Người lính pháo binh

09:08 - Thứ Năm, 25/04/2019 Lượt xem: 7083 In bài viết

ĐBP - Thương buông người ngồi xuống vệ cỏ, hướng mắt theo dòng sông về tít cây cầu phía xa. Mấy bữa nay, anh đang nóng lòng chờ cuộc gọi từ Hội cựu chiến binh tỉnh. Nếu họ đồng ý, cuối tháng này anh sẽ đưa ông nội đi cùng đoàn của Hội vào Nam thăm lại chiến trường xưa. Nếu được, chắc ông sẽ mừng lắm. Ðã từ lâu, ông mong trở lại nơi ấy để gặp lại những người đồng đội, những người dân thật thà, chân chất, nghĩa tình... Thương cứ ngồi nghĩ vẩn vơ mãi cho đến khi tiếng muỗi vo ve, và ánh trăng cọ sột soạt vào những tàu dừa ven đê anh mới bước xuống con đường đất nhỏ đi về nhà.

Tiếng ông nội rên khe khẽ khi trở mình. Dạo gần đây, tự nhiên phía chân bị cụt đến đầu gối của ông thi thoảng lại giật giật khiến ông đau nhói. Mỗi lần như vậy ông lại nhăn nhó, các cơ mặt dúm dó cả lại. Nhìn vào đó, Thương tưởng như nhìn thấy sự in hằn của thời gian cả một đời của ông, của gian khổ và khói sương. Ông hay kể cho Thương nghe những chuyện ngày xưa, cái ngày mà ông còn là anh lính trinh sát pháo binh, tham gia từ chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, rồi đến chiến trường B, chiến trường K. Ông mấy lần bị thương nhưng chỉ cần khỏe lại là ông lại xin được tiếp tục làm nhiệm vụ. Chỉ đến khi bị mảnh đạn pháo của giặc xén mất cẳng chân phải ông mới chịu xuất ngũ về quê.

Ông kể say sưa không biết mệt mỗi khi Thương hỏi về những ngày ông lăn lộn trên các chiến trường. “Bộ phận pháo binh của ông không ít lần khiến pháo địch phải câm họng. Bọn chúng im thin thít không dám bắn trả một lần nào, núp chặt như con rùa rụt cổ”. Nói rồi ông cười khà khà, điệu cười hào sảng mà ông vẫn dùng mỗi khi kể về các trận đánh.

Thương về đến nhà đã thấy ông nội ngồi trước hiên, chiếc quạt mo phe phẩy đuổi muỗi, tay còn lại ông cứ nắn nắn bên cái chân cụt. Hình như ông đang mải suy nghĩ gì đó nên không hay biết Thương đã đến ngồi cạnh từ khi nào.

- Ông lại bị đau ạ?

 Ông Thanh giật mình nhìn qua thằng cháu.

- Ờ! Cháu về rồi à? Ông không đau. Mà đang nghĩ, giá nó lành lặn thì ông đã có thể đi cùng mấy đồng chí trong Hội cựu chiến binh tỉnh trong chuyến tới rồi. Các đồng chí ấy cũng động viên đi, mà mình thế này, đi đứng bất tiện. Toàn thân già với nhau. Khó lắm.

Ông nói nó là nói cái chân ông. Ngày mới xuất ngũ, ông dùng cây nạng đi cũng mạnh lắm, giờ sức bắt đầu yếu, ông chẳng dám đi đâu xa.

- Ðể cháu đưa ông đi nhé! Cháu đã liên lạc với Hội, trình bày trường hợp của ông và xin cho cháu đi theo giúp ông rồi. Họ nói để tổng hợp danh sách, nếu xe còn chỗ cháu có thể đi.

Ông Thanh giục Thương:

- Nhanh, nhanh đứng dậy, vào trong nhà lấy cái điện thoại cho ông, để ông điện nói với ông Tâm cho chắc.

Nghe điện thoại xong, ông Thanh vui lắm. Ông Tâm - Hội trưởng Hội cựu chiến binh hứa chắc chắn rằng sẽ chừa cho ông 2 xuất. Chuyến này, ông có thể gặp lại những đồng đội của mình sau bao nhiêu năm xa cách rồi.

