Đến với bài thơ hay

Về quê ngoại

09:16 - Thứ Năm, 30/05/2019 Lượt xem: 14550 In bài viết

Em về quê ngoại nghỉ hè,

Gặp đầm sen nở mà mê hương trời.

Gặp bà tuổi đã tám mươi,

Quên quên nhớ nhớ những lời ngày xưa.

Gặp trăng gặp gió bất ngờ

Ở trong phố chẳng bao giờ có đâu.

Bạn bè ríu rít gọi nhau

Qua con đường đất rợp màu rơm phơi.

Bóng tre mát rợp vai người

Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm

 

Về quê thăm ngoại, lòng em

Yêu thêm cuộc sống, yêu thêm con người

Em ăn hạt lúa lâu rồi

Hôm nay mới gặp những người làm ra.

Những người chân đất thật thà

Em thương như thể thương bà ngoại em.

Chử Văn Long

 

Lời bình

Thiết tha tình yêu quê ngoại

Nhà thơ Chử Văn Long là tác giả của nhiều tập thơ viết cho thiếu nhi. Thơ ông giản dị, mộc mạc qua ngôn ngữ, đằm thắm và lắng sâu về ý tứ nên được độc giả đón nhận một cách tự nhiên. Bài thơ Về quê ngoại lấy cảm xúc từ niềm vui thích của các em nhỏ được về thăm bà nhân dịp nghỉ hè. Qua đó, tác giả khơi dậy tình yêu đối với những miền quê thanh bình, yên ả, những con người chân đất bình dị nhưng chất phác, thật thà đã làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi sống con người.

Ðọc 6 câu thơ đầu, hẳn chúng ta đều cảm nhận được bạn nhỏ từ thành phố về thăm bà ở một miền quê yên tĩnh. Thành phố có điện sáng lung linh, người xe tấp nập, phố xá lúc nào cũng đông đúc, nhà cửa luôn kín cổng cao tường. Thế nên nhân dịp về quê, chưa vỡ òa thành tiếng reo vui thảng thốt, nhưng bạn nhỏ trong Về quê ngoại thật sự “bất ngờ” trước vẻ đẹp nên thơ của làng quê thanh bình. Có lẽ đây là lần đầu tiên về quê ngoại nên tất cả cứ hiện lên kỳ diệu đến ngỡ ngàng:

Em về quê ngoại nghỉ hè,

Gặp đầm sen nở mà mê hương trời.

Gặp bà tuổi đã tám mươi,

Quên quên nhớ nhớ những lời ngày xưa.

Gặp trăng gặp gió bất ngờ

Ở trong phố chẳng bao giờ có đâu.

Một đầm sen ngát hương thanh khiết. Ðó là sắc hương của đất trời ban tặng cho con người khiến bạn nhỏ mê say ngây ngất. Hình ảnh người bà tám mươi tuổi hồn hậu, “quên quên nhớ nhớ” hiện lên thật cảm động. Ngọn gió đồng tung tẩy, một ánh trăng quê như lá thuyền trôi giữa bầu trời vô cùng thơ mộng, một bờ tre rợp bóng mát... Thích thú nhất là tác giả miêu tả sự thân thiện của bạn bè nơi chốn quê. Ðó là tình cảm yêu mến tự nhiên, không rào đón, lo sợ như ở thị thành. Bạn nhỏ trong bài thơ cứ thỏa sức vui đùa, bày tỏ tâm tình, hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên và con người một cách đắm say, trìu mến:

Bạn bè ríu rít gọi nhau

Qua con đường đất rợp màu rơm phơi.

Bóng tre mát rợp vai người

Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm

Hai chữa “ríu rít” được nhà thơ Chử Văn Long viết ra tràn đầy cảm xúc. Ðó là âm thanh của loài chim trời tung bay khắp chốn đã được đặt vào tiếng gọi tìm của các bạn nhỏ nơi miền quê yên ả. Thích thú nhất là phép so sánh thật nên thơ: “Vầng trăng như lá thuyền trôi êm đềm” vừa mở ra một không gian mộng mơ, xinh đẹp; vừa gợi được cảm xúc mến yêu, thích thú đến ngỡ ngàng mà người bạn nhỏ ở thành phố về thăm quê ngoại có được. Tất cả cứ hòa vào nhau trong suốt một niềm hạnh phúc.

Không dừng lại ở cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên quê ngoại, lắng sâu hơn, nhà thơ Chử Văn Long đã để cho tình cảm của bạn nhỏ bộc bạch cảm xúc yêu mến những người nông dân làm ra hạt lúa củ khoai thật chân thành, đằm thắm. Tình yêu ấy đến cũng tự nhiên, trong sáng như tình cảm hướng về người bà của chính bạn nhỏ trong bài thơ:

Em ăn hạt lúa lâu rồi

Hôm nay mới gặp những người làm ra.

Những người chân đất thật thà

Em thương như thể thương bà ngoại em.

Bài thơ Về quê ngoại được nhà thơ viết bằng thể thơ lục bát nên rất ngọt ngào, trong sáng và dễ đi vào tâm tình người đọc. Hình ảnh, cảnh sắc thiên nhiên gần gũi và thân thuộc được khơi gợi từ những miền quê yêu mến trên đất nước ta. Tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, giàu mơ ước của bạn nhỏ cũng được nhà thơ diễn tả thật tài tình và sâu sắc. Tất cả những điều đó đã làm cho bài thơ khó quên trong trái tim mỗi người khi được mở trang sách trên tay.

Lê Thành Văn
Bình luận
Back To Top