Nuôi dưỡng truyền thống dân tộc

09:29 - Thứ Năm, 28/03/2019 Lượt xem: 7682 In bài viết

ĐBP - Tham gia Lễ hội Khèn hoa - Không gian văn hóa Tây Bắc lần thứ III diễn ra tại Sa Pa (Lào Cai), đoàn nghệ nhân dân tộc Mông tỉnh Ðiện Biên gồm 8 nghệ nhân tiêu biểu mang tới những tiết mục đặc sắc và xuất sắc giành vị trí nhất toàn đoàn cùng nhiều danh hiệu khác. Ðây không chỉ là vinh dự của tập thể mà còn là động lực để các nghệ nhân tiếp tục “truyền lửa” nuôi dưỡng truyền thống dân tộc.

 

Các nghệ nhân tỉnh Ðiện Biên biểu diễn tại Lễ hội Khèn hoa 2019 tổ chức tại Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Thái Châu

Bắt nguồn từ phong tục, tập quán xa xưa, cây khèn gắn bó mật thiết với đời sống và sinh hoạt của người Mông nên múa khèn có rất nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn...; còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám tang để chia buồn cùng gia đình, tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới... Tiếng khèn vui khiến người nghe có cảm giác hưng phấn, rạo rực, nhưng tiếng khèn buồn có thể khiến người nghe cảm thấy xúc động mạnh mẽ. Không chỉ vậy, hiện nay, múa khèn còn được biểu diễn trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Cũng chính từ những hoạt động đó mà nhiều tài năng với cây khèn truyền thống được phát hiện, ươm mầm để đi khắp mọi miền quảng bá về văn hóa truyền thống Ðiện Biên.

Bà Bùi Thị Hồng Lanh, Trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng (Trung tâm Văn hóa tỉnh) - người trực tiếp cùng đoàn nghệ nhân tới Sa Pa dự hội, chia sẻ: Trong Lễ hội Khèn hoa năm nay, đoàn nghệ nhân dân tộc Mông tỉnh nhà gồm 8 nghệ nhân được lựa chọn từ các “hạt giống” của các huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Nậm Pồ và Mường Nhé. Với 8 tiết mục trình diễn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng dân tộc, các nghệ nhân đã góp phần giới thiệu, quảng bá sắc màu di sản văn hóa tỉnh Ðiện Biên đến với đông đảo bạn bè, du khách tham dự Lễ hội. Không chỉ tham gia thi trong lễ hội, các nghệ nhân còn trình diễn trên đỉnh Fanxipang mang lại trải nghiệm hoàn toàn mới lạ cho du khách đến với “nóc nhà” Ðông Dương. Hầu hết các tiết mục đều là những nét truyền thống nguyên bản được các nghệ nhân thể hiện bằng đam mê và năng khiếu của mình tự đúc kết mà thành. Ðội ngũ biên đạo chỉ bố trí thêm một số đạo cụ, hướng dẫn thêm một số tuyến đi để sân khấu hóa các động tác múa khèn thêm phần sinh động. Như tiết mục múa đơn trích đoạn nghi lễ gọi hồn Cô nha, ua pì của nghệ nhân Mùa A Dình (huyện Tuần Giáo) được bố trí thêm nhiều ngọn nến cho thêm phần sinh động; múa trích đoạn Nào Pê Chầu của tập thể các nghệ nhân có thêm một chiếc bục ở giữa để một nghệ nhân đứng múa... Không phụ công sức tập thể bỏ ra, đoàn nghệ nhân tỉnh Ðiện Biên giành giải nhất toàn đoàn, cùng một giải nhì cá nhân, một giải phụ cho nghệ nhân cao tuổi nhất.

