Trên cầu vồng bảy sắc

09:37 - Thứ Năm, 28/03/2019 Lượt xem: 6149 In bài viết

ĐBP - “Chúng tôi cứ đi trên cái cầu vồng bảy sắc. Bạt ngàn là hoa ban trắng bên đường, màu trắng đến là khắc khoải, nao lòng. Này hoa ban, một nghìn năm sau thì mày có trắng thế không? Chúng tôi cứ đi, đi mãi... Tôi biết chắc ở trước mặt tôi đấy là cổng Trời, là cổng Thiên đường...”.

Tôi đã thuộc lòng phần kết truyện ngắn “Những người thợ xẻ” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ những năm chín mươi của thế kỷ trước. Khi ấy chỉ cảm giác một cái gì mơ hồ, cũng không hẳn chân trời vẫy gọi. Con đường đột nhiên cao vút, xoay xoáy. Hoa ban, mây trời òa ập tứ phía, và… cả dưới vực kia, cái màu trắng khác thường đương ùn ùn lên. Một miền miên man rưng rức, người - hoa - cây - nắng bắt vào nhau, dắt nhau đi.

Năm ấy, rừng ban lặng thinh. Hoa ban, hoa gì gì… cũng chỉ biết gửi sắc vào nắng, hương vào gió, trôi trôi lưng trời. Rừng rộn người lấy củi, chuối tía, chặt hạ, cưa xẻ. Nắng trưa, loa lóa những đôi mắt mở to lên trời xanh, vòm lá.

Năm ấy, miên man gió Lào, khói nương. Từng đoàn người, đổ bóng dài nối thêm chênh vênh xa ngái. Rất lâu, mới có những cánh chim vút lên, thật nhanh, hoảng hốt.

Năm ấy, áo cóm đã thật “cóm” sát mà vẫn gai cào, dây rừng giăng mắc. Chữ luồn, câu lủi sao mà nghĩa đen đến thế. Rừng chả điểm danh ai, vì đông quá. Cứ thấy người là đóng dấu ngay một màu lem nhem đói kém.

Năm ấy, không biết bao nhiêu người thành “nhân vật” “Người khổng lồ” vật vờ cổ tích. Kết quả của bao bước chân háo chuyện, đói ăn, đói một chân trời. Tằng Quái gần, Pha Ðin xa, sao núi mãi quây quanh, núi mọc trong nhà trong mắt, ngày ngày oằn đôi vai, đôi chân.

Không nhớ bao nhiêu xuân, người người chỉ nhớ đến gió Lào, mà quên bẵng hoa ban cũng gió mây trôi trôi dịp ấy. Tại làm sao, vô cảm với loài hoa không biết ồn ào, chỉ lặng im tỏa trắng trong nắng bên đường, trên núi thấp núi cao hay mải miết mưu sinh? Dạ thưa… “nhà chưa có điều kiện ạ”, cái đẹp đành “ưu tiên” cho sản xuất ạ - “Kiều bó tròn trong những gói tản cư/ Bà ru cháu bằng ca dao sản xuất (Chế Lan Viên)… Ô cửa còn “Chỗ xếp củi thay chỗ chơi hoa”, lúa ngô lợn gà phải được quan tâm hơn hết ạ… biết thế mà đành thế. Cả nước thời ấy là như thế.

Bao nhiêu vòng vòng mưa nắng thì òa những xuân nay. Nhanh quá tháng năm, thấy núi đồi bản làng có da có thịt, đường phong quang, nhà đẹp đẽ, hồng hồng má thắm môi cười. Vẫn rừng ấy người ấy mà giờ xanh lên, đẹp lên. Chim rủ nhau về, véo von khúc rừng; người có con đường mới, tin yêu, phơi phới.

Hoa ban nghìn năm trở lại. Lạ hơn, mới hơn, gần gũi hơn. Chuyện tình chàng Khum nàng Ban dấu tích một thời, mọi du khách đều thuộc lòng. Lúc dừng nghỉ đỉnh đèo, ngẫm nghĩ cổ tích ấy, thấy “anh chị em ruột” với nhiều danh thắng. Ðương lúc chùng lại háo hức, chợt thấy nắng à lên từ vệnh núi bên kia. Người bật đứng dậy, mắt im to, ố ô, tay tự nhiên dang ra như dô hò khoan cả bầu trời trắng sáng vào lồng ngực.

Ban là cây rừng trong muôn vạn cây rừng. Không quý báu kiểu gỗ như đinh lim, sến táu; chẳng thực dụng như tre nứa, song mây. Ban là hoa, hoa rừng, nếp chung là trùng trùng một bầu trời trắng, kéo lên gọi lên những ước mong khao khát. Bạn cảm xúc gì, nghĩ gì khi được bầu trời hoa ấy dắt đi? Sẽ khó gọi tên chính xác nhưng ai cũng công nhận là… cảm giác như được bay, ưu tư phiền muộn tan biến, một cái gì mới mẻ đương đến. Nói đến cảm giác hoa ban, lại nhớ dịp hầu chuyện một cựu binh Ðiện Biên Phủ. Ông nói, lần ban ngày qua một con đèo, cứ thấy chênh vênh, sờ sợ làm sao… (cảm giác người miền xuôi, lại lâu lắm toàn đêm đen). Rồi cảm giác ấy tan ngay khi thấy xa xa phía trước một rừng ban.

Bây giờ đời sống đã lên, cái thiết yếu hằng ngày không mấy người phải bận tâm. Hoa trở nên đúng nghĩa cái đẹp, được đầu tư, trân trọng. Chả cứ lễ Tết, ngày thường trong nhà, trong phòng cũng không hiếm hoa tươi. Hồng, cúc, lan, ly… cả hoa dại không tên, gì gì nữa cũng trong lọ trên bàn. Người yêu hoa, muốn hoa thật gần mình, cùng mình mọi vui buồn công việc. Thế cũng phải, hoa cùng người, mong manh li ti thăng hoa.

Hoa ban thì riêng một lối - bên người. Xuân đương căng, rừng ban hợp hợp trùng trùng vẫy khách từ xa. Phố đương mùa du lịch, người xe dưới hàng ban thấy trời mây náo nức, bay bay. Hệt kiểu đi trên “cầu vồng bảy sắc”, đi mãi, đi mãi… sẽ đến “cổng trời”.

Du An
Bình luận
Back To Top