Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng

Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa

14:39 - Thứ Sáu, 12/04/2019 Lượt xem: 6663 In bài viết

Trong tâm thức của những người con đất Việt, từ bao đời nay, các Vua Hùng là Thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của cộng đồng người Việt. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tổ chức hàng năm luôn được xem như ngày hội lớn thu hút hàng triệu con cháu Lạc Hồng khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào sinh sống tại nước ngoài hội tụ về núi thiêng Nghĩa Lĩnh, thành kính thắp nén hương thơm tri ân công đức Tổ tiên.


Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng luôn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thực hành tín ngưỡng. Ảnh: Phương An

 

Tháng ba, nhớ ngày Giỗ Tổ

 

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba”

Câu ca dao như lời nhắc nhở mỗi người dân đất Việt, dù đi đâu, làm gì cũng vẫn luôn nhớ về nguồn cội.

Những ngày này, dù chưa chính thức khai hội nhưng du khách thập phương hành hương về Đền Hùng đều có thể cảm nhận được không khí lễ hội đang tràn ngập khắp nơi. Từ Việt Trì - thành phố lễ hội đến các huyện lân cận như Phù Ninh, Lâm Thao, các tuyến đường đến Khu di tích lịch sử Đền Hùng đều được trang hoàng lộng lẫy, chào mừng ngày hội lớn.

Dừng chân tại cổng chính nhắc nhở mọi người trong đoàn chỉnh sửa trang phục, sắp xếp lại đồ lễ trước khi dâng lên các đền, ông Nguyễn Khắc Hợp đến từ tỉnh Cà Mau cho biết: Năm nào gia đình tôi cũng tổ chức đi Lễ hội Đền Hùng. Mọi năm, gia đình thường đi vào chính hội nhưng năm nay do có người cao tuổi đi cùng nên gia đình tổ chức đi trước hội. Hôm qua chúng tôi nghỉ tại Khách sạn Phú Thọ - Sài Gòn, buổi tối gia đình tôi được xem lễ hội đường phố do thành phố tổ chức, chúng tôi vui lắm, không khí lễ hội ở Việt Trì thật tưng bừng, đường phố trang hoàng rực rỡ... Còn bà Nguyễn Thị Hải, 80 tuổi, mẹ ông Hợp xúc động cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi về mảnh đất cội nguồn thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước, tôi vui lắm, giờ có thể yên tâm nhắm mắt vì cuối đời đã tìm về được nơi cội nguồn của người Việt để tri ân công đức Tổ tiên.

Trong tà áo dài thướt tha, chị Hoàng Thị Hằng Nga cho biết chị là Việt kiều từ Canada về Đất Tổ tri ân công đức Tổ tiên, “10 năm rồi tôi mới có dịp quay trở về mảnh đất nguồn cội để thắp hương, lần này về tôi thấy Khu Di tích lịch sử Đền Hùng có nhiều thay đổi, cảnh quan xanh sạch đẹp, tình hình an ninh trật tự đảm bảo, không có hiện tượng chen lấn, móc túi, ăn xin… Tôi cảm thấy đây là lễ hội bình yên và mẫu mực” chị Nga nói. 

Tuy không phải con dân đất Việt nhưng cứ đến dịp Giỗ tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng, ông Kim Jong Hyuk làm việc nhiều năm nay tại một công ty nước ngoài đóng trên địa bàn Khu công nghiệp Việt Trì đều đạp xe đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để thắp hương tưởng nhớ các Vua Hùng. Ngồi nghỉ tại ngã 5 đền Giếng, ông cho biết: Tôi rất khâm phục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam và cảnh quan khu di tích này rất đẹp, những con đường, bậc lên xuống từ cổng chính lên đền Thượng rất sạch sẽ và an toàn. Chỗ này cảnh quan rộng, đẹp, là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách sau khi tri ân công đức Vua Hùng.

Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa

Là mảnh đất cội nguồn của dân tộc, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hàng năm nhằm giới thiệu với du khách trong nước và nước ngoài về vùng đất địa linh nhân kiệt với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, nhiều lễ hội dân gian đặc sắc gắn với những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng và những danh lam thắng cảnh hấp dẫn vùng Đất Tổ. Đây cũng là dịp để thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc; ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm của mọi người trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân gian Phạm Bá Khiêm, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự sáng tạo văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ quan niệm “con cháu ở đâu, ông bà Tổ tiên ở đó” của người Việt, nên tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sức lan tỏa vô cùng rộng lớn. Quan niệm này đã dần trở thành ý thức hệ được hun đúc trong từng người và trong cả cộng đồng. Vua Hùng đã hiển nhiên tồn tại và ngự trị trên bình diện ý thức tâm linh của người Việt. 

Về với Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, người dân còn được hòa mình trong không gian văn hóa đặc trưng của miền đất Tổ. Ngoài những điệu hát Xoan, những câu hát, điệu múa Sình ca, Vèo ca của người Cao Lan, múa trống đu, sinh tiền đặc trưng của người Mường, Dao vùng Đất Tổ, du khách còn được thưởng thức nét văn hóa độc đáo từ các tỉnh góp giỗ như đờn ca tài tử của tỉnh Cần Thơ, hát múa Ví dặm của Nghệ An và những điệu xòe Thái của tỉnh Sơn La. 

Đung đưa theo làn điệu hát Xoan tại Trại văn hóa huyện Phù Ninh, ông Nguyễn Khắc Hợp đến từ tỉnh Cà Mau cho biết, ông rất trân trọng và nể phục việc lưu giữ những điệu Hát Xoan cổ từ thời vua Hùng đến nay của người dân đất Tổ. Ông khẳng định sẽ mua những đĩa hát Xoan về mở cho con cháu nghe và học hát theo.

Còn bà Nguyễn Thị Lịch, nghệ nhân dân gian phường Xoan An Thái cho biết: Được biểu diễn hát Xoan tại Lễ hội Đền Hùng là vinh dự lớn bởi đây là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên chúng tôi phải cố gắng hết sức mình để bảo vệ, phát huy giá trị hát Xoan một cách bền vững.

 

Một không gian văn hóa trải dài từ thành phố lễ hội Việt Trì tới Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với nhiều hoạt động đậm chất văn hóa vùng Đất Tổ đã và đang góp phần tích cực vào công tác gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa, làm cho những giá trị văn hóa đó có sức sống và lan tỏa trong cộng đồng. 

Trước giờ khai hội, để hài lòng du khách về tri ân công đức Tổ tiên, mọi công tác chuẩn bị cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 đã được hoàn tất. Theo ông Hồ Đại Dũng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019, lễ hội năm nay sẽ được tổ chức với phần lễ trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc, tôn vinh giá trị di sản văn hóa thời đại Hùng Vương; phần hội vui tươi, lành mạnh, văn minh tiết kiệm, thu hút đông đảo người dân tham gia. Lễ hội năm nay tiếp tục đảm bảo “5 không” và hướng tới mục tiêu là lễ hội mẫu mực của cả nước đồng thời là bước chuẩn bị chu đáo cho Quốc Giỗ vào năm 2020. 

Lễ hội Đền Hùng năm 2019 hứa hẹn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương, đồng thời góp phần quan trọng vào việc giữ gìn và phát huy giá trị “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Qua đó, Phú Thọ quyết tâm xây dựng một lễ hội mẫu mực của cả nước, hướng đến sự an toàn, văn minh, tạo sự thỏa mái và ấn tượng tốt nhất đối với du khách khi về thăm viếng Đền Hùng, thắp hương tri ân công đức Tổ tiên.

P.V (Theo Báo Phú Thọ)
Bình luận
Back To Top