 

Nghệ nhân tỉnh Ðiện Biên biểu diễn tại Lễ hội Khèn hoa 2019. Ảnh: Thái Châu

Vinh dự mang về giải nhì cá nhân cho đoàn Ðiện Biên, nhưng ít ai biết, hành trình đi dự hội của nghệ nhân trẻ Mùa A Dình (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) lại khá gian nan khi bị chính... vợ mình ngăn cản. Bởi lẽ chàng trai Mông sinh năm 1993 này có điệu múa điêu luyện, tiếng khèn réo rắt, nồng nàn như rượu ngô nên vợ anh chẳng dám cho đi xa, sợ lại làm say lòng các cô gái khác. Anh Dình tâm sự: Gắn bó với tiếng khèn từ năm 11 tuổi, anh hiểu tường tận muốn thổi được và biết múa khèn phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện bền bỉ, công phu, kiên trì. Bởi khi vừa thổi vừa múa đòi hỏi phải sử dụng nhiều động tác vô cùng nhuần nhuyễn. Nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài... Vì vậy, được mang tiếng khèn đi giao lưu, học hỏi với các tỉnh bạn là điều vinh dự, tự hào không chỉ của riêng anh mà cả 8 nghệ nhân trong đoàn. Về dự hội, giải cao không phải là điều quan trọng nhất mà điều cốt lõi là anh được sống với đam mê, được mang tiếng khèn Mông tới mọi miền Tổ quốc. Anh rất mừng vì không chỉ đồng bào dân tộc Mông, mà nhiều du khách trong và ngoài nước cũng yêu thích và cổ vũ nhiệt tình cho các tiết mục của đoàn. Ðiều đó đã tiếp thêm nghị lực, truyền “lửa” để anh và các nghệ nhân thêm gắn bó, nuôi dưỡng môn nghệ thuật truyền thống dân tộc vốn đã ngấm sâu vào tâm hồn và đời sống hàng ngày của người Mông.

Cũng hơn 30 năm dập dìu với tiếng khèn Mông truyền thống nhưng phải đến năm 2012 ông Sình A Tâu (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa) mới mang môn nghệ thuật này lên trình diễn trên sân khấu. Ði cùng đoàn lần này, với con mắt của một người đam mê cây khèn, điệu múa, ông đã học hỏi được không ít. Mà trong đó, có nhiều điều khiến ông phải trăn trở. Ông Tâu tâm sự: Ðược đi dự lễ hội là dịp giao lưu với các đoàn bạn để có thể so sánh, đánh giá về nghệ thuật khèn Mông của mỗi địa phương. Quả thực, nếu xét về chuyên môn thì đoàn Ðiện Biên trội hơn hẳn trong các tiết mục, tiếng khèn, điệu múa điêu luyện tạo ấn tượng với khán giả. Cũng bởi các đơn vị bạn đều là những diễn viên, nghệ sĩ trẻ mới được trao truyền nghệ thuật khèn Mông biểu diễn. Ðiều đó cho thấy, nghệ thuật khèn Mông đang được các đơn vị bạn bảo tồn và phát triển trong cộng đồng khá tốt. Lớp trẻ tại đó đã bắt đầu quan tâm, tìm hiểu về các môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. Không giống như tại địa phương ông, lớp trẻ chỉ mải mê với máy vi tính, thời gian rảnh lại chăm chú vào những chiếc điện thoại thông minh mà đang quên mất những giá trị truyền thống. Trăn trở với điều đó, ông Tâu mong muốn kết hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức lớp dạy khèn Mông để duy trì cái hồn dân tộc trong cộng đồng. Trước hết là dạy các “lý” truyền thống để thế hệ trẻ hiểu về lịch sử, gốc gác cha ông, rồi sẽ gắn nghệ thuật khèn Mông vào với các nghi lễ ấy. “Nếu người Mông không có tiếng khèn thì sẽ chẳng còn là người Mông nữa” - ông Tâu trăn trở.

Xuất hiện trong hầu hết các sự kiện lớn của người Mông, nghệ thuật múa khèn thể hiện tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Tiếng khèn ngấm sâu vào tiềm thức, không thể thiếu như cơm ăn áo mặc hàng ngày, như chén rượu ngô thơm nồng khiến bao thế hệ người Mông phải đắm say. Và những chương trình như Lễ hội Khèn hoa cũng là dịp để các nghệ nhân khèn Mông thể hiện các nét đẹp trong văn hóa, đồng thời, truyền thêm nhiệt huyết trong nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử truyền thống tốt đẹp đó tới thế hệ trẻ ngày nay.


Diệp Chi
Bình luận
Back To Top