Thiếu vắng vai trò “người giữ lửa” cho các nhà hát

14:46 - Thứ Sáu, 29/03/2019 Lượt xem: 6508 In bài viết

Chỉ đạo nghệ thuật xưa nay được coi là vai trò “giữ lửa” cho các nhà hát. Thế nhưng ngày nay, trong sự đi xuống của sân khấu, vai trò của chỉ đạo nghệ thuật dường như cũng đang bị lãng quên.

 

Nhà hát Tuổi trẻ thường xuyên dàn dựng các tác phẩm để đời của kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Ảnh: Vở "Mùa hạ cuối cùng".

Theo PGS. TS Trần Trí Trắc, từ năm 1945, sân khấu Việt Nam có thành tố thứ 5 “chỉ đạo nghệ thuật” ngoài bốn thành tố là tác giả, đạo diễn, diễn viên và khán giả. Thành tố này có vai trò bảo đảm khuynh hướng, phong cách và mọi giá trị sáng tạo của đơn vị nghệ thuật. Đạo diễn là người chỉ đạo nghệ thuật cho vở diễn, còn người chỉ đạo nghệ thuật thì làm nên phong cách, hướng đi của một đơn vị nghệ thuật. Người giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật không chỉ định hướng sáng tạo mà còn bảo vệ tác phẩm nghệ thuật của nhà hát để tác phẩm đó đến được với khán giả. Nhiều tác phẩm đã tạo nên tiếng vang lừng lẫy, khiến cho khán giả nhớ mãi và cũng tạo nên những tên tuổi của sân khấu như “Tôi và chúng ta”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Cô Son”, “Đồng tiền vạn lịch”… gắn bó với những nghệ sĩ như Hoàng Dũng, Hoàng Cúc, Minh Hòa, Tiến Đạt, Quốc Chiêm, Lâm Bằng, Thúy Mùi, Quốc Anh…

Để đảm nhiệm được vai trò với những nhiệm vụ nặng nề đó, người làm công tác chỉ đạo nghệ thuật phải am tường nhiều bộ môn nghệ thuật. Theo NSND Mạnh Tưởng, người chỉ đạo nghệ thuật còn phải am hiểu cả thơ, ca, nhạc, họa, múa… vì đó là những thành phần sáng tạo không thể thiếu của sân khấu. “Chỉ đạo nghệ thuật nghĩa là vạch ra một con đường, một hướng đi đúng cho nghệ thuật đạt tới tính thẩm mỹ cao và một tầm văn hóa trong sáng, lành mạnh. Nếu chỉ đạo nghệ thuật đúng thì khác giả thấu hiểu và thấm thía, còn sai thì khán giả sẽ hoang mang, khó hiểu, thậm chí coi thường tác phẩm” – ông cho biết.

Thế nhưng, hiện nay, vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật ở các nhà hát dường như đang bị mờ nhạt dần. Nhà văn Nguyễn Hiếu, một người gắn bó lâu năm với sân khấu cho rằng, “Vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật tại không ít nhà hát ở Hà Nội dường như không có, không làm một công việc gì thực sự gắn với nghệ thuật, nhiều khi chỉ tồn tại rất hình thức với một dòng chữ trên pano giới thiệu vở diễn”. Ông phân tích, chính vì vai trò của chỉ đạo nghệ thuật bị bỏ qua, không có sự chủ động khai thác, tạo nguồn kịch bản phù hợp, cho nên nhiều đơn vị luôn rơi vào tình trạng ăn đong, trông chờ hay giao quyền chọn, dựng kịch bản cho các tác giả, đạo diễn quen thuộc. Kịch bản được lựa chọn cũng là những kịch bản an toàn, theo ngân sách được phân bổ hoặc các nguồn tài trợ có được. Và mặt khác, vì người chỉ đạo nghệ thuật bỏ qua việc tạo ra cho nhà hát một phong cách riêng, cho nên cũng bỏ qua luôn cả việc thăm dò thị hiếu, nhu cầu của khán giả, điều này dẫn đến tình trạng một số kịch bản dựng xong diễn vài ba buổi lấy lệ rồi đem cất kho.

