Gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống dân tộc Thái

08:34 - Thứ Hai, 12/08/2019 Lượt xem: 10186 In bài viết
ĐBP - Dân tộc Thái chiếm gần 38,4% dân số toàn tỉnh. Những năm gần đây đời sống của cộng đồng người Thái có nhiều đổi thay; mặc dù chịu sự tác động của nếp sống hiện đại, nhưng bà con luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

 

Lụ lệnh bày mâm cúng trong Ngày hội “Kin Pang Một” người Thái trắng Tủa Chùa.

Chúng tôi có dịp về huyện vùng cao Tủa Chùa, vào những ngày người Thái trắng nơi đây đang háo hức, chuẩn bị cho Ngày hội “Kin pang”. Ðây là lễ cúng do những người làm Mo, làm Then đứng ra tổ chức để cầu bình an, phúc lộc cho gia đình và bà con dân bản, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, cuộc sống no ấm. Ông Lò Văn Nắm, Chủ tịch UBND xã Mường Báng, cho biết: Với người Thái trắng ở Tủa Chùa thì hội “Kin pang” không thể thiếu tiếng Pí (nhạc cụ dân gian của người Thái, dùng trong các nghi thức cúng) và các trò chơi mô phỏng con trâu cày ruộng. Hội “Kin pang” là nét văn hóa tâm linh đã có từ lâu đời, được cha ông để lại cho con cháu. Ðể bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trong ngày hội “Kin pang” ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, xã sẽ tích cực vận động các vị cao niên, già làng, trưởng dòng họ bảo tồn và truyền dạy cho con cháu.

Dân tộc Thái có chữ viết riêng, nên kho tàng văn học dân gian rất đa dạng, phong phú, như: Truyền thuyết, ca dao, truyện thơ, văn học, dân ca… Kho tàng văn hóa này có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Ông Lò Văn Thâng, tổ dân phố 14, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: Trải qua 10 năm thu thập tài liệu, tôi đã lưu giữ hàng trăm tư liệu về văn hóa dân tộc Thái phục vụ cho việc xuất bản sách. Trong đó, có nhiều tư liệu về chữ viết dân tộc Thái. Mặc dù, hiện nay người Thái ở Ðiện Biên chiếm thứ 2 dân số toàn tỉnh nhưng những người biết tiếng nói và chữ viết của dân tộc Thái không nhiều, nhất là thế hệ trẻ.

Cũng theo ông Thâng, trong tỉnh hiện chỉ còn một số cộng đồng người Thái ở các bản như: Noong Chứn, Hoong En (phường Nam Thanh), Him Lam 2 (phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ); một số cá nhân ở thị xã Mường Lay, huyện Mường Ảng là có tài liệu nghiên cứu về chữ viết, tiếng nói của người dân tộc Thái. Với tâm huyết phục dựng cuốn sách về bảo tồn chữ viết, tiếng nói của dân tộc Thái để truyền dạy cho thế hệ sau, nên ông Thâng đã dày công nghiên cứu và biên soạn thành công 3 cuốn sách tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cho Sở Giáo dục và Ðào tạo. Ðồng thời, ông cũng tham gia nhóm nghiên cứu biên soạn, chỉnh sửa thống nhất chữ, bộ vần âm, một số điểm kết cấu theo hệ ngữ âm của dân tộc Thái.

Bà Lò Thị Kim, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa - văn nghệ dân gian dân tộc Thái Ðiện Biên (Trung tâm Văn hóa tỉnh) cho biết: “Văn hóa dân tộc Thái ở Ðiện Biên rất đa dạng, phong phú mang lại nhiều giá trị tinh thần quý báu đối với các thế hệ trẻ người Thái, như: Cưới hỏi, tang lễ, tạ ơn, xên mường...”. Những năm gần đây, do đời sống của bà con đã khấm khá hơn, nhất là người Thái đã dần giao thoa, kết hôn với người dân tộc khác, không sinh sống theo phong cách của người Thái xưa nên một số phong tục, tập quán đang dần bị mai một. Do vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thái chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng những tiểu luận, sách tham khảo về bảo tồn văn hóa truyền thống người Thái với hi vọng những nghiên cứu đó sẽ hữu ích cho thế hệ trẻ trong công cuộc bảo tồn văn hóa người Thái.

Là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, nên để bảo tồn văn hóa Thái gắn với hoạt động du lịch, Ðiện Biên đã hình thành nhiều bản du lịch của người Thái, như: Bản Noong Chứn, bản Mển, Him Lam 2... Cùng với đó, tỉnh đang hỗ trợ các bản văn hóa khôi phục, dàn dựng các điệu múa dân gian truyền thống dân tộc Thái; bảo tồn và phát huy một số loại hình dân ca, dân vũ và nhạc cụ dân tộc; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa kết hợp các trò chơi dân gian và môn thể thao dân tộc chào mừng kỷ niệm các ngày lễ, tết... Hi vọng rằng, với sự quan tâm của tỉnh, nhất là sự nỗ lực lưu giữ của các nghệ nhân, người có uy tín, bản sắc văn hóa dân tộc Thái sẽ tiếp tục được các thế hệ sau kế thừa và phát triển.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top