổng mức đầu tư 4,075 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 và Chương trình Mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020. Gói thầu xây lắp do Công ty Xây dựng tư nhân số 29 (TP. Ðiện Biên Phủ) thi công, gồm: Mở rộng móng, chống nghiêng tháp, gắn lại các chi tiết gãy vỡ, kè khuôn viên, đổ bê tông nền tháp; xây nhà bảo vệ, lối đi, trồng cây cảnh... Tuy nhiên sau hơn 2 năm, đến cuối năm 2014, công trình dừng thi công, khuôn viên tháp ngổn ngang như bị bỏ hoang. Ông Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Lũy kế vốn được giao đến thời điểm này của dự án là 2,8 tỷ đồng (trong đó từ năm 2013 đến năm 2015 được cấp 1,6 tỷ đồng; năm 2018, được bố trí 700 triệu đồng; năm 2019 được bố trí tiếp 500 triệu đồng). Ðây là nguyên nhân chính khiến thời gian thi công ban đầu dự kiến từ năm 2013 đến năm 2015 nhưng thời gian thực hiện lại được điều chỉnh kéo dài đến hết quý I/2019. Mặc dù nguồn vốn bố trí nhỏ giọt, chưa kịp thời, làm gián đoạn tiến độ thi công xây dựng công trình, song đến nay khối lượng xây lắp hoàn thành đạt khoảng 95% gói thầu (giá trị đạt 2,89 tỷ đồng). Hạng mục đã hoàn thành 100% gồm có: Kè bê tông, hoa sắt tường rào; còn lại các hạng mục: nền, sân, bãi đỗ xe, bồn hoa, nhà trực bảo vệ, nhà vệ sinh đạt trên 95% khối lượng và dự kiến cuối tháng 3/2019 sẽ hoàn thành dự án.

Tháp Chiềng Sơ bị xuống cấp không chỉ do tác động của thiên nhiên mà còn bởi nhận thức hạn chế của người dân. Ðể Tháp Chiềng Sơ phát huy được giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật thì không chỉ dừng lại ở việc trùng tu, tôn tạo mà cần chú trọng tuyên truyền ý nghĩa, vai trò của tháp cho người dân. Ngoài ra, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần có kế hoạch “dài hơi”, hỗ trợ, tổ chức liên kết các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh, giới thiệu cho khách tham quan đến với di tích, thăm các bản văn hóa trên địa bàn xã Chiềng Sơ. Việc làm này không chỉ góp phần giới thiệu về các sản phẩm du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn phục vụ việc nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục truyền thống, lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top