NSND Quốc Chiêm, người gắn bó lâu năm với sân khấu truyền thống chia sẻ: “Sân khấu chúng ta đang có một vấn đề lớn: các nhà hát đang thiếu phong cách riêng, chính xác là thiếu cán bộ chỉ đạo nghệ thuật thực sự. Người chỉ đạo nghệ thuật thông thường là giám đốc các nhà hát. Về mặt chuyên môn, điều đó là không đúng”. NSND Quốc Chiêm cho rằng, đó là lý do của tình trạng “xem một đoàn biết nhiều đoàn” hiện nay, và “hiệu ứng cười” mới lan rộng dễ dàng trong các nhà hát như vậy. Một số nhà hát hiện nay chưa xác định được đâu là thế mạnh riêng của từng đơn vị, cho nên chỉ chạy theo cái mà nơi khác đã thành công. NSND Quốc Chiêm phân tích: “Trong thời gian khó khăn này phải lấy ngắn nuôi dài, lấy hài kịch nuôi chính kịch, điều đó không sai. Nhưng chỉ chạy theo thị hiếu hoặc lấy những cách chọc cười tức thời ấy làm mục tiêu thì điều đó không đúng”.

 

Nhà hát kịch Việt Nam, một trong những đơn vị kiên trì theo đuổi con đường chính kịch. Ảnh: Vở "Kiều", một trong những sáng tạo gần đây của Nhà hát.

Mạnh mẽ hơn, nhà báo, nhà nghiên cứu sân khấu Lê Quý Hiền còn thẳng thắn phê phán: “Muốn có phong cách riêng, các đơn vị cần phải có kịch mục tạo nên diện mạo nhà hát. Tuy nhiên các đơn vị nghệ thuật phía bắc hiện nay ít khi làm được điều này mà thường “ăn đong”. Thậm chí, dựa vào đạo diễn thân thiết, giới thiệu kịch bản nào để nhận dàn dựng là Hội đồng nghệ thuật thông qua. Nhà nghiên cứu Lê Quý Hiền còn chỉ ra thực trạng mặc dù đơn vị nào cũng có chỉ đạo nghệ thuật và phòng nghệ thuật, nhưng kịch bản và vở diễn lại được khoán trắng cho đạo diễn và biên kịch, nhiều khi thay đổi hoàn toàn so với công trình được duyệt ban đầu. “Đó là trách nhiệm của chỉ đạo nghệ thuật và phòng nghệ thuật” – ông kết luận.

Giải pháp cho tình trạng này, theo NSND Quốc Chiêm, đầu tiên là phải nâng cao chất lượng tác phẩm, mà trước hết là đổi mới về quy trình sáng tạo, trong đó tạo điều kiện tối đa để thu hút các nghệ sĩ, tác giả.., đồng thời các đơn vị nghệ thuật phải có kế hoạch dàn dựng tác phẩm lâu dài, lấy khuynh hướng nghệ thuật để làm cơ sở đặt hàng tác phẩm. Khôi phục, dựng lại các vở kinh điển của các tác giả tên tuổi trước đây cũng là một cách. Các đơn vị cũng phải quy định trách nhiệm của từng thành phần sáng tạo, trong đó có cả trách nhiệm của giám đốc, chỉ đạo nghệ thuật đối với chất lượng tác phẩm.

NSND Quốc Chiêm cũng nêu rõ, đối với quá trình dựng một vở diễn, các tác giả, các thành phần sáng tạo như họa sĩ, nhạc sĩ phải trực tiếp có mặt tại sàn tập để trao đổi với đạo diễn, cùng góp ý, sửa chữa, thay đổi nếu cần.

Các nhà hát, đơn vị nghệ thuật cũng phải làm mới mình, thay đổi tư duy chọn kịch bản, tìm kịch bản phù hợp với thị hiếu công chúng nhưng vẫn phải bảo đảm tiêu chí dẫn dắt về mặt nghệ thuật, tính thẩm mỹ, tính nhân văn… Nghệ thuật phải đến được với công chúng, muốn làm được điều đó thì phải thỏa mãn tính hấp dẫn.

Một giải pháp cũng rất hiệu quả mà nhà văn Nguyễn Hiếu đưa ra, đó là tổ chức trại sáng tác để có được những kịch bản tốt. “Nhà hát chèo Quân đội và Nhà hát kịch nói Quân đội là những đơn vị làm tốt điều này. Nên chăng từ cấp sở, đến các đơn vị sân khấu Hà Nội cần tham khảo để làm vai trò và tính tích cực của người chỉ đạo nghệ thuật rõ nét hơn, giúp sân khấu Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn với bản sắc của nghệ thuật kịch Hà thành” – ông chia sẻ.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top