Ðể hiện vật văn hóa có sức sống và phát huy giá trị

08:20 - Thứ Sáu, 09/08/2019 Lượt xem: 9336 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh miền núi với 19 dân tộc cùng chung sống, Ðiện Biên có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng. Ðể góp phần bảo tồn các di sản ấy cho thế hệ mai sau, công tác sưu tầm, lưu trữ, trưng bày các hiện vật thuộc lĩnh vực này đóng vai trò rất quan trọng. Ðây cũng là hoạt động thường xuyên được Bảo tàng tỉnh quan tâm thực hiện và chú trọng đổi mới cách thức để phát huy hơn nữa giá trị các hiện vật, góp phần gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

 

Du khách tham quan triển lãm “Giới thiệu và trải nghiệm nghề dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Ðiện Biên” do Bảo tàng tỉnh tổ chức tại Lễ hội Hoa Ban năm 2019. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tháng 3 - 6 hàng năm là thời gian các cán bộ Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm (Bảo tàng tỉnh) thực hiện các chuyến điền dã, về cơ sở, tiến hành khảo sát tại các địa phương trong tỉnh để tìm hiểu, thu thập, sưu tầm hiện vật liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng văn hóa các dân tộc. Từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 259 hiện vật các dân tộc cùng nhiều tư liệu hình ảnh, video và tổ chức, tham gia phục dựng một số lễ hội, nghi thức dân gian. Số hiện vật không phải là ít nhưng vẫn khiêm tốn so với kho tàng văn hóa cổ truyền, đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng các dân tộc. Nguyên nhân bởi quá trình giao thoa văn hóa cùng cuộc sống phát triển đã làm văn hóa các dân tộc ít nhiều bị mai một. Các hiện vật như: Dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng sử dụng trong nghi thức, lễ hội dân gian, trang phục, nhạc cụ dân tộc, tài liệu về ngôn ngữ… của các dân tộc cũng mai một theo, không còn tồn tại hoặc không còn tính nguyên gốc để sưu tầm. Hơn nữa, trong quá trình sưu tầm, nhiều hiện vật phải mua, sau khi thương thảo với chủ sở hữu về giá bán hiện vật, cán bộ bảo tàng trở về làm hồ sơ trình lãnh đạo đơn vị và chờ hội đồng khoa học phê duyệt (thường thì cuối năm mới tổ chức 1 đợt phê duyệt mua hiện vật cho Bảo tàng). Trong thời gian ấy, chủ sở hữu có thể đổi ý không bán nữa hoặc hiện vật bị mất, hư hỏng do người dân sử dụng và bảo quản không cẩn thận, không đúng cách. Bà Vũ Thị Thu Loan, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu - Sưu tầm lý giải: “Các hiện vật dân tộc gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân. Bà con đơn thuần chỉ sử dụng những món đồ quen thuộc ấy mà không nghĩ đến việc lưu giữ, bảo tồn nên hiện vật thường không còn nguyên gốc. Nhưng đổi lại, động lực trong quá trình làm công tác sưu tầm của chúng tôi là đa số người dân nhiệt tình, tích cực phối hợp. Khi được giải thích, hiểu ý nghĩa của việc lưu trữ, trưng bày hiện vật, người dân rất ủng hộ, sẵn sàng cho đi cả những đồ vật yêu thích, có giá trị”.

Bà Loan kể cho chúng tôi nghe về chuyến sưu tầm hiện vật liên quan đến dân tộc Phù Lá tại huyện Tủa Chùa vào năm 2018. Ở địa bàn tỉnh ta, không còn những khu dân cư đông đúc của người Phù Lá. Tại bản Kép, xã Mường Ðun cũng chỉ còn vài hộ Phù Lá sống xen kẽ với các dân tộc khác. Ðoàn sưu tầm được cán bộ xã dẫn đến từng hộ người Phù Lá nhưng không tìm được hiện vật nào còn nguyên gốc, từ trang phục đến đồ dùng lao động, sản xuất đều bị ảnh hưởng của dân tộc khác. Dừng chân tại nhà bà Vì Thị Sỏi, may mắn đoàn được bà cho biết còn giữ 1 bộ trang phục truyền thống dân tộc từ nhiều năm trước (bộ đồ còn mới, nguyên vẹn). Mặc dù bà không mặc đến nhưng đây là món quà kỷ niệm do người em gái tặng lúc còn trẻ nên bà muốn giữ lại. Các cán bộ sưu tầm tỉ tê trò chuyện, thuyết phục, cuối cùng bà đồng ý trao cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày, bảo tồn văn hóa.

