Ðến với bài thơ hay

Cánh cửa nhớ bà

09:10 - Thứ Năm, 27/06/2019 Lượt xem: 14262 In bài viết

Ngày cháu còn thơ bé

Cánh cửa có hai then

Cháu chỉ cài then dưới

Nhờ bà cài then trên


Mỗi năm cháu lớn lên

Bà lưng còng cắm cúi

Cháu cài được then trên

Bà chỉ cài then dưới

 

Nay cháu về nhà mới

Bao cánh cửa ô trời

Mỗi lần tay đẩy cửa

Lại nhớ bà không nguôi.

Ðoàn Thị Lam Luyến

 

Lời bình

Lại nhớ bà không nguôi

Nhà thơ Ðoàn Thị Lam Luyến là nữ sĩ có nhiều bài thơ viết rất hay về người phụ nữ nói chung cũng như người bà, người mẹ nói riêng. Thơ chị giản dị, mộc mạc về ngôn từ nhưng lại sâu lắng và đằm thắm về cảm xúc, nhờ đó chất trữ tình dễ lắng đọng ngân nga nơi trái tim người đọc. Một số bài thơ như Khát vọng; Chồng chị, chồng em; Lỡ một thì con gái... là những tác phẩm rất hay của chị trong thời gian gần đây. Riêng mảng thơ viết cho thiếu nhi, Cánh cửa nhớ bà vẫn là bài thơ chiếm tình cảm đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhiều thế hệ tuổi thơ.

Toàn bộ bài thơ là một câu chuyện kể của cháu về người bà mà suốt tuổi thơ mình yêu thương, gắn bó. Câu chuyện ấy xoay quanh cánh cửa của ngôi nhà hai bà cháu đã từng sống bên nhau suốt những tháng năm yên ấm. Với cháu, đó có lẽ là quãng thời gian êm đềm và hạnh phúc nhất cuộc đời mình.

Trước đây, ngôi nhà ở miền quê thường không kín cổng cao tường như bây giờ, phần lớn rất đơn sơ, mộc mạc. Cánh cửa ngôi nhà thường được làm bằng ván gỗ, có then cài lại cũng thường bằng một thanh gỗ nhỏ. Nếu muốn chắc chắn hơn, người ta thường làm ở cánh cửa chính có hai then cài, một then cao phía trên gần đầu khung cửa, một then phía dưới nằm gần bục cửa. Vì vậy, trong bài thơ này, nhà thơ mới kể chuyện người cháu đóng cửa phải nhờ bà cài giúp then trên, bởi lúc đó cháu bé quá chỉ cài được cái then phía dưới:

Ngày cháu còn thơ bé

Cánh cửa có hai then

Cháu chỉ cài then dưới

Nhờ bà cài then trên

Hóa ra, nhờ cháu không với tay tới then trên mới có chuyện bà giúp cháu đóng được cánh cửa, tình cảm bà cháu do đó mỗi ngày một thêm sâu đậm. Nhà thơ Ðoàn Thị Lam Luyến, vẫn với giọng thơ nhỏ nhẹ như thủ thỉ kể lại câu chuyện lòng của mình thời thơ ấu mà vẫn khiến chúng ta vô cùng xúc động. Xúc động vì thương bà quá, trong khi mình mỗi ngày một lớn khôn hơn thì người bà lưng lại còng xuống, "cắm cúi" như một dấu hỏi muôn đời không sao trả lời được:

Mỗi năm cháu lớn lên

Bà lưng còng cắm cúi

Cháu cài được then trên

Bà chỉ cài then dưới

Cũng vẫn câu chuyện cài then, đóng cửa nơi ngôi nhà của hai bà cháu nhưng sao giờ đây lại trái ngược hoàn toàn. Cháu cài được then cửa trên, nhưng bà thì không bao giờ với tới được nữa. Năm tháng vô tình đi qua, lưng bà đã còng xuống đến "cắm cúi" trông thật tội nghiệp. Người cháu thầm thì kể chuyện mà người đọc nhận ra bao nỗi xót xa và tình thương bà trào dâng mãnh liệt. Tưởng như chẳng có điều gì, song quy luật khắc nghiệt ấy vẫn khiến lòng cháu không yên, day dứt đến bàng hoàng.

Bài thơ vẫn chưa dừng lại ở chuyện cài then, đóng cửa mỗi đêm về khi bà và cháu đi ngủ. Nếu cứ như vậy mãi thì nỗi buồn thương, xót xa của người cháu kia rồi sẽ quen dần theo thời gian. Nhưng không, qua bài thơ này, nhà thơ Ðoàn Thị Lam Luyến muốn khắc sâu hơn nỗi mất mát, đau đớn đến nghẹn lòng khi người bà yêu quý nhất của đời mình đã không còn nữa. Không nói chuyện bà qua đời, bà về bên kia thế giới xa xăm, chỉ với một động thái nhỏ là ngày người cháu về nhà mới, ngôi nhà chắc là khang trang, xinh đẹp và hiện đại lắm mới có cửa ô trời, không phải cài then trên, then dưới nữa mà vẫn có thể an toàn ở trong hay rất dễ ngắm nhìn trời xanh mây trắng, tác giả chợt giật mình nhớ hình ảnh người bà một thời thơ dại mình đã yêu thương, gần gũi. Mỗi lần đẩy tấm cửa gương nhìn ra khoảng không bao la, lòng người cháu lại quặn thắt nhớ thương bà không nguôi:

Nay cháu về nhà mới

Bao cánh cửa ô trời

Mỗi lần tay đẩy cửa

Lại nhớ bà không nguôi.

Bài thơ Cánh cửa nhớ bà của nhà thơ Ðoàn Thị Lam Luyến đã thực sự đánh động vào tâm hồn chúng ta về sự vận hành khắc nghiệt của thời gian. Năm tháng đi qua, nhiều niềm vui và hạnh phúc đến với mỗi người, nhưng cũng có nghĩa là sẽ lấy đi của chúng ta biết bao điều quý báu, biết bao tình yêu thương máu mủ ruột rà. Vì vậy đọc xong bài thơ, các em hãy biết yêu thương, kính trọng người bà của mình, vì bà sẽ không sống lâu trên trần gian này mãi với mỗi chúng ta.

Lê Thành Văn
Bình luận
Back To Top