Ước về Mường Phăng

10:07 - Thứ Hai, 06/05/2019 Lượt xem: 6629 In bài viết

Bỗng dưng tôi hòa cùng không khí sôi động của đoàn du khách từ TP Hồ Chí Minh ra, ùa vào sân nhà khách Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Phần đông trong số họ là cựu chiến binh, chất lính vẫn đằm trên gương mặt, trong những bộ quân phục bạc mầu, trong lời lẽ chan chan hãnh diện.

 

Các cựu chiến binh và du khách tham quan Khu di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Anh

“Di tích gốc” thay da đổi thịt

Thân thuộc với Mường Phăng cho nên tôi không nhập đoàn các cựu chiến binh. Mấy má, mấy chị lớn tuổi sức yếu ở lại, tíu tít đưa máy lên chụp những cánh hoa ban cuối mùa sót trên cành cây bên góc sân. Họ buông lời nuối tiếc vì không dư sức để theo cùng đoàn, nhưng nét mặt vẫn mãn nguyện: Vậy là được ngồi giữa đất Mường Phăng, phải ca về Mường Phăng cho đã! Nói rồi, một má khe khẽ cất lời: “Người miền nam từ bao năm tháng/ Ước muốn xuân sang, đi về thăm đất Mường Phăng”!... Bất giác, tôi reo lên: Điệu Lý cái mơn, nghệ sĩ Thu Trang thường ca trên Đài Tiếng nói Việt Nam má cũng nhớ được sao? “Nào chỉ nhớ!” - Má đưa tay vẫy mấy người, tụm lại. Má ca. Tất cả cùng ca. Ca như chưa khi nào được vui đến thế. Ca hết trổ này tới trổ nọ rồi lại trở về trổ 1. Lời ước ao tha thiết như thực, như mơ, như thể cả trời nam mơ ước về Mường Phăng; cho dù không nhạc, không trống chiêng, không nhịp phách mà vẫn diết da, bởi Mường Phăng đang đằm trong mắt, nắm trong tay, lâng lâng lòng dạ vơi đầy trên từng nhịp bước: “...Từ miền nam, em ngóng thầm ngày đêm/...Ước muốn xuân sang, đi về thăm đất Mường Phăng/ Đất thiêng liêng, muôn đời ghi nhớ chiến công tuyệt vời”!...

Thấy tôi “xôm” chuyện, các má, các chị thi nhau hỏi: Vì sao người ta lại nói Mường Phăng là “di tích gốc” của những chiến công; Mường Phăng khác xưa ở điểm nào?... Tôi trải lòng với họ: Mường Phăng là địa danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt làm đại bản doanh chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi thế, mỗi lần tới Mường Phăng, tôi thường dõi lên rặng núi cao chất ngất ở phương mặt trời mọc. Nơi ấy, mây trắng bay bay từng mảng, vấn vương khi thấp khi cao. Lần nào tôi cũng hình dung thấy gương mặt sáng đẹp của Đại tướng với thần thái thông tuệ. Trên rặng núi ấy có ngọn Pú Huốt, nơi Đại tướng đặt đài quan sát nhìn thấu tận lòng chảo Điện Biên Phủ để đưa ra kế sách “Đánh chắc tiến chắc”! Cho nên, Mường Phăng đích thực là di tích gốc của những chiến công trong quần thể Di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ!...

