Khơi dậy tình yêu di sản

09:44 - Thứ Hai, 06/05/2019 Lượt xem: 5411 In bài viết

Đưa hình ảnh linh vật vào sản phẩm trang trí, thiết kế trang phục giả cổ, sử dụng vật liệu, họa tiết truyền thống cho vật dụng hằng ngày… Không hẹn mà gặp, rất nhiều dự án, chương trình ứng dụng họa sắc truyền thống trong đời sống đương đại cùng nở rộ thời gian qua. Qua đó có thể thấy, tình yêu di sản, nhu cầu khẳng định bản sắc dân tộc đang trở thành một trào lưu đẹp, cần sự khích lệ, tiếp sức để đi được đường dài. 

 

Trang phục được phục dựng của thương hiệu Ỷ Vân Hiên.

Khẳng định bản sắc

Lễ hội chùa Thầy (Sài Sơn, Quốc Oai) diễn ra vào cuối tháng 4-2019 vừa qua, gây bất ngờ lớn với du khách và nhân dân địa phương bằng nghi thức rước kiệu trang trọng, bài bản và đẹp mắt. Đặc biệt, phần phục trang của đội rước, đội tế với áo tấc, áo ngũ thân, áo lá đa, áo song khai cùng khăn vấn, xà cạp… được phục dựng đúng sử sách, đã mang lại hình ảnh giàu bản sắc cho lễ hội. Đơn vị thực hiện phần phục trang cho lễ hội chùa Thầy là Công ty Ỷ Vân Hiên, một cái tên mới mẻ, song đã kịp gây tiếng vang trong giới phục dựng trang phục cổ.

Theo Giám đốc Công ty Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc, trước khi bắt tay vào thiết kế, sản xuất, doanh nghiệp đã dành nhiều thời gian khảo cứu các nguồn tư liệu, sách ảnh về trang phục lễ hội xứ Đoài và tham vấn ý kiến các cụ cao niên ở địa phương để đưa ra phác họa chân thực nhất về màu sắc, họa tiết, kiểu dáng cho hệ thống trang phục từng được sử dụng trong lễ hội. Khi đã đủ dữ liệu để phục dựng cũng như điều kiện ứng dụng, Công ty Ỷ Vân Hiên thực hiện công đoạn chế tác, bảo đảm tính nhất quán, chuẩn cổ nhất cho từng sản phẩm. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán cho biết, sự xuất hiện của các trang phục chuẩn cổ đã tạo tiếng vang cho lễ hội chùa Thầy năm 2019, đáp ứng mong mỏi đưa lễ hội trở thành lễ hội kiểu mẫu, có giá trị văn hóa cao, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại.

Trước đó, xưởng gốm Hiên Vân, nơi bám sát tinh thần hoa văn, họa tiết Việt cũng thắng lớn, nhờ đón đầu trào lưu trưng đồ Tết truyền thống bằng việc giới thiệu bộ sưu tập lợn gốm mô phỏng linh vật trong tranh Kim Hoàng (Hoài Đức). Chỉ trong thời gian ngắn, các sản phẩm của xưởng đã được người tiêu dùng mua hết. Không ít người tiếc nuối, khi không kịp sở hữu những chú lợn gốm ngộ nghĩnh với đủ kiểu dáng, kích cỡ cùng đường nét thân thuộc. Chị Nguyễn Ngọc Vân (ở chung cư Chelsea Park Yên Hòa, Cầu Giấy) bộc bạch: “Lợn gốm Hiên Vân là một trong số các sản phẩm ứng dụng họa sắc Việt được yêu thích. Chỉ vì chậm chân mà tôi đã lỡ cơ hội sở hữu những sản phẩm ý nghĩa, giàu bản sắc văn hóa dân tộc đó”.

Cần được mở lối, tiếp sức

Họa sĩ Bùi Hoài Nam Sơn, chủ xưởng gốm Hiên Vân cho biết, các sản phẩm gốm Hiên Vân có điểm chung là đều được hình thành trên chất liệu, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn thuần Việt như một cách khơi dậy tình yêu, niềm tự hào với bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi sản phẩm ra đời, được người tiêu dùng đón nhận là nguồn động viên, khích lệ để xưởng gốm Hiên Vân theo đuổi sự nghiệp đưa mỹ thuật truyền thống vào đời sống đương đại, từng bước lan tỏa những giá trị văn hóa Việt. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn ở phía trước.

Dẫn chứng về nhóm sản phẩm lợn gốm được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng khó có thể trở thành mặt hàng sản xuất thường xuyên, họa sĩ Bùi Hoài Nam Sơn khẳng định, đầu ra cho sản phẩm vẫn là việc khó, đòi hỏi có sự đầu tư lớn, thường xuyên thay đổi mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mặt khác, việc quảng bá thương hiệu của các cơ sở, doanh nghiệp còn hạn chế, do đều là người trẻ, đến với công việc chủ yếu bằng sự đam mê, kinh nghiệm và tiềm lực kinh tế chưa nhiều.

Những hạn chế trên đang là mẫu số chung với hầu hết các dự án, chương trình ứng dụng họa sắc truyền thống trong sản phẩm đương đại. Chính vì thế, dù các nhóm dự án luôn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, nhưng những sản phẩm ứng dụng chất lượng, giàu ý nghĩa vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Không ít nơi, sản phẩm chỉ dừng ở mức thí điểm, thăm dò thị trường. Những nơi nhận được dự án lớn hoặc các sản phẩm tạo được ấn tượng tốt trên thị trường chưa nhiều. Để có thể duy trì hoạt động, không ít nhóm dự án phải dựa vào nguồn hỗ trợ gây quỹ, mà các dự án như: Hoa văn Đại Việt, Dệt nên triều đại và gần đây nhất là Họa sắc Việt là ví dụ điển hình.

Ông Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc Công ty Sáng tạo Comicola, nơi thực hiện gây quỹ cho nhiều dự án ứng dụng họa sắc truyền thống thời gian qua cho rằng, việc huy động vốn đầu tư ban đầu cho các dự án này không khó, song để đi được đường dài, các nhóm dự án hiện còn thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để động viên, tiếp sức. Có thể bằng mức thuế ưu đãi, lập các quỹ để đầu tư cho các dự án có những đóng góp lớn trong bảo tồn di sản.

Theo Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thu Hòa, việc hỗ trợ các nhóm dự án quảng bá thương hiệu cũng là một cách tiếp sức hiệu quả để họ nỗ lực, sáng tạo hơn, qua đó lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hằng ngày. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm ứng dụng họa sắc truyền thống, từ đó mở lối cho các thương hiệu có đường đi phù hợp để phát triển mạnh trong tương lai không xa.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top