Ðến với bài thơ hay

Từ ly

09:07 - Thứ Năm, 04/04/2019 Lượt xem: 6305 In bài viết

Lửa xong nhiệm vụ, lửa tàn

Vẹn nguyên, tro đợi băng ngàn xuyên mây

 

Lửa im nhỏ thó hình hài

Mẹ ngồi an định trên tay con mình

 

Nói cười vang vọng xung quanh

Vẫn không át được lặng thinh nỗi lòng

 

Tan vào khói bụi mông lung

Mẹ theo con chuyến cuối cùng phi cơ

 

Mẹ bồng con suốt tuổi thơ

Con ôm mẹ chỉ một giờ từ ly

 

Mấy ai hiểu được điều gì

Sao người khách cứ ôm ghì hũ tro...

Nguyễn Thái Dương

 

Lời bình

Con ôm mẹ giữa giờ phút từ ly

Thơ khởi sự ở lòng người. Lòng người thế nào, thơ thường cất lên điệu tình tương hợp. Một bài thơ hay, đọc qua một lần đã cảm thấy dư vị ngọt ngào neo vào cõi lòng người đọc. Thi phẩm Từ ly của Nguyễn Thái Dương là tiếng lòng của một người con trong phút giây ôm hũ tro xương cốt của mẹ mình theo chuyến phi cơ cuối cùng trở về quê cũ. Bài thơ do đó thấm thía và cảm động một cách tự nhiên, nó dễ làm tâm hồn ta bật khóc trong giây phút từ ly, âm dương cách biệt.

Hai câu thơ mở đầu có tính giới thiệu để người đọc hiểu được tình cảnh của người con và mẹ mình trở lại quê nhà trên chuyến phi cơ cuối cùng chuẩn bị “băng ngàn xuyên mây”:

Lửa xong nhiệm vụ, lửa tàn

Vẹn nguyên, tro đợi băng ngàn xuyên mây”.

Hỏa táng mẹ xong, con đưa mẹ về quê nhà yên nghỉ trên chuyến bay cuối cùng trong ngày cùng với nhiều hành khách. Nhưng xót xa thay, đó là chuyến “đồng hành” từ ly vĩnh biệt khi mẹ nhỏ thó hình hài bên con trong một hũ tro cốt an định. Giản dị mà cứa máu trái tim người đọc, Nguyễn Thái Dương tiếp tục thầm thì nỗi niềm ấy khi lặng lẽ ôm mẹ vào lòng, ôm tấm hình hài như ngọn lửa lặng im đã hóa thành tro bụi. Lời thơ tự nhiên, nhẹ nhàng, không chải chuốt ngôn từ, không cao xa chữ nghĩa, cứ thế chân thành lan tỏa mà bật thốt biết bao tình thương yêu, lòng hiếu thảo:

Lửa im nhỏ thó hình hài

Mẹ ngồi an định trên tay con mình

Trên chuyến bay cùng con trở về quê cũ, mẹ đã là người thiên cổ, đã là cõi không “an định trên tay con mình”. Những âm thanh cười nói trên chuyến bay của hành khách vẫn không làm sao át được nỗi đau vò xé, mất mát hư hao từ cõi lòng con thương mẹ. Ðây là hai câu thơ xuất thần, đã diễn tả được tâm tình tác giả bằng một lối biểu đạt rất mới mẻ. Quả vậy, đôi khi âm thanh không lấn át được sự im lặng, vì đó là sự lặng im của những cơn bão lòng xô đẩy, nó va đập mạnh hơn cả lốc xoáy, nó ghìm lòng trong sự tĩnh lặng mà đau thương đến tận cùng quật khởi. Con không nói gì, con lặng im ôm mẹ vào lòng mặc cho mọi người “nói cười vang vọng xung quanh” mà trái tim con quặn thắt:

Nói cười vang vọng xung quanh

Vẫn không át được lặng thinh nỗi lòng

Giữa muôn ngàn ý nghĩ của con về mẹ, sự thấu suốt của nhà thơ về công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ thật lớn lao không gì so sánh được. Ðó là một chuỗi ngày dài mẹ bồng con, chăm sóc và lo lắng cho con. Ðến giờ phút âm dương đôi đường chia biệt, con mới được ôm mẹ vào lòng trong giờ phút từ ly. Nhẹ nhàng mà thương cảm đến đứt ruột, những câu thơ của Nguyễn Thái Dương dễ làm ta bật khóc nghẹn ngào:

Mẹ bồng con suốt tuổi thơ

Con ôm mẹ chỉ một giờ từ ly

Ðến hai câu thơ kết bài, nhà thơ bộc bạch nỗi niềm của mình qua sự sững sờ “mấy ai hiểu được” của nhiều hành khách trên chuyến bay đưa mẹ về quê hương lần cuối. Mấy ai hiểu được lòng con thương mẹ thế nào đâu? Chỉ có con đây, đứa con đang “ôm ghì hũ tro” vào lòng đầy đớn đau vò xé trong suốt một giờ bay từ ly vĩnh biệt mẹ hiền:

Mấy ai hiểu được điều gì

Sao người khách cứ ôm ghì hũ tro...

Chỉ với mười hai câu thơ lục bát được tác giả vắt thành sáu khổ, lời thơ nhẹ nhàng, tứ thơ xuyên thấu một tấm lòng hiếu nghĩa, nhà thơ Nguyễn Thái Dương đã khiến cho người đọc giật mình thương mẹ biết bao nhiêu. Mẹ của ai trên đời rồi cũng có phút giây từ biệt với con mình. Ðọc thơ là để có được giây phút tâm tình hòa điệu với cõi lòng thi nhân, may ra ta có được một lần tạ ơn bậc sinh thành dưỡng dục.

Lê Thành Văn
Bình luận
Back To Top