Siết quản lý, bảo vệ di tích lịch sử-văn hóa và danh thắng

16:01 - Thứ Hai, 10/06/2019 Lượt xem: 7926 In bài viết

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa gửi văn bản số 2009/BVHTTDL-DSVH tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh.

 

Đình Văn Xá (Đức Lý, Lý Nhân, Hà Nam) bị sơn đỏ một số cấu kiện gỗ. Ảnh: Đào Phương

Văn bản cho biết. trong những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích), góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh đất nước, thu hút đông đảo du khách tham quan, nghiên cứu, qua đó tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân nơi có di tích.

Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa chủ động trong việc kiểm kê, xếp hạng di tích; tình trạng mất cắp hiện vật, cháy ở di tích vẫn tiếp tục xảy ra hàng năm; hiện tượng tu bổ di tích không phép, lắp đặt mới các biển hiệu giới thiệu di tích, quảng bá du lịch chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm ảnh hưởng tới giá trị di tích.

Để tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch và UBND các quận, huyện, thành phố, thị xã trực thuộc.

Bên cạnh đó phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di sản văn hóa; mở cuộc vận động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân địa phương để quán triệt pháp luật về di sản văn hóa đến các tổ chức đoàn thể xã hội, các hội và mọi người dân.

Bộ cũng đề nghị, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp xã, phường, thị trấn trong việc bảo vệ di tích trên địa bàn và cơ chế phối hợp quản lý giữa UBND cấp xã với tổ chức quản lý di tích hoặc người được giao trông coi di tích. Tăng cường tuần tra, canh gác kết hợp lắp đặt thiết bị bảo vệ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý di tích, quản lý các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cho cán bộ cấp huyện, xã có liên quan và người trực tiếp trông coi di tích; d) Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở địa phương, kiên quyết xử lý các vụ việc vi phạm làm ảnh hưởng tới giá trị di tích.

Bộ cũng đề nghị UBND cấp xã, phường, thị trấn rà soát, hoàn thiện quy trình kiểm kê di tích trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ, khoa học; chủ động nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích để bảo vệ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị quản lý nghiêm hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan. Ưu tiên đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy, hệ thống cứu hỏa tự động đủ tiêu chuẩn tại các di tích. Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án tu bổ di tích, tránh để xảy ra sai phạm sau đó mới xử lý nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích, kể cả đối với những di tích chưa được xếp hạng.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top