Mường Phăng xưa là rừng sâu núi thẳm, xã ngoại vi lòng chảo Mường Thanh, thuộc diện “135” (cách gọi rút gọn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi) của tỉnh. Dân số hiện thời hơn 5.000 khẩu với hơn 1.100 hộ, gồm các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú và Kinh; trong đó dân tộc Thái chiếm hơn 70% số dân nơi đây. Xưa, diện đói nghèo luôn đứng đầu sổ. Đường đi lối lại nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa bùn. Năm 2010, chúng tôi tìm đến ngôi trường tiểu học số 3, cách trung tâm xã chỉ bảy cây số mà những người lái xe ôm cự phách phải đánh vật với ổ voi, ổ trâu cả giờ đồng hồ mới tới để tận mắt chứng kiến ngôi trường hai tầng, phòng máy vi tính, sân chơi khang trang cho học sinh dân tộc thiểu số, do gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Công ty Bô-ing và quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam ủng hộ... Đoạn đường ấy, nay nhắc lại sẽ lạ lẫm với các thế hệ sinh sau đẻ muộn. Đường liên xã Mường Phăng đi Pá Khoang, Nà Nhạn, Nà Tấu được nới rộng, rải nhựa, dư sức cho xe lớn lại qua. Đường trục 26 thôn, bản cũng đã được rải nhựa hoặc đổ bê-tông. Các đập thủy lợi lớn nhỏ cùng hàng chục km đường trục, kênh mương nội đồng thuộc vùng lúa cao sản đều được cứng hóa... Nguồn lực làm nên những công trình ấy, “chủ công” vẫn là sức dân, do dân. Nơi Nhà nước cấp vật liệu thì dân góp sức, góp công. Nơi được hỗ trợ tiền bạc thì dân góp vật liệu đá, sỏi, cát... Tất cả là cuộc cách mạng từ lòng dân, trách nhiệm ở nơi dân. Góp tiền, hiến đất, góp công để tạo nên đường mới; để trồng hoa, chăm sóc cho hoa mãi đẹp bên lề những trục đường thôn bản. Điện tuy chưa tỏa sáng hết những gia đình ở nơi quá hẻo lánh, nhưng đó đã là bước tiến khó tưởng. Mọi việc đều mở ra từ những con đường giao thông, giao thương. Đường tạo sức, tạo lực cho kinh tế phát triển để tăng nguồn thu cho dân. Đường tạo thế, tạo đà giúp du nhập tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào hết thảy các lĩnh vực sản xuất để xây dựng nông thôn mới; để lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với các dự án! Ấy là những lời Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Mùa A Kềnh nói với chúng tôi. Niềm tin dễ truyền cảm, bởi đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của xã hiện nay đều rất trẻ, có học, năng nổ, biết nghe, dám nói, dám làm!

Tiềm năng du lịch đầy hứa hẹn

Mường Phăng đẹp hẳn lên! Ấy là cảm nhận nhưng cũng rất chắc lý. Cùng với Phó Chủ tịch Mùa A Kềnh đi thăm cụ Quàng Văn Pản ở bản Cang 1, một cựu chiến binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi bị bất ngờ hết chuyện này tới chuyện khác. Chả là, giáp Tết Đinh Dậu năm kia, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng Thẩm Thị Hiên đưa tôi thăm cụ Pản trong ngôi nhà sàn rách nát, xiêu vẹo…, duy có lúa, ngô chất đầy chân vách cho biết cụ không đói mà chỉ nghèo. Người cụ Pản gầy mòn, dẹo dặt hệt như ngôi nhà vợ chồng cụ đang ở. Thấy tôi lộ vẻ ái ngại, chị Thẩm Thị Hiên nói cốt để tôi an lòng: “Việc này rồi đây chúng cháu sẽ phải coi trọng hơn”! Bây giờ tôi bất ngờ, bởi thay cho căn nhà xưa là nếp nhà sàn bốn gian bằng gỗ tốt, rất đẹp, tọa lạc chính trên nền nhà cũ. Đồng chí Mùa A Kềnh giải thích: Nguồn tài chính làm nhà là do con cháu cụ đóng góp, xã chỉ hỗ trợ vài chục triệu. Bất ngờ nữa là cụ bà Quàng Thị Lệ, vợ cụ Pản, cô gái Thái hồi xửa hồi xưa múa dẻo, hát hay, nhảy sạp đẹp như mơ, nay vẫn còn rất minh mẫn, vẫn tự lo đồ xôi, lo bữa cho hai thân già, vẫn ròn chuyện văn hóa bản làng. Cụ Pản đang lội ao lấy bèo nuôi lợn, thấy có khách vội chạy lên. Cụ khỏe lạ thường, da mặt căng, chân tay chắc nịch, thân thể cứng cáp, không dễ tưởng các cụ đã qua tuổi 95 mà lời lẽ vẫn đâu ra đó: Mình là lính Cụ Hồ, là quân của Tướng Giáp. 65 năm trước, mình đánh giặc Pháp ở Him Lam, Bản Kéo, ở Đồi A1!

