Nhớ đến lòng lại rưng rưng

08:49 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 7248 In bài viết
ĐBP - ...Tôi vẫn nhớ như in hôm Pháp nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ, 10 giờ 30 ngày 20/11/1953. Khi ấy, đồng Mường Thanh đang gặt rộ. Mọi người đang cắm cúi thì trên trời có tiếng máy bay gầm rú. “Máy bay đến bắt người!”, “Chết rồi!”... Tiếng kêu, hét thất thanh. Người chạy, ngã dúi dụi, người nằm xuống chết ngất. Nhưng máy bay không bắt người mà thả xuống những thằng người dáng như bơi, lưng treo vào cái dù.

Suốt đêm hôm ấy không ai ngủ được. Các cụ già bảo: Giặc Pháp lại trở lại rồi, lại khổ rồi! Mờ sáng hôm sau, vài người liều ra đồng lấy lúa về nhưng một lúc lại quay lại, mặt tái xanh sợ hãi căm tức, nói: “Bọn Pháp dựng lều bạt khắp nơi, súng bắn lung tung”. “Thôi chết đói mất thôi. Rồi đây biết kiếm cái gì ăn” - mẹ tôi than thở.

 

Khu tưởng niệm “Hận thù Noong Nhai” tại xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên).

Nói thêm về chuyện làm ruộng thời ấy. Giai đoạn đó, dân Thái Mường Thanh một năm chỉ làm ruộng một vụ mùa. Theo “lịch” mưa trời, cứ tháng 5, tháng 6 cấy, cuối tháng 10, tháng 11 gặt. Thóc lúa cơ bản đủ dùng cả năm. Hồi ấy năng suất thấp nhưng người ít ruộng nhiều nên chỉ một vụ cũng đủ ăn. Cứ như thế đến tận khi có kênh mương của công trình thủy nông Nậm Rốm - năm 1969, mới làm hai vụ lúa.

Trở lại chuyện đang gặt bị quân Pháp nhảy xuống... Xót của, lo đói khiến mọi nhà phải liều. Ngày thì không dám, nhưng đêm đêm sau đó tôi cùng một số thanh niên vẫn đi “ăn trộm” thóc nhà mình. Thóc kiếm được về, quí như vàng bạc, trước mắt “ăn dè” bữa cơm, bữa cháo vì chiến tranh chắc sẽ lâu lắm.

Vụ gặt 1953 ấy thành ra bước ngoặt lịch sử. Những ngày tháng tiếp theo cả lòng chảo bị xới tung hết cả lên. Ðồn bốt, dây thép gai, hầm hào tua tủa ngang dọc trên đồi, dưới đồng. Cây cầu gỗ thân quen nối đôi bờ đông tây Nậm Rốm phút chốc bị phá tung, biến mất. Tôi nhớ cây cầu này làm khoảng năm 1947, 1948; nhiều người Thái phải như con trâu, còng lưng kéo gỗ, dựng cột. Những cái cột gỗ dài, to, nặng, lúc cày xuống bãi cát, phải hai chục người và mấy con trâu mà kéo mãi mới chuyển. Cây cầu ấy cho người Thái, người Khơ Mú, người Mông vùng thấp, vùng cao về chợ phiên, sang phố Hoa kiều nhanh chóng tiện lợi. Vậy mà, thoáng chốc giặc Pháp phá luôn, lấy gỗ làm đồn bốt, hầm hào công sự. Cây cầu thân yêu chỉ “sống” được hơn 7 tuổi, tính đến thời gian bị phá đầu năm 1954. Một cái cầu sắt được làm lên phía trên cầu cũ, nghe nói bọn Pháp dùng máy bay chở lên, rồi lắp ghép. Cầu sắt ngày ấy của bọn Pháp, dân chúng tôi chả được đi, chỉ thấy từ xa một khối đen như ma.

