Hình tượng hoa ban trong tác phẩm của Nhà văn Nguyễn Ðức Lợi

09:10 - Thứ Năm, 25/04/2019 Lượt xem: 8598 In bài viết

ĐBP - Có một câu nói đã trở nên khá quen thuộc với người Ðiện Biên suốt gần chục năm qua. Cứ mỗi mùa ban nở nhiều người lại mượn câu nói ấy như một lời mời gọi rất chung nhưng lại rất riêng: “Ban nở rồi lên Tây Bắc đi em...”. Thế nhưng lại ít ai biết được câu nói thân thuộc ấy chính là tên một tản văn của Nhà văn Nguyễn Ðức Lợi đã xuất bản cách đây gần một thập niên. Không chỉ có vậy, trong nhiều tác phẩm khác của mình, Nguyễn Ðức Lợi cũng nhân hóa hoa ban thành sơn nữ hay người yêu, người thương, với nhiều cung bậc cảm xúc bồn chồn, nao nao...

Hoa ban - loài hoa mang tính biểu trưng của miền Tây Bắc đã xuất hiện nhiều trong tác phẩm thi ca, văn học thơ mộng và đầy ắp ý nghĩa. Ở “miền gái đẹp” thì hoa ban cũng là hình tượng người con gái Thái hiền thục, nết na và thủy chung son sắt.

Nói vậy để thấy, hễ cứ nhắc đến hoa ban, người ta nghĩ ngay đến Tây Bắc, đến Ðiện Biên. Hay nói cách khác, Ðiện Biên chính là miền hoa ban; muốn ngắm hoa ban thì hãy lên Ðiện Biên, hãy về Tây Bắc! Và “Ban nở rồi lên Tây Bắc đi em” của Nhà văn Nguyễn Ðức Lợi chính là một trong những ý nghĩa đó.

Một câu nói thân thuộc tới mức, khi muốn nhắc đến hoa ban với bạn bè phương xa, chẳng gì hay hơn, chẳng gì thay thế được “câu cửa miệng”: Ban nở rồi lên Tây Bắc đi em! Xét về một khía cạnh nào đó, ở trong góc tâm hồn của mỗi người Ðiện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung, hoa ban có “vị trí” cảm xúc không thể thay thế giống như câu thơ của Nhà thơ Trần Mạnh Hảo: “Hoa ban nở thành người con gái Thái” trong bài “Gửi Lai Châu”. Sau bao nhiêu năm tháng, câu thơ bỗng biến thành một mệnh đề, một phạm trù trong nhận thức: Hoa ban là người con gái Thái - người con gái Thái là hoa ban!

Sâu hơn trong câu gọi mời trong phần “đầu câu chuyện” của nghi thức xã giao ấy, là: “Tháng 3. Bầu trời Tây Bắc như một quả cầu lửa, những cơn gió Lào vô tình ném sang từ bên kia biên giới. Cảm giác ngộp thở như đang bị đựng trong quả bầu chật căng khí cac bon nic oi nồng…  Ngực nhói lên từng cơn sau nhịp thở. Cảm giác già nua len vào làn da, thớ thịt. Máu cạn dần sau ba bốn tháng nắng nỏ, hạn hanh. Bất chợt một sắc áo cóm, len lén, khe khẽ lóe ra trên nền rừng khuềnh khoàng cành cội. Ô xy như từ đâu ùa về, no mẩy ngực. Cái lắc đầu của gió, làm cả một mảng rừng trắng muốt rung rinh. Ban nở rồi! Lên Tây Bắc đi em. Mỗi eo núi là một rừng mây trắng… ở đầu sàn, những “bông hoa ban” thong thả buông mái tóc mầu lá sậm xuống chậu nước mó trong leo lẻo, in bóng cả chim trời. Trên ngọn rừng, từng “cô gái Thái” thắt đáy lưng ong, xòe tà áo cóm ra chờn vờn trước gió…”

