Gìn giữ văn hóa truyền thống gia đình trong đồng bào dân tộc Thái

08:28 - Thứ Năm, 06/06/2019 Lượt xem: 8839 In bài viết
ĐBP - Trong cuộc sống hiện đại, sự bùng nổ công nghệ thông tin, mở rộng giao lưu văn hóa; việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc; tránh sự mai một, hòa tan văn hóa truyền thống là vô cùng cần thiết. Dẫu không tránh khỏi những ảnh hưởng ít nhiều của thực tế xã hội; song trong nhiều gia đình đồng bào Thái, nhờ sự tâm huyết của lớp người cao tuổi, sự quan tâm của cộng đồng, những nét văn hóa cốt lõi vẫn đang được nỗ lực gìn giữ, truyền dạy, phát huy.

 

Món ăn truyền thống của dân tộc Thái (nộm hoa ban, cơm lam, xôi ngũ sắc…) được giới thiệu trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Mường Ảng, năm 2019.

Trong một chuyến công tác gần đây chúng tôi có dịp về thăm gia đình ông Lò Văn Khụt, bản Ðắng, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng). Ðây là một trong những gia đình mẫu mực vẫn duy trì được nếp sinh hoạt của bốn thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà. Gia đình ông Khụt vẫn giữ được những nếp sinh hoạt chung; khoảng thời gian vui nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau một ngày làm việc, học hành mệt mỏi… Ông Khụt cho biết: Ðồng bào Thái gìn giữ nền nếp gia phong cơ bản là bằng cách thế hệ trước giữ gìn, truyền dạy cho thế hệ con cháu đời sau. Các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái thì rất nhiều: Khèn bè, đàn môi, tính tẩu; những bài hát dân ca, hát dao duyên tỏ tình; những bài cúng trong lễ hội, cưới hỏi, ma chay… Ẩm thực cũng là một kho văn hóa của đồng bào Thái. Ðây là nét văn hóa riêng có của dân tộc Thái; điển hình là các món: Xôi màu, pá pỉnh tộp, thịt trâu sấy, các món gỏi...

Bữa cơm là nơi gắn kết giữa các thành viên, hình thành nên truyền thống gia đình: Là lúc cả nhà sum họp, mỗi thành viên thể hiện tình yêu thương; con trẻ thể hiện sự hiếu kính với ông bà, cha mẹ; cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng với con cái, anh chị em hòa thuận; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau… Vì thế, bữa cơm thể hiện rất nhiều nét văn hóa của đồng bào Thái. Chị Lò Thị Tập chia sẻ: Chuẩn bị một bữa cơm ngon cho gia đình là hạnh phúc của phụ nữ, thể hiện tình yêu thương đối với bố mẹ và chồng con. Vì thế, dù cuộc sống hiện đại thì thường ngày và đặc biệt vào dịp cuối tuần, lễ tết tôi cùng con dâu luôn dành thời gian chế biến những món ăn truyền thống để cả nhà cùng thưởng thức. Nói về phương pháp chế biến món ăn của người Thái, chị Tập chia sẻ: Hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm từ xa xưa để lại và được lưu truyền từ đời này qua đời khác chứ không có bất cứ trường lớp đào tạo nào. Bản thân chị cũng được cha mẹ dạy từ khi chưa lập gia đình riêng. Ẩm thực truyền thống người Thái nổi tiếng với các món nướng, nộm, lạp, mọ... gia vị đặc trưng là mắc khén, ớt, tỏi, gừng... để ướp đồ ăn trước khi chế biến theo những cách riêng. Một trong những món ăn độc đáo của người Thái phải kể đến pá pỉnh tộp (cá nướng). Ðể làm được món này người ta sẽ chọn cá to, béo và tươi sống (thường là cá chép). Cá được mổ sạch sẽ (mổ dọc sống lưng để con cá dễ gấp úp và thịt mềm hơn) tẩm ướp gia vị, nhồi vào bụng cá những loại rau thơm đã được thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, ớt, mắc khén... Sau đó, gấp úp đôi con cá lại rồi kẹp nướng trên than hồng cho đến khi cá chín vàng rộm, thơm lừng, mang vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của mắc khén.

Chị Lò Thị Soạn, con dâu cả của ông Lò Văn Khụt tâm sự: Thế hệ trẻ chúng tôi dù không biết hết được các nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, nhưng cũng hiểu được giá trị của nó đối với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Thái. Chính vì vậy mà chúng tôi luôn có ý thức giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc để thế hệ sau này còn biết về nguồn cội. Ðơn cử như, khi ở nhà thì mình nói tiếng Thái, còn đi làm ra ngoài giao tiếp, gặp người không biết nói tiếng Thái thì mình mới nói tiếng phổ thông. Các con của chúng tôi được dạy và thường xuyên giao tiếp với ông bà, bố mẹ ở nhà bằng tiếng Thái; khi đến trường mới nói tiếng phổ thông để tránh bị mai một ngôn ngữ…

Ông Quàng Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Mường Ðăng cho biết: Ngày nay lớp người cao tuổi trên địa bàn xã am hiểu sâu về bản sắc văn hóa của dân tộc còn rất ít. Do điều kiện kinh tế cùng với các thiết chế văn hóa của xã còn nhiều khó khăn nên xã cũng không tổ chức các lớp truyền dạy riêng rẽ mà lồng ghép việc dạy lại cho thế hệ trẻ vào các dịp lễ hội hoặc liên hoan văn nghệ. Ðồng thời, xã khuyến khích các cháu thiếu niên, nhi đồng tham gia luyện tập, biểu diễn các tiết mục văn nghệ bằng tiếng Thái và thường xuyên mặc trang phục dân tộc khi đến lớp... Qua đó, các cháu nhận thức và hiểu rõ hơn giá trị của tiếng Thái cũng như truyền thống của dân tộc mình…

Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có dân tộc Thái không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Ðể bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp cần sự quan tâm đầu tư nhiều hơn về mọi mặt; song quan trọng nhất vẫn là sự tự ý thức của mỗi gia đình đồng bào Thái. Trong mỗi mái nhà, các thế hệ phải thường xuyên quan tâm, chăm lo hơn nữa tới việc thực hành, giáo dục về truyền thống văn hóa dân tộc mình cho thế hệ sau; nhất là về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, các nghề truyền thống...

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top