Từ khi Pháp quay trở lại Ðiện Biên, nhân dân một mặt phải tìm mọi cách trồng cấy (làm ruộng, làm nương xa...) lấy cái ăn duy trì cuộc sống; một mặt giúp đỡ bộ đội... và mặt khác, thường ngày phải đối phó với bọn mắt xanh mũi lõ, da đen nghênh ngang súng ống trong bản ngoài rừng. Bọn Pháp lần này không như hồi trước giải phóng Ðiện Biên (11/1952). Hồi đó chúng vẫn là giặc nhưng nói chung ít cướp bóc, tàn phá, giết chóc. Tôi nhớ những lần đến chợ phiên (nay là khu Bảo tàng tỉnh) lính Tây cũng chen vai, dạo chợ cùng dân bản. Từ đây, không ít các cô gái Thái mường trong mường ngoài đã lấy chồng Âu, Phi và sinh ra những đứa trẻ mũi lõ hay da đen tóc xoăn búi cục.

Một tháng sau ngày Pháp nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ, dân Mường Thanh (chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em; nam thanh niên đã bị bắt lính, phu phen đào hào công sự cho Pháp) bị gom vào 4 trại tập trung: Co Mỵ, Noong Nhai, bản Mớ, Pá Luống. Ở trại vô cùng cực khổ, phải chui rúc trong những cái lều chật chội. Ăn thì có ít lương thực mang từ nhà đi ngày càng cạn kiệt, phải chia nhau từng vốc gạo, dúm muối, trâu lợn bị đạn pháo bắn chết thối cũng mang về chia nhau nấu ăn. Sinh hoạt thì do ở chật chội nên phóng uế bừa bãi, rác rưởi chồng chất, người ốm la liệt, chết không phải bom đạn cũng lắm. Sống như con lợn đóng gông như thế mà bọn tạo bản, tạo lộng, dân vệ (tay sai cũ của Pháp) vẫn canh phòng nghiêm ngặt, sợ dân liên lạc với Việt Minh.

Tôi và gia đình may mắn trốn vào rừng sâu nên không phải đi trại nhưng cũng chả biết sung sướng một phút. Ðói mà chả về nhà lấy thóc được, chỉ củ mài, quả rừng. Ở đây, thấy đạn pháo rất gần mà lo, lo gia đình mình, anh em họ hàng trong trại tập trung. Chiều 25/4/1954, khoảng 2 giờ tôi nghe tiếng máy bay gầm rú khác thường phía Noong Nhai. Rồi tiếp theo là những cột khói bốc lên đen đặc cả phía Nam lòng chảo. Pháp ném bom xuống Noong Nhai rồi, tôi hét to và chạy đi, quên hết sống chết. Noong Nhai, một cảnh tượng thê thảm đập vào mắt, người chạy hỗn loạn, tiếng kêu khóc “Bố ơi, mẹ ơi, chết hết rồi!”, người chết ngổn ngang, người cụt chân, cụt tay, người bị bom napan đen thui... Mãi đến tối hôm đó, bộ đội mới vào cùng các gia đình chôn cất người chết, cứu chữa người bị thương. Thật đau xót, nhiều nhà ở Thanh An, Thanh Xương, Sam Mứn, Noong Hẹt... chỉ sống sót một vài người.

Khổ quá, tưởng sắp chết hết vì bom đạn, vì đói thì bộ đội mở cánh cửa sướng ra. Chiều 7/5/1954 nghe im tiếng súng, dân Mường Thanh hồi hộp bảo nhau, sắp chiến thắng rồi. Nhưng, gia đình tôi và nhiều nhà khác lúc chiến thắng không ở nơi lòng chảo còn nghi ngút khói lửa mà đang trên đường chạy sang Lào. Nói chuyện này, bây giờ nhiều người sẽ cười, khó hiểu: Tại sao mong chiến thắng, chiến thắng thật rồi lại bỏ đi? Chuyện là thế này... mấy ngày đầu tháng 5/1954 ấy, chẳng biết tin từ đâu ra: Nếu thua trận Ðiện Biên Phủ, Pháp sẽ cho máy bay ném bom gấp nghìn lần xuống trại tập trung Noong Nhai để xóa sổ Ðiện Biên Phủ. Gia đình tôi trong đoàn người đang nhằm hướng biên giới Pa Thơm. Những ngày ăn đói mặc rét, sống trong nơm nớp khiến tất cả mệt mỏi lê bước. Ði lúc gà gáy ngoài Mường Thanh mà giữa trưa mới đến Noong Luống. Tất cả đang mệt quá, nằm vật ra cỏ thì có bộ đội đến. Bộ đội bảo, về quê thôi, không phải đi đâu hết. Bà tôi bảo sợ lắm, máy bay Pháp sắp ném bom nhiều, con vật, con người chết hết. Bộ đội giải thích rất lâu, rằng ta đã chiến thắng, toàn bộ quân tướng Ðờ - cát đã ra hàng. Không có chuyện Pháp lên Ðiện Biên Phủ nữa, đấy chỉ là tin đồn, ai đó sợ quá mà nghĩ ra thôi. Mọi người nhìn nhau, rồi quay về. Chỉ thương bao nhiêu người đã sang Lào rồi, không biết sẽ thế nào. Nhưng những người ấy, tận sang năm 1955, 1956 biết tin chiến thắng, có bộ đội giúp, đa số đều tìm đường về quê.

