Cần tạo điều kiện và hỗ trợ các không gian văn hóa sáng tạo

09:41 - Thứ Hai, 03/06/2019 Lượt xem: 7840 In bài viết

Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều những không gian văn hóa sáng tạo (KGVHST) tại Việt Nam, nhất là ở những thành phố lớn đã khiến khái niệm này dần trở nên quen thuộc đối với công chúng yêu văn hóa, nghệ thuật. Đây được coi là một trong những nền tảng thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo đất nước, nhưng thực tế hoạt động thời gian qua cho thấy, các KGVHST đối mặt không ít thách thức để phát triển bền vững.

 

Triển lãm “Vàng mười - Tái chế! Nâng cấp!” tại không gian Heritage Space, Hà Nội.

Không gian văn hóa sáng tạo được hiểu là địa điểm thực tế hoặc có thể là trực tuyến, một nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ. Vài năm qua, sự phát triển nhanh chóng của in-tơ-nét và những nền tảng kết nối toàn cầu, cùng nhu cầu được tiếp cận các xu hướng nghệ thuật, luồng văn hóa mới của thế hệ công chúng hiện đại, đã khiến các KGVHST được hình thành ngày càng nhiều ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của nhà báo, chuyên gia tư vấn truyền thông Trương Uyên Ly, từ 40 không gian được định hình năm 2014, đến nay con số này đã là hơn 140 với sự đa dạng về chức năng, quy mô, chủ đề và cách thức vận hành của từng không gian. Đó có thể là nơi gặp gỡ, chia sẻ về những chủ đề liên quan văn hóa, nghệ thuật của những người cùng chung mối quan tâm như Cà-phê thứ 7; có thể là nơi hiện thực hóa, giới thiệu, quảng bá những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ như: Heritage Space, VICAS Art Studio, Hanoi Rock City, Saigon Outcast...; hay diễn đàn về thông tin văn hóa sáng tạo trực tuyến, nơi cung cấp thông tin, bình luận nghệ thuật để hỗ trợ cộng đồng nghệ sĩ độc lập tiếp cận công chúng như: HanoiGrapevine, All About Art and Artist, Soi...; hoặc những không gian sáng tạo linh hoạt mà tùy chủ đề, điều kiện có thể dịch chuyển tới nhiều địa điểm như: Vẽ kể chuyện, The Onion Cellar, Bảo tàng thấu cảm, Dự án Gieo...

Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, các KGVHST thời gian qua cũng khẳng định sự trưởng thành về chất lượng. Bằng chứng là từ những bước đi ban đầu để nỗ lực xác định sự tồn tại, một số không gian đã chủ động kết nối để mở rộng phạm vi, nâng cao chất lượng cũng như sức ảnh hưởng của những hoạt động văn hóa nghệ thuật, tiêu biểu phải kể đến sự hình thành sáng kiến Liên minh KGVHST Việt Nam cách đây không lâu với các thành viên sáng lập bao gồm: VICAS Art Studio, Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh TPD, HanoiGrapevine, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES. Có thể thấy, bằng nhiều con đường khác nhau, các KGVHST đã mang đến định nghĩa mới về cách thức tiếp cận văn hóa, nghệ thuật trong bối cảnh hiện đại. Ở đó, những nghệ sĩ sáng tạo có cơ hội thực hành những hình thức nghệ thuật thể nghiệm, và công chúng được đón nhận, hưởng thụ những luồng giá trị văn hóa, nghệ thuật mới. Qua đó, không chỉ mang đến cơ hội việc làm cho nhiều đối tượng, các KGVHST góp phần truyền cảm hứng, nuôi dưỡng, kích thích các ý tưởng sáng tạo, tạo bản sắc và nguồn năng lượng riêng cho từng địa phương...

Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo Việt Nam: Các KGVHST này góp phần hình thành một bức tranh sắc nét hơn cho cộng đồng, các nhà quản lý và các bên liên quan để thấy rõ hơn hình hài, triển vọng của ngành công nghiệp sáng tạo. Nhưng nếu được tạo điều kiện hơn, tiềm năng và sự đóng góp của các KGVHST sẽ còn phát huy hơn nữa, bởi thời gian qua, nhiều không gian gặp không ít khó khăn để hình thành và duy trì hoạt động. Bằng chứng là nhiều không gian như Nhà ga 3A, Toa tàu, Saigon Hub... sau một thời gian vận hành buộc phải đóng cửa. Trên thực tế, phần lớn người sáng lập các KGVHST đều là những cá nhân, nhóm cá nhân trẻ tuổi. Họ có sự nhạy cảm với những xu hướng văn hóa nghệ thuật mới và khao khát được hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, nhưng hầu hết thiếu kinh nghiệm quản lý và kinh doanh nghệ thuật, dẫn đến việc điều hành ổn định các KGVHST trở nên không dễ dàng. Những nghiên cứu ban đầu của Dự án KGVHST Việt Nam do Hội đồng Anh phối hợp Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện trong ba năm (từ 2018 đến 2021) chỉ ra rằng: Tính bền vững là mục tiêu của tất cả các không gian sáng tạo, và nguồn vốn là yếu tố tiên quyết bảo đảm hoạt động lâu dài của chúng. Tuy nhiên, thay vì được hưởng nguồn tài trợ nước ngoài đến từ các tổ chức phi chính phủ, các viện văn hóa quốc tế như trước đây, ngày càng ít KGVHST huy động được các nguồn vốn này do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Do đó, tự lực về nguồn vốn đang trở thành lựa chọn duy nhất của các không gian. Đây là thách thức lớn, khi mà ở Việt Nam, các không gian sáng tạo dù theo đuổi những mục tiêu phát triển cộng đồng sáng tạo, nhưng vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ như một cơ sở đăng ký kinh doanh. Bên cạnh đó, các không gian chủ yếu hoạt động thông qua các sự kiện, nhưng theo những người sáng lập, họ gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp phép, kiểm duyệt các chương trình, sự kiện văn hóa nghệ thuật.

Thực tế cho thấy vài năm gần đây, một số KGVHST đã nhận được sự quan tâm hơn từ chính quyền địa phương. Có những dự án xây dựng KGVHST do các cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức chính trị xã hội trực tiếp xây dựng như tuyến phố đi bộ, không gian phố sách...; song vẫn thiếu những chương trình hành động, hỗ trợ cụ thể. Do đó, theo các chuyên gia, để tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hoạt động của KGVHST, cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với những chính sách mang tính thực tiễn như các ưu đãi về thuế, đầu tư cho các doanh nghiệp sáng tạo, xây dựng mô hình hợp tác công-tư để các không gian dễ dàng tiếp cận, khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ sáng tạo, tạo điều kiện về quản lý nội dung, cấp phép tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật; cùng với đó là các giải pháp để nâng cao năng lực quản lý, điều hành, kinh doanh nghệ thuật cho các chủ không gian. Chỉ khi được quan tâm đúng mực, các KGVHST mới có thể phát huy được hết tiềm năng, trở thành động lực để phát triển nền kinh tế sáng tạo của đất nước.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top