Bình luận - Phê phán

Sân khấu thử nghiệm cần gì?

09:03 - Thứ Tư, 08/05/2019 Lượt xem: 7368 In bài viết

Trong những nỗ lực thay đổi nhằm giúp sân khấu và nghệ sĩ tiếp cận hiệu quả hơn với công chúng, các thử nghiệm sân khấu đang trở thành xu hướng phổ biến. Nhiều nhà hát cũng như cá nhân nghệ sĩ đã cố gắng thử sức để làm mới và tăng sự hấp dẫn. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thử nghiệm đến đâu và như thế nào vẫn là điều khiến không ít khán giả lẫn giới trong nghề băn khoăn, đặt dấu hỏi.

 

Cảnh trong vở rối "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Nhà hát múa rối Thăng Long tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế 2016 (tổ chức tại Hà Nội).

Trong từ điển tiếng Việt, từ thử nghiệm được định nghĩa là "sự làm thử một cái gì đó để tìm xem có hiệu quả hay không hoặc muốn tìm kiếm một kết quả nào đó". Từ đây có thể hiểu sân khấu thử nghiệm là thử làm mới, thử dàn dựng, biểu diễn... theo một cách trước đó chưa từng có người thực hiện. Xét từ phương diện này thì trong lịch sử sân khấu thế giới từng có các thử nghiệm lớn khi nghệ sĩ không còn bằng lòng với các khuôn mẫu sáng tạo trước đó, mà tìm tới cách dàn dựng mới mẻ hơn. Từ thế kỷ 19, nhà biên kịch người Nga K.Stanislavski (K.Xta-ni-xláp-xki, 1863 - 1938) đã xây dựng cách tiếp cận hiện thực và biểu diễn sân khấu để xây dựng lý thuyết về nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý, được đánh giá là một phương pháp nghệ thuật mang đầy tính cách tân ở thế kỷ 19, để chống lại sự khuôn sáo. K.Stanislavski và các nghệ sĩ cùng chí hướng cố gắng tìm kiếm sự chân thực, sống động trong diễn xuất, đòi hỏi diễn viên tìm ra hành động hợp lô-gích, phù hợp với sự vận động tâm lý và tương ứng cá tính nhân vật... Một trong các yêu cầu ông đưa ra là lên sân khấu diễn viên cần đặt mình vào hoàn cảnh nhân vật, như vậy người diễn viên sống với nhân vật chứ không đóng kịch... Từ đó ở phương Tây, cách trình diễn và đánh giá tài năng diễn viên đều dựa trên tiêu chí này.

Ðến khi nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng người Ðức B. Brecht (B.Bờ-rếch, 1898 - 1956) đề xuất và xây dựng phương pháp sân khấu tự sự biện chứng thì sân khấu phương Tây mới quan tâm hơn tới phương pháp biểu diễn, thể hiện khác.

Có thể nói, sau quá trình chịu ảnh hưởng, tác động và tiếp biến với nghệ thuật phương Tây nói chung, sân khấu phương Tây nói riêng, qua nhiều tìm tòi, thể nghiệm... đến khi kịch bản của Vũ Ðình Long, Vi Huyền Ðắc, Nam Xương,... được dàn dựng, kịch nói chính thức ra đời ở Việt Nam và chủ yếu dàn dựng theo phương pháp nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý. Từ đó đến nay, tuy cũng có một số thử nghiệm nhưng hầu như ít thành công. Khi xây dựng đề án để trình Chính phủ về hoạt động có tính định kỳ của Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (Hội NSSKVN) đã cố gắng chuẩn hóa yêu cầu với Liên hoan khi đưa ra cách hiểu về thuật ngữ này. Theo đó, sân khấu thử nghiệm là một thuật ngữ để chỉ tính tiên phong của các phong trào nghệ thuật nhằm cách tân sân khấu, ra đời với mục đích đổi mới hình thức, khám phá nhận thức về văn hóa nói chung, về nghệ thuật sân khấu nói riêng. Sân khấu thử nghiệm muốn trình bày sự khác nhau của ngôn ngữ, của hình thể, của cấu trúc để tạo ra khái niệm nhận thức mới nhằm làm giàu thêm ngôn ngữ nghệ thuật sân khấu, góp phần đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển. Vậy nhưng, trong ba cuộc Liên hoan thử nghiệm đã qua, vẫn còn tình trạng một số nghệ sĩ đã vô tình hoặc cố ý đánh tráo khái niệm khi cho rằng, cái mới thử nghiệm là với tự thân đơn vị mình và chính bản thân nghệ sĩ, dẫn đến cái thay đổi đôi khi chỉ là thay người diễn mới. Có lẽ vì thế mới xảy ra tình trạng vở diễn hay thì chưa mới, vở diễn mới lại chưa hay. Nói cách khác, vở diễn hấp dẫn, sống động thì đứng về mặt thử nghiệm lại không có nhiều cái mới, còn vở diễn rất mới mẻ lại chưa thật sự thuyết phục!