Sau giải phóng tháng 5/1954, Mường Thanh tan hoang không tưởng tượng nổi. Ðất ruộng, đất nương bị xới tung lên, đường hào, dây thép gai, bom mìn nhiều hơn cỏ; trâu cày gần như bị xóa sổ. Trước đó, những tháng đầu năm 1954, chiến sự ác liệt, Pháp bắn nhiều làm thức ăn, cả bản còn được vài con... Nhà cửa phần bị Pháp đốt phá, phần bị mưa nắng đổ nát, xiêu vẹo. Sau chiến thắng, dân bản từ các trại tập trung, từ rừng sâu, từ Lào... vui mừng trở về, bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Ðến cuối năm 1955, bản Pa Pe của tôi đã có 30 hộ (cuối 1953 đầu 1954 chỉ còn 6 hộ). Mọi người bắt tay xây dựng, dần dần đi lên.

Những tháng ngày hàn gắn vết thương chiến tranh ấy với biết bao công việc. Lúc bấy giờ đang thời gian vào vụ, phải khẩn trương làm đất, trồng cấy. Bộ đội và dân bản cùng nhau lấp hào, san ruộng. Trâu thiếu, người yếu nhưng vui, từ nay hết giặc mình được tự do làm trên đồng ruộng của mình. Trong vòng hơn một tháng, các nhà đều đã có ruộng cấy, tính sơ sơ cũng tạm đủ ăn. Nhưng đất hoang thì vẫn nhiều, mùa mưa đến nhìn mênh mông cỏ dại mà thấy tiếc. Dân bản không làm hết diện tích như xưa bởi thời gian ngắn không chạy kịp với trời mưa. Và bởi còn rất nhiều bom mìn, dây thép gai... bộ đội phải dần dần rà phá. Nói về bom mìn, hàng chục năm sau đó không bóng quân Pháp mà nhiều người vẫn bị tai nạn, chết thương tâm. Tôi nhớ, anh Lò Văn Minh cùng bản, buổi chiều hôm ấy đi đuổi trâu về rồi mới ăn cơm. Anh ngược lên khu trên hầm Ðờ-cát, thấy trâu, chạy ngược lên đón đầu thì... một tiếng nổ. Mọi người chạy lại, anh đã tắt thở, máu me đầy mặt. Hay như trường hợp cô Lò Thị Mướng, 18 tuổi, người Khơ Mú, cũng cùng bản đi lấy củi cơi ở chân cầu sắt (cầu Mường Thanh, sang hầm Ðờ-cát). Cô Mướng còn may, chỉ bị mảnh mìn cắt ngang chân. Tôi nhớ năm đó là năm 1959, cô Mướng bị thương vì hôm ấy họp dân công, chuẩn bị đi làm hồ Huổi Phạ. Khi điểm danh thấy không có tên Mướng. Một lúc thì nghe tin cô Mướng bị dính mìn. Còn nhiều người bị dính mìn, tai nạn thương tâm, bản nào, xã nào cũng có, vì phải làm ăn, ai mà ngồi nhà mãi được. Ðến cả những con trâu to lớn dẵm phải mìn nhảy, không chết nhưng què chân... nằm chuồng mấy tháng đành phải mổ.

