Lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc

08:56 - Thứ Năm, 27/06/2019 Lượt xem: 11476 In bài viết

ĐBP - Lễ Gạ Ma Thú (cúng bản) là lễ tục tinh thần được dân tộc Hà Nhì gìn giữ, lưu truyền lâu đời nhằm hướng về cội nguồn và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ tục này thường được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong một ngày tháng 5 âm lịch, chúng tôi đã được chứng kiến buổi phục dựng lễ Gạ Ma Thú do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp với UBND huyện Mường Nhé tổ chức tại xã Sín Thầu. Tuy không phải lễ chính thức, nhưng việc phục dựng bài bản, đầy đủ đã cho chúng tôi cảm nhận sâu sắc, ấn tượng về lễ tục truyền thống của dân tộc Hà Nhì đang sinh sống nơi cực Tây của Tổ quốc.

 

Nam giới dân tộc Hà Nhì trang trí cổng, tường rào chuẩn bị phần cúng tại bản. Ảnh: Phương Liên

Lễ Gạ Ma Thú được phục dựng gồm 3 phần chính là: Cúng trong rừng, cúng trong bản và hoạt động vui chơi của người dân, tương ứng với 3 ngày diễn ra Lễ Gạ Ma Thú theo đúng lịch của người Hà Nhì. Phần cúng trong rừng được thực hiện bởi một thầy cúng và những thanh niên khỏe mạnh. Họ mặc trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì, mang nhiều lễ vật như: Thủ lợn, gà, cơm nếp, rượu... vào rừng, chọn địa điểm đẹp, bằng phẳng để bày mâm cúng. Thầy cúng rót rượu, thắp hương, cúng lạy mời gọi tổ tiên, thần linh về chứng kiến lễ cúng, sau đó đọc lời cúng bằng tiếng Hà Nhì. Cúng xong, thầy cúng và các thanh niên hạ lễ, tổ chức ăn uống ngay tại địa điểm cúng, họ cùng nâng chén rượu chúc nhau đi săn không bị hổ, gấu vồ; nhà nào cũng có thịt sấy treo đầy trên gác bếp...

Chứng kiến phần cúng được phục dựng lại, ông Chu Khai Sinh, già làng cũng là thầy cúng bản A Pa Chải, xã Sín Thầu chia sẻ: “Trong lễ Gạ Ma Thú, phần cúng này là quan trọng nhất, lời cúng có ý nghĩa cảm ơn thần rừng đã che chở, bảo vệ cho đời sống người dân trong bản, cung cấp cho con người thực phẩm, củ quả và những vật dụng để làm đồ dùng hàng ngày trong cuộc sống... Vì thế mà phần cúng diễn ra hết sức trang nghiêm, ai cũng phải mặc quần áo truyền thống, riêng thầy cúng có đội thêm khăn quấn trên đầu để hộ giá thần linh”.

Sau phần cúng trong rừng, phần cúng tại bản đông vui, nhộn nhịp hơn vì có sự tham gia của đông đảo bà con dân bản. Thầy cúng và thanh niên trở về từ rừng thực hiện phần cúng bản tại khoảng sân rộng nằm giữa bản văn hóa A Pa Chải. Bà con dân bản tụ họp về đây, cùng chuẩn bị các lễ vật cúng bản theo đúng phong tục truyền thống dân tộc Hà Nhì. Nam giới thì trang trí cổng, tường rào bằng vật dụng thủ công, rồi giết gà, mổ lợn, đan giỏ đựng đồ cúng... phụ nữ thì nấu món ăn, làm xôi nếp nhuộm vàng (bằng nghệ), luộc trứng gà nhuộm đỏ (bằng lá nếp đỏ), đan túi len đựng đồ ăn làm quà... Khi mọi sự chuẩn bị đã hoàn tất, các mâm lễ cúng đầy ắp đồ ăn, rượu, thịt, hoa quả với màu sắc rực rỡ được bày biện giữa sân thì tiếng chiêng, tiếng trống cũng nổi lên, vang vọng khắp bản. Từ các nẻo đường, bà con dân tộc Hà Nhì mặc trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu, kéo về giữa bản ngày một đông, họ cùng hò reo, hát, múa xung quanh những mâm cỗ trong khi thầy cúng làm nhiệm vụ cúng tạ tổ tiên. Du khách đến chứng kiến phục dựng lễ Gạ Ma Thú được người dân mời vào cùng hát múa. Theo quan niệm của dân tộc Hà Nhì, phần cúng bản có sự tham gia của nhiều người thì càng vui, khí thế và nhận được nhiều lời chúc tốt đẹp hơn.

Kết thúc phần cúng bản, lễ vật trên các mâm lễ cúng được chia cho những người cùng tham dự. Sau đó người dân và du khách cùng chung vui thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc Hà Nhì.

Tuy là phục dựng lại, nhưng khi được tham dự phần cúng bản trong không khí tưng bừng, phấn khởi, nhiều khách du khách đều cảm thấy như được dự lễ Gạ Ma Thú thật sự. Chị Nguyễn Thị Dung, du khách đến từ Thủ đô Hà Nội lần đầu được chứng kiến chia sẻ: “Nếu không được biết là phục dựng lại, tôi cứ ngỡ đây là chính lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì ở Ðiện Biên. Tham dự lễ, tôi được mặc thử trang phục Hà Nhì, múa những vũ điệu truyền thống với bà con, được tặng những món quà như: giỏ đan, túi len đựng trứng nhuộm đỏ, thức ăn... do người dân tộc Hà Nhì tự tay làm, tôi rất ấn tượng”.

 

Các hoạt động vui chơi của người dân tộc Hà Nhì trong Lễ Gạ Ma Thú. Ảnh: Phương Liên

Những trò chơi truyền thống của dân tộc Hà Nhì như: Ðánh đu, bập bênh, đu quay, ném còn, đánh cù... là hoạt động diễn ra cuối cùng trong buổi phục dựng lễ Gạ Ma Thú. Thực tế hoạt động này diễn ra vào ngày thứ 3, ngày cuối cùng của lễ Gạ Ma Thú. Trong ngày này, người dân tộc Hà Nhì sẽ dừng hết các hoạt động lao động khác để vui chơi, tụ hội với nhau. Trong không gian của bản văn hóa A Pa Chải, các trò chơi dân gian diễn ra sôi nổi, khí thế, nhận được sự cổ vũ của đông đảo người dân và du khách. Mang đến cảm nhận về sự đoàn kết, gắn bó keo sơn, hòa hợp của người Hà Nhì.

Là người con sinh ra, lớn lên trên mảnh đất cực Tây, ông Pờ Diệp Sàng, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Nhé chia sẻ: “Lễ Gạ Ma Thú đáp ứng nhu cầu tâm linh của cộng đồng, cầu mong sự che chở của các vị thần linh, tổ tiên, dòng tộc cho cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc; xua tan nỗi ưu tư, phiền muộn trong cuộc sống. Ðồng thời nhắc nhở, răn dạy con cháu biết ơn, tôn kính các vị thần, tổ tiên... có công khai phá, bảo vệ bản mường. Chính vì thế Lễ Gạ Ma Thú đã góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời, giúp kết nối cộng đồng, tăng cường khối đoàn kết dân tộc. Từ ngày còn nhỏ đến nay, năm nào tôi cũng được tham dự lễ Gạ Ma Thú đầy đủ, đúng bản sắc của dân tộc Hà Nhì. Lễ tục này là lễ tục quan trọng nhất đối với dân tộc Hà Nhì chúng tôi. Ðiều vui mừng nhất là tháng 1/2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ Gạ Ma Thú là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top