Ðể hoa Ban trở thành tâm điểm của Lễ hội Hoa Ban

08:57 - Thứ Tư, 03/04/2019 Lượt xem: 7311 In bài viết

ĐBP - Sau 6 mùa tổ chức, có thể nói Lễ hội Hoa Ban giờ đây đã trở thành thương hiệu của du lịch Ðiện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung. Bên cạnh những dấu ấn tốt đẹp mà chính quyền địa phương và các cấp, ngành nỗ lực tạo dựng về hình ảnh một mảnh đất Ðiện Biên lịch sử, giàu bản sắc văn hóa và thân thiện, thì vẫn còn đôi chút tiếc nuối khi hình ảnh hoa Ban - linh hồn của lễ hội lại chưa thực sự được như kỳ vọng.

 

Hoa ban tại khu vực Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ chưa nở đều đúng dịp lễ hội khiến nhiều du khách tiếc nuối.

Ðã là Lễ hội Hoa Ban, thì điểm nhấn đầu tiên khiến người ta kỳ vọng chắc chắn phải là hoa ban. Mặc dù những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp thì hoa ban rừng đã được nhân giống trồng nhiều tại các khu vực trung tâm thành phố. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau nên ban nở không đều và chưa đúng dịp nên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của du khách. Những tuyến phố vẫn được “mệnh danh” là con đường hoa ban, như: Hai đầu cửa ngõ thành phố, đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Chí Thanh...; hay các khu vực di tích lịch sử tại trung tâm thành phố vào mùa lễ hội chưa thực sự khiến du khách phải trầm trồ, choáng ngợp.

Thừa nhận thực trạng này, bà Mai Hương, Chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng: “Nguyên nhân chính là do những tác động của thời tiết, năm thì nắng nóng, có năm lại lạnh, nên hoa nở thất thường, không đều. Mặt khác, đặc tính của hoa ban là sống trên đồi núi khô cằn, đến mùa sẽ trút hết lá già, sau đó ủ nụ và hoa nở trắng xóa, tạo nên nét đẹp riêng. Tuy nhiên, khi mang về thành phố, chủ yếu lại được trồng trên các tuyến đường, dưới là hệ thống thoát nước thải nên độ ẩm rất lớn, khiến cây rất khó thích nghi, phần lớn không trút hết lá khi ra hoa, vì thế mà phần nào mất đi vẻ đẹp đó”. Bên cạnh đó, một nguyên nhân được cho là chủ quan được bà Hương thẳng thắn chia sẻ là các đơn vị quản lý chưa thực sự quan tâm đúng mức. Sự quan tâm ở đây không dừng lại ở việc tưới nước, tỉa cành, mà cần phải có sự tác động của kỹ thuật để đảm bảo cây phát triển đúng đặc tính và cho hoa đồng bộ đúng dịp lễ hội.

Hiện nay toàn thành phố có gần 4.000 cây hoa ban; trong đó có gần 3.000 cây trồng lâu năm và khoảng 1.000 cây trồng mới, chủ yếu trên các tuyến đường và điểm di tích. Qua phân tích, đánh giá thì hiện nay đa phần các cây đã có đường kính trên 15cm, chiều cao từ 7 - 10m, có tán cân đối, ra hoa đẹp vào khoảng thời gian từ tháng 2 - 3 hàng năm. Toàn bộ số cây ban này được giao cho 2 đơn vị có trách nhiệm quản lý là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Ðiện Biên Phủ. Trong đó Chi cục Lâm nghiệp có vai trò hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật. Trên cơ sở nhiệm vụ tỉnh giao, hàng năm Chi cục Lâm nghiệp cũng có những văn bản hướng dẫn, đề nghị phối hợp chăm sóc cây ban, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Một điều cũng thật tiếc là, cho đến thời điểm này, đã qua 6 mùa tổ chức, mặc dù tỉnh, thành phố đã có nhiều kế hoạch, định hướng cụ thể về việc trồng cây hoa ban, nhằm “cụ thể hóa” mục tiêu đưa hoa ban rừng về phố và tạo điểm nhấn cho du khách về một thành phố hoa ban, song lại chưa có bất cứ đánh giá chuyên môn cụ thể nào về cây hoa ban trên địa bàn thành phố, để làm căn cứ triển khai các hoạt động chăm sóc, tác động cho hoa ban nở đúng dịp lễ hội.

Ðược biết, năm 2018 vừa qua, một đề tài khoa học cấp tỉnh đầu tiên chính thức nghiên cứu về cây hoa ban mới được Chi cục Lâm Nghiệp xây dựng và tỉnh phê duyệt. Song phải sau 3 năm (2018 - 2020) đề tài kết thúc, thì lúc đó mới có cơ sở đưa ra các khuyến cáo chăm sóc, tác động để cây ban rụng lá và nở hoa đúng dịp lễ hội. Mặc dù là sự chậm trễ, song đây là việc làm hết sức cần thiết để kỳ vọng về một thành phố với những mùa ban rực rỡ hơn.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top