Nhiều chương trình nghệ thuật hướng tới Ngày Thương binh - Liệt sĩ

09:44 - Thứ Năm, 25/07/2019 Lượt xem: 9079 In bài viết
Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2019), nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật được tổ chức để tri ân, tưởng nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập dân tộc.

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Màu hoa đỏ”

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Màu hoa đỏ” lần thứ 12 năm 2019 sẽ được tổ chức vào lúc 20h ngày 25-7 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. Đây là hoạt động thường niên do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, nhằm tri ân các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

 

Chương trình nghệ thuật "Màu hoa đỏ".

Chương trình gồm 3 chương: "Hồn thiêng sông núi", "Đất mẹ anh hùng", "Vinh quang Việt Nam". Đây là “bản hợp xướng” tái hiện những ký ức bi hùng về một thời hoa lửa nơi tiền tuyến và hậu phương.

Trong chương trình, cùng với nội dung giao lưu đặc sắc, khán giả sẽ được thưởng thức những ca khúc "đi cùng năm tháng" như: “Màu hoa đỏ”, “Đồng đội”, “Hát về anh”, “Miền xa thẳm”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Em vẫn đợi anh về”, “Đất nước”, “Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam”, “Tổ quốc gọi tên mình”, “Khám phá”, “Việt Nam ơi”…

Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Đăng Dương, Lan Anh, Lê Anh Dũng, Thu Hà; các nhóm OPlus, Dòng thời gian, Cát Tiên, vũ đoàn Lavender…

Trong khuôn khổ chương trình giao lưu nghệ thuật, Ban tổ chức còn trao tặng những món quà ý nghĩa đến các thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam anh hùng và người có công với cách mạng.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.

Triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai”

Triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai” của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là một hoạt động tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của Tổ quốc. Triển lãm không kể nhiều về chiến công của người đã mất mà diễn tả sự day dứt của người còn sống khi ký ức đã nhạt nhòa theo năm tháng.

Ban tổ chức cho biết, trong một tháng qua, một nhóm sinh viên của Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội đã đến từng gia đình liệt sĩ ở làng Lai Xá, nghe người thân kể những câu chuyện về các liệt sĩ và tìm kiếm các kỷ vật của các liệt sĩ để thực hiện triển lãm. 

Thông qua triển lãm này, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mong muốn đưa đến một thông điệp: Cộng đồng hãy tiếp tục ghi lại những ký ức đang dần phai nhạt theo thời gian, sưu tầm, lưu giữ thật tốt những tấm ảnh quý về các Anh hùng liệt sĩ.

Triển lãm “Ký ức liệt sĩ làng Lai” tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) mở cửa từ ngày 25-7 đến hết tháng 9.

Chương trình xiếc đặc biệt “Đi cùng năm tháng”

Nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng chương trình xiếc đặc biệt với chủ đề “Đi cùng năm tháng”, với mục đích giáo dục truyền thống cho giới trẻ.

 

Chương trình xiếc "Đi cùng năm tháng".

Chương trình “Đi cùng năm tháng” do NSƯT Tống Toàn Thắng viết kịch bản và dàn dựng, với sự tham gia của 2 đoàn biểu diễn thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Bằng ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng được khắc họa chân thực, cụ thể nhưng không kém phần lãng mạn. 

NSƯT Tống Toàn Thắng cho biết, các hoạt cảnh về người chiến sĩ cách mạng được thể hiện bằng nhiều loại hình của xiếc như: Đu bay, nhào lộn, thăng bằng, đu dây, sức mạnh đôi tay, xiếc thú… Mở đầu chương trình là hoạt cảnh “Cúc ơi” tưởng nhớ 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc; tiếp đến là các hoạt cảnh “Huyền thoại mẹ”, “Lê Anh Nuôi”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Tây Nguyên đại ngàn”…

Trong chương trình, nhiều ca khúc cách mạng được sử dụng để làm nổi bật chủ đề về người chiến sĩ Việt Nam. 

Chương trình VTV Đặc biệt “Đường về” 

Chương trình VTV Đặc biệt tháng 7 là bộ phim tài liệu “Đường về”, lên sóng VTV1 vào tối 24-7, mang đến những câu chuyện cảm động về người mẹ trong hành trình tìm mộ liệt sĩ. 

 

Hình ảnh trong phim tài liệu "Đường về".

Năm 2002, sau nhiều năm tìm kiếm, mẹ Lưu Thị Hinh ở Ninh Bình tìm được hài cốt của người con trai - liệt sĩ Đinh Duy Tuân, tại An Giang. Vì nhiều lý do, gia đình để phần mộ anh lại đây và lập bàn thờ, thờ từ xa.

Năm 2018, đến thắp hương tại mộ, gia đình mẹ Hinh mới biết hài cốt đã không còn ở đó 8 năm nay, mà được gia đình mẹ Hà Thị Xuân cùng quê Ninh Bình chuyển về xây cất tại nghĩa trang dòng họ ở địa phương.

Hai bà mẹ 83 tuổi đã phải đứng trước quyết định đau xót: Khai quật mộ để xét nghiệm ADN. Thế nhưng, điều xót xa nhất không chỉ nằm ở đó...

Lựa chọn đề tài tìm mộ liệt sĩ, nhưng không đi theo hướng khai thác những vấn đề cũ, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư quyết định chọn một hướng đi riêng, kể về câu chuyện nhầm lẫn khá hy hữu của hai bà mẹ liệt sĩ có con cùng tên, cùng quê quán, nhập ngũ cùng năm, hy sinh cùng năm, chỉ khác họ và tên đệm.

Theo đuổi đề tài hơn một năm, vượt qua nhiều khó khăn và nghi ngại của gia đình các nhân vật, đạo diễn Quỳnh Tư và ê kíp đã ghi lại được những thước phim sống động, mô tả chân thực diễn biến tâm lý của gia đình hai bên, đặc biệt là hai bà mẹ trong quá trình tìm lại con.

Với nhiều chi tiết đắt giá, những hình ảnh chân thực, VTV Đặc biệt “Đường về” mang đến lát cắt khác về những mất mát, hy sinh của nhiều gia đình liệt sĩ.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top