Sau mùa vụ, rồi nhà cửa ổn định, bộ đội và dân bản mới tiến hành qui tập hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang. Ðợt ấy, khoảng giữa năm 1957, tôi được vào đội qui tập mộ liệt sĩ. Hồi chiến sự ác liệt, bộ đội hi sinh nhiều, việc chôn cất cũng sơ sài, tùy theo từng trận đánh. Tôi nhớ lần làm khu mộ ở bản Noong Pết (Thanh Hưng)... Khi đào mấy mộ, tôi rất ngạc nhiên nhưng phải hết buổi sáng mới hỏi... Sao có huyệt có hài cốt, huyệt không? Liệu có nhầm lẫn gì chăng? Bộ đội nghe hỏi vậy, thì cúi mặt xuống, nấc lên từng tiếng đứt quãng: Anh ơi...! Những cái huyệt này cả đơn vị đào trước khi vào trận đánh đấy. Cứ đào sẵn để nếu còn sống thì mừng, nếu chết rồi thì đồng đội chôn mình được ngay. Và nhỡ... đơn vị hi sinh hết thì đồng đội khác cứ sẵn hố đấy mà chôn. Mắt tôi nhòe trong đau đớn, xót thương, cảm phục. Buổi chiều tôi đến hài cốt một đồng chí, mở cái lọ lấy mảnh giấy xem... tên đã bị mờ, chức vụ Tiểu đoàn trưởng, hi sinh sáng 7/5/1954. Tiếc quá! Còn mấy tiếng nữa thì giải phóng rồi, sao chiến tranh ác thế. Tôi gục xuống, khóc thành tiếng, nước mắt cứ thế tuôn trào. Các anh từ mọi miền đất nước đã để lại xương máu vì mảnh đất này. Tôi thầm hứa sẽ làm hết sức mình cho quê hương.

Những năm tiếp sau đó, tôi lao vào công tác. Công việc chiếm nhiều thời gian, đòi hỏi bản thân phải biết cách vận động, kiên trì là xây dựng phong trào thanh toán nạn mù chữ, kết hợp với các cuộc vận động sản xuất ở địa phương. Lúc ấy dân Mường Thanh đa số mù chữ, số có học đếm trên đầu ngón tay, cả tỉnh có trình độ Ăng-phăng-tanh (tương đương tiểu học) khoảng hai chục người. Tôi biết ba thứ tiếng: Pháp - Việt - Thái, nên là thành viên cốt cán của phong trào xóa mù chữ. Tôi còn nhớ đầu năm 1956, chợ Mường Thanh làm hai cái cổng - cổng đi thẳng (cao) và cổng chui (thấp), trên cổng thẳng tôi viết hai chữ Thái “Tốc hạp” (nghĩa là vào chợ). Ai đọc được thì mời đi cổng thẳng, ai “bố hụ” (không biết) thì sang cổng chui. Cách phân loại chỗ đông người có tác dụng tốt. Buổi trưa, buổi tối trong bản lớp bình dân học vụ luôn ê a tiếng đánh vần. Bà Thâng (vợ tôi) dù con mọn vẫn chăm chỉ đi lớp xóa mù. Nhờ tấm gương vợ, tôi vận động được nhiều người, mọi người quyết tâm gắng chí. Từ biết ít chữ những hủ tục từng bước đẩy lùi, đặc biệt sản xuất phát triển.

Ðiện Biên Phủ - Mường Thanh, dấu tích chiến tranh vẫn còn đó. Nhưng bây giờ khác lắm ngày xưa, phát triển văn minh lên gấp nghìn lần thời đánh Pháp. Tôi giờ tuổi đã cao, mỗi khi nhớ lại một thời lịch sử Ðiện Biên Phủ lòng lại rưng rưng xúc động.

(Ghi theo lời kể của ông Lò Văn É, bản Pa Pe, xã Thanh Hưng, huyện Ðiện Biên)

Du An
Bình luận
Back To Top