Vấn đề cần đặt ra ở đây là cái mới nên được hiểu như thế nào, có nên làm mới chỉ vì muốn có cái mới trong khi lại có thể đánh mất đặc trưng riêng của sân khấu? Nhiều ý kiến cho rằng, điều kiện tiên quyết là phải tạo được cái mới trong nhận thức chung của người làm nghề, chứ không thể cứ sáng tạo mới của nghệ sĩ hay đơn vị sân khấu nào đó cũng có thể được xem là thử nghiệm. Thực tiễn cho thấy việc tìm tòi sáng tạo cái mới trong sân khấu có tính tổng hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Nếu chỉ thử nghiệm hình thức biểu đạt mới trên nền kịch bản được viết theo cách truyền thống, nghĩa là theo hình thức kịch hiện thực tâm lý, như kịch Aristotle (A-rít-xtốt) (với cấu trúc: giao đãi - thắt nút - cao trào - giải quyết - kết thúc) tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân - quả (sự kiện này có nguyên nhân từ sự kiện trước đó, đồng thời cũng là nguyên nhân của sự kiện tiếp theo...) như sân khấu cổ điển thế kỷ 17 đầy mẫu mực nhưng cũng có phần gò bó, khô cứng,... thì với nội dung và cấu trúc kịch bản như vậy sẽ rất khó cho đạo diễn, diễn viên sáng tạo trong khi thử nghiệm. Viết theo cấu trúc kịch Aristotle, e rằng chìa khóa giải mã vấn đề mà các đạo diễn muốn mở ra rất khó bứt phá. Còn nhớ, trước Liên hoan sân khấu thử nghiệm năm 2016, Hội NSSKVN tổ chức một trại sáng tác ưu tiên cho các yếu tố thử nghiệm, cho những sáng tạo mới, nhưng dường như sáng tạo từ trại sáng tác chưa tìm được tiếng nói chung với người có trách nhiệm tuyển chọn kịch bản, chưa lọt vào "mắt xanh" của các đạo diễn, vì thế đến nay vẫn chưa có được tác phẩm thật sự mới mẻ khiến đồng nghiệp trong nước và thế giới ghi nhận.

Về nghệ sĩ, đáng băn khoăn nhất vẫn là sự thích ứng của các đạo diễn, vì hơn ở đâu hết, tác phẩm sân khấu trước hết là tác phẩm của đạo diễn, từ khâu quyết định đường hướng, định ra phương pháp giải mã kịch bản, lựa chọn làm mới sân khấu, làm việc cùng tập thể diễn viên, và họa sĩ, nhạc sĩ... Trong khi đó, dường như sân khấu chúng ta đang ở giai đoạn "trống trải" bởi: các diễn viên được coi như "gạo cội" nay đều đã quá lớn tuổi khó thích ứng các thử nghiệm táo bạo, hoàn toàn mới; thế hệ đạo diễn kế tục cũng chưa có nhiều gương mặt thật sự nổi trội và vững vàng, có phong cách riêng. Sau gần một thế kỷ của kịch nói, nhiều thế kỷ của kịch hát truyền thống,... rất nhiều cách làm thử nghiệm từng thử qua, thực hiện ở mỗi thế hệ, mỗi thời kỳ, song câu hỏi cần làm gì để sân khấu đạt hiệu ứng tốt, đem lại sự hấp dẫn, thú vị vẫn đặt ra, và cần trả lời.

