Người say mê với một miền văn hóa

08:52 - Thứ Năm, 13/06/2019 Lượt xem: 9149 In bài viết

ĐBP - Giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam là tinh hoa kết tụ qua hàng nghìn năm, giúp mỗi người trong cộng đồng định hình nhân cách và lối sống. Trong thời hiện đại, các giá trị văn hóa truyền thống giúp mỗi người, mỗi dân tộc hòa nhập mà không bị hòa tan. Giáo sư - Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh đã dành cả đời mình cống hiến cho việc gìn giữ những giá trị truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ông cũng dành nhiều tâm huyết giúp cộng đồng dân tộc Thái vùng Tây Bắc bảo tồn và truyền giữ các giá trị văn hóa truyền thống quý báu.

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học (GS - TSKH) Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch  Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam là một nhà khoa học có trí tuệ uyên bác, ông là con trai của cố họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân. Say mê với công tác nghiên cứu khoa học, dù đã 85 tuổi ông vẫn không ngừng tìm tòi nghiên cứu, đóng góp cho việc bảo tồn, truyền giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 2/2019, GS - TSKH Tô Ngọc Thanh có chuyến trở lại Tây Bắc, nơi ông từng công tác nhiều năm. Trong chuyến đi lần này ông đã lên với Ðiện Biên. Ðến với Ðiện Biên không chỉ với vai trò là nhà nghiên cứu khoa học, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ông còn tới đây với tâm thế như một người quen cũ từ lâu gặp lại. Từng học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Bắc, Tô Ngọc Thanh được phân công về Ban Nghiên cứu âm nhạc thuộc Vụ Nghệ thuật - Bộ Văn hóa Thông tin, đi sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc tại vùng Tây Bắc. Từ năm 1959, khi mới bắt đầu chập chững những bước chân đầu tiên vào con đường sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, ông đã gắn bó với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhiều năm đến khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa của Sơn La, Ðiện Biên, Lai Châu… tìm hiểu âm nhạc dân gian, ông đã tích lũy cho mình vốn hiểu biết vô cùng phong phú. GS-TSKH Tô Ngọc Thanh không chỉ có hiểu biết sâu rộng về âm nhạc mà còn có kiến thức phong phú về văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số. Học tập thông hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào Thái địa phương, được đồng bào yêu quý như con em của bản làng, mỗi lần về với Tây Bắc, ông đều được đồng bào chào đón. Tình yêu với một miền văn hóa và tình người nơi đây chính là động lực giúp ông đi khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa tìm kiếm, nghiên cứu, học tập để có được những tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu có giá trị. GS-TSKH Tô Ngọc Thanh cho biết: “Tôi đã có khoảng thời gian không ít làm việc ở Tây Bắc, khi đó tôi còn là một chàng trai Hà Nội, mới lên Tây Bắc đã bị cuốn hút bởi bản sắc của đồng bào nơi đây, mà đầu tiên là nơi bản làng của đồng bào Thái. Chính chiếc áo cóm và những cô gái Thái là hình ảnh đầu tiên rất cuốn hút tôi. Sau đó càng đi sâu tìm hiểu, tôi thấy đồng bào ở đây có nhiều nét văn hóa đáng trân trọng, gìn giữ.

15 năm làm việc trên vùng Tây Bắc, cho đến khi được về Viện Nghệ thuật và hoàn thành xuất sắc luận án phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ chuyên ngành, ông vẫn luôn tha thiết với văn hóa cổ truyền của đồng bào nơi đây. GS-TSKH Tô Ngọc Thanh đã có nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian có giá trị, đạt các giải thưởng quốc gia và quốc tế, trong đó có tác phẩm sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc dân gian dân tộc Thái, đạt giải nhất của Hội văn nghệ dân gian năm 1972 ; công trình “Ghi chép về văn hoá và âm nhạc”- dày hơn 900 trang với trên 70 bài nghiên cứu sâu sắc về văn hoá và âm nhạc. Ông cũng sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lí và đưa vào đời sống văn hóa cộng đồng 42 tập dân ca tiêu biểu của đồng bào các DTTS. Từ năm 2010 đến nay, với vai trò là Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh đã dồn hết tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm, cùng các nghệ nhân trên cả nước thực hiện hàng nghìn công trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian. Ðến nay Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam đã xuất bản trên 2.000 công trình sưu tầm, dịch thuật, nghiên cứu văn hóa của nhiều dân tộc, thuộc nhiều lĩnh vực. Ở Ðiện Biên, từ năm 2008 đến nay cũng đã có hàng chục công trình sưu tầm văn hóa, văn học dân gian, đặc biệt là các công trình về văn hóa dân gian dân tộc Thái, được xuất bản, giới thiệu. GS-TSKH Tô Ngọc Thanh chia sẻ: “Phải nói rằng trong các dân tộc thiểu số của Việt Nam thì dân tộc Thái có một kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian đồ sộ, phong phú. Họ không chỉ có phong tục, tập quán, mà còn có âm nhạc, văn học. Ðó là gia tài quý báu mà không gì quý hơn. Ngoài ra dân tộc Thái còn có chữ cổ. Do đó mà họ đã ghi lại được toàn bộ phong tục, tập quán, văn học, văn nghệ dân gian. Người đời sau cần học những cái đó để biết được ông cha đã sống như thế nào, đã nghĩ như thế nào”.

Năm 2018 - 2019, với sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa - Văn nghệ dân gian dân tộc Thái Ðiện Biên đã mở được 2 lớp truyền dạy chữ Thái cổ. Trước đó họ còn mở được một số lớp truyền dạy nhạc cụ, dân ca, dân vũ dân gian. Với tấm lòng trân quý những giá trị văn hóa truyền thống, ngoài việc hướng dẫn cho các nghệ nhân địa phương thực hiện nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu giá trị, giúp bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh còn giúp các chi hội dân gian, các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân gian địa phương có những hoạt động thiết thực giúp gìn giữ, truyền dạy vốn văn hóa truyền thống. Với những công trình nghiên cứu và việc làm tâm huyết, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh không chỉ được giới khoa học ca ngợi là nhà khoa học uyên bác, ông còn được đồng bào các dân tộc yêu mến coi là người thầy khơi dậy niềm tự hào về văn hóa dân tộc, đồng thời khuyến khích họ gìn giữ lưu truyền những giá trị truyền thống quý báu. Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Ðại - Chi hội Văn nghệ dân gian Ðiện Biên cho biết: “Giáo sư Tô Ngọc Thanh là người hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc sưu tầm, nghiên cứu các tác phẩm văn hóa dân gian. Phải nói thầy là người hiểu biết rất sâu sắc về văn hóa địa phương, ngay cả tiếng nói, chữ viết thầy cũng thông hiểu. Thầy đã hướng dẫn và còn cầm tay chỉ việc để những người như chúng tôi làm được nhiều việc ý nghĩa cho văn hóa dân tộc”.

Niềm say mê với một miền văn hóa đã đưa GS-TSKH Tô Ngọc Thanh bước vào con đường nghiên cứu khoa học và đạt được nhiều thành tựu. Ðến nay khi tuổi đã cao, ông vẫn làm việc không biết mệt mỏi, cống hiến trí tuệ, công sức cho việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Niềm say mê những giá trị văn hóa truyền thống sẽ còn tiếp tục theo bước chân ông đến trọn cuộc đời.


Kông Thao
Bình luận
Back To Top