Sau khi sưu tầm, để hiện vật thực sự “sống” và phát huy giá trị còn nhiều việc phải làm, trong đó có công tác trưng bày để đông đảo người dân biết đến các nét văn hóa cổ truyền đặc sắc từ đó bồi dưỡng tình yêu, lòng tự hào và ý thức gìn giữ, bảo vệ, lưu truyền. “Tuy nhiên, thực tế từ nhiều năm nay, Nhà Trưng bày Bảo tàng tỉnh đang đặt tạm tại kho hiện vật lòng hồ Thủy điện Sơn La nên diện tích nhỏ hẹp, không bài trí được nhiều và hạn chế thu hút khách tham quan” - Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Trưởng phòng Trưng bày và Tuyên truyền cho biết. Trong không gian Nhà Trưng bày hiện đang giới thiệu 200 hiện vật và 15 tư liệu ảnh về bản sắc văn hóa các dân tộc, được sắp đặt theo 4 nhóm ngôn ngữ: Tày - Thái, Mông - Dao, Mông - Khơ Me, Tạng - Miến. Năm 2018, Nhà Trưng bày chỉ đón 752 lượt khách. Năm 2019, với nhiều sự kiện lớn của tỉnh, từ đầu năm đến nay, Nhà Trưng bày đón gần 1.300 lượt khách. Ðể khắc phục khó khăn đó, Bảo tàng tỉnh đã đa dạng hóa hình thức, làm mới hoạt động trưng bày với các đợt trưng bày lưu động nhân các sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch, các ngày lễ lớn. Bà Nguyễn Thị Thúy Hà cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Bảo tàng tỉnh đã trưng bày lưu động 4 cuộc, trong đó có 2 cuộc trưng bày nhiều hiện vật văn hóa, đó là triển lãm “Dấu ấn Ðiện Biên Phủ và văn hóa du lịch Tây Bắc” tại tầng trệt nhà trưng bày Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ vào dịp tết dương lịch. Triển lãm “Giới thiệu và trải nghiệm nghề dệt, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Ðiện Biên” tại không gian Phiên chợ vùng cao thuộc Lễ hội Hoa Ban năm 2019. Ðối với cuộc triển lãm thứ 2, Bảo tàng tỉnh không chỉ trưng bày 20 hiện vật và 10 hình ảnh về văn hóa, trang phục, vải truyền thống của các dân tộc Thái, Mông, Dao, Lào mà còn mời nghệ nhân, phụ nữ thuần thục thêu thùa, dệt vải các dân tộc đến thực hành, trình diễn cho du khách tham quan và tham gia trải nghiệm. Với không gian truyền thống thu hút, hấp dẫn, triển lãm đã đón khoảng 4.000 lượt khách. Dự kiến vào tháng 10 năm nay, nhân sự kiện Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái toàn quốc lần thứ II được tổ chức tại tỉnh ta, Bảo tàng tỉnh sẽ tổ chức triển lãm lưu động “Về với Mường Then” với nhiều hình ảnh, hiện vật về đời sống văn hóa dân tộc Thái trên địa bàn. Nhân Ðại hội Ðại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh (dự kiến tổ chức vào cuối năm), Bảo tàng tỉnh cũng lên kế hoạch trưng bày các hiện vật về đời sống văn hóa, tâm linh, lao động sản xuất của các dân tộc trên địa bàn.

Ðể các hiện vật với những giá trị của nó sống mãi cùng thời gian là vấn đề không hề đơn giản. Mặc dù Bảo tàng tỉnh đã cố gắng và đổi mới hình thức hoạt động để làm tốt nhiệm vụ nhưng cần nhiều hơn nữa trách nhiệm “không của riêng ai” để cùng tham gia xây dựng, gìn giữ, bảo tồn các hiện vật nói chung, hiện vật văn hóa dân tộc nói riêng, xứng đáng với lịch sử và nguồn cội.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top