Trò chơi dân gian níu hồn dân tộc

19:01 - Thứ Năm, 18/04/2019 Lượt xem: 9582 In bài viết

ĐBP - Ðã nhiều năm nay, trong các lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng không thể thiếu trò chơi dân gian truyền thống các dân tộc, như: Ném còn, ném pao, tù lu, tó má lẹ, đi cà kheo, kéo co... Ðó không chỉ là sự trân trọng, bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc mà còn góp phần quan trọng thu hút du khách tìm hiểu, trải nghiệm khi đến với Ðiện Biên.

 

Kéo co là trò chơi dân gian thu hút sự theo dõi, cổ vũ của đông đảo du khách trong các hoạt động văn hóa, thể thao của tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hiền

Nói đến văn hóa, tỉnh ta như 1 bức tranh đa sắc màu với 19 mảng màu - 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt, do đó các trò chơi dân gian cũng rất phong phú, sinh động. Người Thái có các trò chơi phổ biến như: ném còn, tó má lẹ, đi cà kheo; người Hà Nhì yêu thích trò đánh cù, bập bênh, đẩy gậy; người Lào cùng nhau vui cười sảng khoái với “rùa ấp trứng”, “hổ vồ lợn”, “rắn bắt ếch”; người Mông ai cũng say mê ném pao mỗi dịp xuân về và các chàng trai không bao giờ bỏ lỡ những trận đấu tù lu; người Xạ Phang thật gan dạ với trò đu quay được thiết kế kiểu bập bênh bằng thân gỗ to, dài đến 10m mà không phải ai cũng dám thử… Mỗi trò chơi mang đặc trưng riêng của dân tộc mình, nhưng đều xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hằng ngày và phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường đoàn kết cộng đồng. Trò chơi dân gian có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức mỗi người dân, vun đắp thêm tình yêu, niềm tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng.

Bà Lường Thị May, nghệ nhân dân tộc Lào ở bản Na Sang (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên) cho biết: Sau khi thực hiện các nghi lễ truyền thống thì trò chơi dân gian là phần quan trọng không thể thiếu trong mỗi dịp lễ, tết của dân tộc Lào chúng tôi. Các trò chơi của người Lào có tính cố kết cộng đồng cao, đều phải chơi theo nhóm, tạo ra những tình huống bất ngờ, hài hước, mang lại tiếng cười sảng khoái cho cả người chơi và người xem, đồng thời cũng gửi gắm ước mong về những điều tốt đẹp, vui vẻ cho bản làng. Ðặc biệt những năm gần đây vào mỗi dịp Tết Bun Huột Nặm (Té nước) của cộng đồng chúng tôi, có rất nhiều người trong và ngoài địa bàn đến chung vui, tham dự và rất thích thú cùng trải nghiệm, tham gia các trò chơi dân gian. Thông qua đó quảng bá nét đẹp dân tộc và để con cháu trong bản thêm tự hào, có ý thức gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, ở mỗi địa phương đều đã chú trọng đưa các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số vào nội dung thi đấu cũng như hoạt động trong các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa - thể thao. Các nội dung này thu hút được sự quan tâm đặc biệt của người dân và du khách, tạo không khí đông vui, sôi nổi cho các ngày lễ, tết, hoạt động văn hóa. Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban năm 2019, tại không gian “Phiên chợ vùng cao”, nhiều trò chơi dân gian cũng đã được bố trí, tổ chức thành nội dung thi đấu hoặc trải nghiệm, bao gồm: Ném còn, tù lu, đẩy gậy, múa khèn, đu quay, giã bánh dày… Cùng với tham quan, mua sắm, ai đến “Phiên chợ vùng cao” cũng bị thu hút dừng chân xem, rồi trầm trồ trước những trò chơi độc đáo, đặc sắc của các dân tộc vùng cao. Những trò chơi này còn được tổ chức “mở” cho người dân và du khách có thể trải nghiệm vui chơi, tìm hiểu thêm về văn hóa vùng miền, tạo thêm những kỷ niệm đáng nhớ khi đến Ðiện Biên.

Không chỉ những sự kiện lớn cấp tỉnh, mà trong chương trình, hoạt động văn hóa tại các huyện cũng khai thác rất tốt các trò chơi truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa. Tại Lễ hội Thành Bản Phủ và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Ðiện Biên được tổ chức mới đây, các trò chơi: kéo co, ném còn, đẩy gậy… thu hút đông đảo người chơi và cổ vũ, hò reo. Bà Phạm Thị Minh Châu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết: Trước kia chỉ có những người cao tuổi mới hiểu và biết về các trò chơi dân gian, nhưng hiện nay thế hệ trẻ đều tích cực tìm hiểu, tham gia gìn giữ, truyền nối các trò chơi truyền thống. Việc đưa các hoạt động này vào lễ hội - ngày hội của huyện nhằm góp phần thúc đẩy, tạo thêm niềm tự hào, động lực cho thế hệ trẻ và cộng đồng các dân tộc gắn bó với truyền thống của cha ông, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Có thể nói, những trò chơi dân gian lưu giữ tinh hoa của mỗi dân tộc trong đó. Bởi vậy, dù cách chơi có đơn giản hay phức tạp nhưng các trò chơi đặc trưng dân tộc vẫn tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Việc phát huy, quảng bá, giữ gìn những trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện đại hóa, giao thoa hội nhập càng cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top