***

Sau bữa đó ông Thanh hoạt bát, nhanh nhẹn hẳn lên. Người lính của một thời khói lửa, nay đã gần bẩy mươi chợt nói cười rổn rảng đủ thứ chuyện như thời còn trai trẻ. Cách ngày ông lại nhắc Thương đã xin công ty nghỉ chưa như sợ thằng cháu mải công mải việc mà không đi được với ông. Ðến khi Thương đưa ông xem tờ giấy ghi Ðơn xin nghỉ phép, có chữ kí rõ ràng ông mới yên tâm. Ông nhờ Thương lấy chiếc ba lô lính của ông lâu nay vẫn cất trong hòm. Rồi xếp ít bộ quần áo vào đó. Hai bộ quân phục đã sờn và bạc màu ông cũng mang theo. Thương tò mò:

- Cũ lắm rồi, ông còn mang theo làm gì?

- Ấy, để vào đến đó, đi thăm chiến trường, ông sẽ mặc. Hà hà, thế mới đúng là con nhà lính chứ.

Thấy Thương lần giở tờ báo đã cũ mèm lấy ra một con dao dài chừng ba mươi phân, to bằng ba ngón tay, ông Thanh chỉ con dao rồi cười:

- Nó đã cứu ông một vố. Bữa đó, ông và đồng chí Tấn nhận nhiệm vụ đi thăm dò, nắm bắt thông tin, tình hình quân số của địch, hướng chúng tấn công để kịp thời báo về trung đoàn. Tìm được một đám cây dại um tùm, bọn ông dùng tay vạch, rồi lấy dao phát bớt những dây leo bò loằng ngoằng khắp nơi đi để lấy chỗ núp. Vừa đưa chiếc ống nhòm lên, ông liền bị con rắn lục đuôi đỏ đớp luôn một phát vào ngón tay. Ông giật phắt con dao phát bụi đồng đội đang cầm chặt luôn.

Nói rồi ông chìa bàn tay phải có ngón út bị mất hai đốt ra trước mặt Thương:

- Ðấy. Nên nó thành ra thế này. Trở về Tấn kể chuyện đó cho đơn vị nghe. Từ đấy mọi người toàn gọi ông là Thanh bốn ngón chứ.

- Hèn gì ông giữ con dao như một báu vật.

Ông Thanh cầm lấy con dao ngắm nghía, đoạn gói lại cẩn thận:

- Nó còn hơn cả báu vật ấy chứ, là đồng đội theo bọn ông trong các chuyến đi làm nhiệm vụ, là anh em, giờ là kỉ vật - giọng ông chùng xuống.

***

Trận chiến hôm đó, ta và địch quần nhau ác liệt. Ðội hình của ta bị phát hiện, pháo địch kích ràn rạt vào vị trí trận địa quân ta. Thanh và Tấn chạy băng băng trong mưa đạn đến đài quan sát phần tử bắn. Các cành cây bị pháo đốn gãy răng rắc, đổ ào ào khắp nơi. Thanh trèo nhanh lên đài quan sát. Ðược ngang chừng, anh thấy nhói đau bên hông, nhìn xuống, máu đỏ chảy ướt quần, một mảnh đạn đã găm trúng vào phần xương chậu. Thanh choáng váng, không thể được rồi. Anh vừa lết xuống được dưới đất thì Tấn cầm ngay lấy ống nhòm, nhanh chóng trèo lên đài, chỉ kịp nói với bạn: “Cố lên! Cậu sẽ không sao đâu!”. Một loạt đạn pháo của địch câu thẳng vào vị trí đài quan sát. Trong tiếng nổ xé màng nhĩ của đạn, tiếng cây đổ ào ào, Thanh thét lên đau đớn rồi ngất lịm. Khi tỉnh dậy Thanh thấy mình đã nằm trong trạm quân y, nửa người bị băng bó và cẳng chân phải đã không còn.

Ông Thanh như sực tỉnh, tay nắm chặt con dao, nói khẽ:

- Ðài quan sát bị bắn đổ, Tấn hi sinh bữa đó. Ông được đưa về tuyến sau điều trị, rồi xuất ngũ luôn.

 Nói rồi, ông Thanh cẩn thận đút chiếc dao đã được bọc kĩ càng vào trong ba lô thì thầm:

- Tấn à, cuối tháng này tớ và các đồng chí trong trung đoàn pháo binh của bọn mình sẽ vào thăm lại chiến trường xưa đấy. Cậu đi cùng nhé!

Truyện ngắn của Lê Phượng

Bình luận
Back To Top