Diện mạo Mường Phăng hôm nay thật tươi sáng. Nhà mới theo kiến trúc cổ được xây cất. Nhà cũ được chỉnh trang, tu bổ, sạch sẽ, gọn gàng. Bản làng, mái ngói đỏ au. Người dân đua nhau trồng hoa bên lề đường, bốn mùa phô sắc thắm. Nếp văn hóa truyền thống của dân bản được gìn giữ từ mỗi nếp nhà, nết ở ăn, văn hóa giao lưu, trình diễn. Làng Văn hóa của Mường Phăng nay không chỉ có Che Căn, mà đã tăng lên 15 rồi 20 trong tổng số 26 bản làng của xã. Làng đẹp, bản đẹp, nhà cổ được bảo tồn, tu tạo; những nghề quen thuộc như nấu rượu, đan lát, mộc; những món ngon truyền đời như bánh chưng, bánh dày, xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt trâu, bò, lợn sấy khô, cá ướp gia vị nướng than... được nhân lên thành “miếng nhớ lâu” với thực khách!... 19 tiêu chí nông thôn mới với Mường Phăng đã cán đích. Mường Phăng không khép kín mà còn hội nhập, đưa về những cái hay cái đẹp để gây dựng cuộc sống mới tốt hơn, đẹp hơn.

Khách tây, khách ta, khách bốn phương trời tới Mường Phăng thăm thú, không còn vội vã quay về thành phố Điện Biên Phủ để lo ăn, nghỉ. Những nhà hàng sang trọng, thanh lịch, tiện ích đủ sức chứa cả trăm người cùng dùng bữa đã hiện hữu dọc hai bên đường, trước cổng vào khu di tích. Ghé thăm điểm du lịch cộng đồng (homestay) Phương Đức ở bản Che Căn. Lò Văn Đức, chủ nhà, kể với chúng tôi, được Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hỗ trợ, tư vấn, vợ chồng anh đã nâng cấp hai ngôi nhà sàn kề nhau, xây dựng thêm các công trình phụ, mua sắm trang thiết bị đủ phục vụ từ 45 đến 50 khách ăn, ở trong ngày. Anh đã dành nhiều thời gian đến học cách thức hoạt động homestay ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Nhờ thế cho nên, các đoàn khách tây và ta lưu trú tại đây đều rất hài lòng. Hỏi điều gì khiến khách du lịch cộng đồng lưu nhớ, Đức bảo: Ăn phải ngon. Ở phải sạch. Chủ nhà thân thiện. Phải giúp họ được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, về sản xuất nông, lâm nghiệp, về nghề truyền thống như dệt may thổ cẩm, rèn, đan lát; về văn hóa - văn nghệ như: Múa xòe, múa sạp, trò chơi dân gian, ngồi xe trâu thăm thú bản làng, trồng rau, cấy lúa!... Nghe anh nói, tự dưng tôi ao ước mình được là người Mường Phăng, trở lại thời trai trẻ để được yêu, được gây dựng, quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống như những gì Mường Phăng đang đi, đang đến!...

Chợt từ đâu trong tôi, khúc dân ca Nam Bộ, điệu Lý cái mơn trầm bổng diết da “Em ước về Mường Phăng” lại ngân lên, vang lên đến mê hồn: “...Trời Điện Biên, Mường Phăng xanh thắm/...Trên cánh hoa ban say/ Trong lòng xiết bao hy vọng ngày mai”!

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top