Một lần nữa, Nguyễn Ðức Lợi nhân hóa lại “người con gái hoa ban” của Trần Mạnh Hảo trong tản văn nói trên là như thế. Còn về phần riêng mình, nếu hình tượng nghệ thuật là “sản phẩm của phương thức chiếm lĩnh, thể hiện và tái tạo hiện thực theo quy luật của tưởng tượng, hư cấu...” thì có thể thấy Nguyễn Ðức Lợi có hàng chục cách nói, cách tả và cảm về hoa ban. Và đây, hoa ban bỗng dưng thành “mồi lửa tình”, giúp cho những cặp đôi “chả biết nói gì”, chỉ cần ngắm hoa ban là đủ:

“Yêu chiếc lá, em được cả rừng cây

Ngắm ban nở, và chúng mình bốc cháy…”

(Ban nở rồi lên Ðiện Biên đi em).

Và thật là, trong một khoảnh khắc phải “xa mùa ban”, bỗng “mỗi cô gái” (bông hoa ban) với Nguyễn Ðức Lợi lại trở thành một giọt nước mắt chia li, đầy tiếc nuối:

“Hoa trút xuống vô vàn giọt lệ

Làm trắng rưng rưng ngã rẽ lòng ta…”

 (Ban vẫn trắng ở trong lòng đến thế)

Nguyễn Ðức Lợi cũng như bao người con Tây Bắc yêu hoa ban như thể yêu con người vậy, cũng trăn trở, thao thức đợi chờ, rồi thì lắng lo như người lo người trọng bệnh:

“Ban nở rồi, lên Tây Bắc…” với anh

Câu thơ cũ nhắc như là điều ước

Ban năm nay, băng đóng cứng vào cành

Nụ ngấp nghé mãi mà không nở được.

Vì đâu có những vần thơ da diết

Ðể rừng ban cứ lặng lẽ thưa dần

Em cũng thế, ngày một xa biền biệt

Ban như người, ôm nụ đứng phân vân.

(Ban nở rồi, lên Tây Bắc với anh)

Cũng như Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Ðức Lợi nhân hóa hoa ban thành người nhớ, người thương, và thành đủ mọi cung bậc tình yêu. Mùa ban năm nay, dường như không còn lời nào để nói về vẻ đẹp trên cả “nữ hoàng” của loài hoa rừng nhưng lại đủ sức quyến rũ và hạ gục bất kỳ “fan” hâm mộ nào; Nguyễn Ðức Lợi lại một lần nữa gắn hoa ban với thuật ngữ rất mới và rất lạ như trong “Tòa tháp của mọi loài hoa”:

“Nàng ban ấy, chính là nàng ban ấy

Nàng ấy thôi miên tất thảy thế gian

Sờ được đấy mà không cầm được đấy

Nàng hững hờ như trăng gió non ngàn!

 

Em thấy thế không, hả nàng tiên của núi

Cứ bình thường trong vạn sự kiêu sa

Em mê mẩn ngay cả trong tàn lụi

Bởi vì em là tòa tháp mọi loài hoa!”

Xin mượn cái kết của tản văn “Ban nở rồi lên Tây Bắc đi em” của Nhà văn Nguyễn Ðức Lợi thay cho tấm lòng của tác giả và cũng là tấm lòng chung của các dân tộc Ðiện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung gửi đến bạn bè trong nước cũng như quốc tế, lời mời gọi nhiệt tình, chân thành và thôi thúc:

“Hoa ban là thế. Người Tây Bắc là thế. Lên Tây Bắc đi em, nếu không vì người thì cũng vì cảnh. Chúng mình chẳng bốc cháy khi ngắm hoa ban nở thì cũng một lần, em thấy lòng mình xao xuyến trước một loài hoa bình dị và chất phác như cuộc sống sơn cước ngàn đời; mà mỗi bông chính là một cô gái Thái. Lên Tây Bắc xem chim rừng bay trong thau nước gội đầu. Lên Tây Bắc cho măng đắng truyền vị đắng có linh hồn của “Chàng Khum” và của “Nàng Ban” làm đê mê đầu lưỡi. Lên Tây Bắc để được một lần tắm tiên khiến hoa thẹn nguyệt nhường. Lên Tây Bắc cho hoa ban mãi trắng muốt như mây, và trắng muốt như da...

Ban nở rồi lên Tây Bắc đi em!”

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top