Với diễn viên trẻ, dù được đào tạo tương đối bài bản nhưng các kỹ năng cần thiết như vũ đạo, ca hát, nhảy cổ điển, múa kiếm... lại không phải người nào cũng có thể thực hiện nhuần nhuyễn. Với các nghệ sĩ nước ngoài phần lớn họ rất chú trọng kỹ năng chung, các kỹ năng mà người bình thường rất khó thực hiện được. Trong khi đó, trình độ kỹ thuật biểu diễn của nhiều diễn viên Việt Nam chưa cao, nhận thức và quan niệm về chức nghiệp lại chưa thật trọn vẹn, hài hòa, hậu quả là trên sàn diễn, khá nhiều diễn viên nặng về hét, gào với sự rườm lời,... rất vất vả, nặng nhọc song hiệu quả nghệ thuật hạn chế vì chưa tìm được cách để có những "khoảng lặng", tận dụng ngôn ngữ của hình thể để ghi dấu ấn riêng. Chưa kể, sự đầu tư cho các thành phần bổ trợ khác như nhạc sĩ, họa sĩ,... chưa thỏa đáng nên hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm phần nào bị hạn chế. Hiện nay, rất ít đơn vị dám mời người viết nhạc riêng cho vở mà chủ yếu sử dụng nhạc chọn. Trong khi đó, âm nhạc có thể giúp đạo diễn phác họa hình ảnh tưởng tượng nhất định về khung cảnh giúp người xem định vị về không gian, địa điểm. Âm nhạc còn là trợ thủ đắc lực để tạo dựng, miêu tả đời sống tinh thần của nhân vật, xây dựng hình tượng nghệ thuật... Với lợi thế tác động trực tiếp tới khán giả, âm nhạc là cầu nối để giải mã, diễn tả trực tiếp tính cách nhân vật với giai điệu, tiết tấu cho riêng từng nhân vật. Ðội ngũ họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu hiện đang có sự chuyển giao thế hệ, trong khi đây lại là khâu quan trọng giúp chuyển tải ý đồ tạo dựng không gian, thời gian sân khấu... Thậm chí, phần nhiều họa sĩ đang phải phân tán sự sáng tạo cho những tạo hình khác như phục trang, hóa trang... nên còn thiếu chuyên sâu, riêng biệt, tính chuyên nghiệp cao.

Một trở ngại khác đóng vai trò quan trọng trong thành công của mỗi vở diễn, là sự thiếu thốn cơ sở vật chất của các nhà hát. Dù đã được chú trọng đầu tư xây dựng, nhưng cơ sở vật chất của nhiều sàn diễn vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu đổi mới. Chẳng hạn, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để dần thay thế bục bệ, đa dạng hóa các bối cảnh sân khấu vẫn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng nhiều sân khấu không có gì mới trong hình thức thể hiện, thiếu hẳn sức sáng tạo trong biểu hiện. Thưởng thức nhiều vở diễn, khán giả không tránh khỏi cảm giác: dường như sân khấu trong nước đang đứng ngoài thành tựu của thời đại khi chậm áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ? Trong khi trên thực tế hầu như ai cũng nhận thấy mỹ cảm sân khấu rất dễ bị ảnh hưởng nếu trang thiết bị sân khấu không giúp tạo động lực cho sáng tạo. Cũng phải nói rằng, chúng ta đã phát huy nghệ thuật ước lệ của sân khấu truyền thống mà không tính đến mặt trái của nó, cụ thể là: một số họa sĩ đang dựa vào đó để tự bằng lòng với sự đơn giản, lạc hậu, lỗi thời để nhiều năm qua sân khấu chưa có gì đáng tự hào về mỹ thuật. Như NSND Phùng Huy Bính đã thẳng thắn chỉ ra "tính ước lệ trong mỹ thuật sân khấu lúc này đã trở thành con dao hai lưỡi, người ta vẫn nhân danh ước lệ nhưng ước lệ không còn là một thuộc tính cao đẹp của mỹ thuật sân khấu mà đã trở thành lợi khí cho những ý định thấp kém làm tha hóa sân khấu, làm cho mỹ thuật sân khấu ngày một sơ lược, ngày một nghèo nàn một cách thảm hại". Vì thế, nếu chỉ với bục bệ, phông màn truyền thống, e rằng chúng ta rất khó lòng tạo ra bước đột phá mới cho sân khấu.

Thực tế, các đợt Liên hoan sân khấu thử nghiệm trước đây, cùng với các liên hoan quốc tế đã góp phần gợi mở cho các nghệ sĩ Việt Nam nhiều ý tưởng về hình thức xử lý tình huống kịch, cách kể chuyện, trang trí, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên... Song soi chiếu một cách kỹ lưỡng, có thể thấy các tác phẩm sân khấu của Việt Nam chưa đem lại một cách rõ nét các yếu tố mới mẻ của sân khấu, nhất là ngôn ngữ đạo diễn vẫn nghèo nàn, thao tác xử lý kịch bản, tư duy đạo diễn về không gian, và thủ pháp dàn dựng chưa có gì bứt phá, chưa nói còn có một số xử lý quen thuộc đến nhàm chán lặp lại đã mấy chục năm. Thể nghiệm để góp phần đem đến những thay đổi cho sân khấu và nghệ sĩ trong nước là không thể chậm trễ. Ðể làm được điều này, cần nỗ lực, quyết tâm đổi mới, học hỏi, từng bước định vị được chính mình. Từ đó, mỗi nhà hát và từng cá nhân nghệ sĩ có kế hoạch, có chiến lược sáng tạo làm mới nghệ thuật, cuốn hút khán giả bằng chính nội lực của bản thân.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top