Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra

09:21 - Thứ Tư, 28/08/2019 Lượt xem: 9394 In bài viết

Chiều ngày 27-8, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra”. Hơn 100 nhà khoa học, đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan Trung ương, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức tôn giáo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn khoa học Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra.

Tập tục mai táng truyền thống đã và đang bộc lộ nhiều bất cập

Tập quán mai táng của người Việt Nam gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần, tâm linh, tôn giáo của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ; ở mỗi vùng, miền, mỗi tộc người đều có những lễ thức mai táng khác nhau. Đây không chỉ là nghi thức, trách nhiệm mà là đạo nghĩa của người sống dành cho người thân về với tổ tiên ông bà. Điều đó lý giải tại sao người ta dành nhiều sự quan tâm đặc biệt về cả tinh thần, vật chất cho sự kiện quan trọng này. Tuy nhiên, tập tục mai táng truyền thống của người Việt Nam đã và đang bộc lộ nhiều bất cập gây những ảnh hưởng không nhỏ về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Nhiều vấn đề có tính thời sự xung quanh chuyện mai táng cần có lời giải. Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra” được tổ chức để tìm lời giải cho những vấn đề đó.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ hiện tượng: “Từ nhiều đời người Việt có phong tục tập quán về việc cần làm với người đã mất. Ngày nay do điều kiện kinh tế tốt hơn nên mọi người có nhiều điều kiện thể hiện tâm nguyện hơn. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là các quy định chính sách còn chưa đồng bộ chặt chẽ nên dẫn đến hiện tượng tự phát - và có thể dùng từ đua tranh - trong ma chay và xây dựng mồ mả. Thậm chí một số nơi còn “sáng tác” một số “chuẩn mực” về tang lễ, mồ mả, mai táng ganh đua vì những mối quan hệ giữa người sống chứ không phải vì truyền thống tốt đẹp. Tập quán an táng của người Việt, đến nay không chỉ còn là chuyện của xã hội mà còn là chuyện lớn về môi trường đất đai và đô thị”. Phó Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học Việt Nam nói chung và đặc biệt là hai Viện Hàn lâm Khoa học xã hội và Công nghệ cần có những nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn, hội thảo để có thể có những khuyến nghị, tư vấn với các cấp quản lý giải quyết toàn diện và triệt để những vấn đề về mai táng trlng xã hội hiện đại, một mặt vẫn bảo lưu được phong tục tập quán của dân tộc, một mặt vẫn có tinh thần văn minh tiết kiệm.

Mai táng đang là vấn đề xã hội bức thiết cần nhiều hướng giải quyết

Mai táng trước hết là công việc của cá nhân, gia đình, dòng họ nhưng đã vượt ra khỏi phạm vi một gia đình, một dòng họ. Trên thực tế, ganh đua trong việc xây dựng mồ mả to, đẹp như “thành phố dành cho người chết” ở một số địa phương gây những dư luận xã hội trái chiều, đòi hỏi cần phải có những quy định cụ thể, thiết thực và phù hợp điều kiện thực tế, phong tục, tập quán, văn hóa. Ở các đô thị lớn, nơi chôn cất, kinh phí, thủ tục cho việc mai táng người chết trở thành vấn đề lớn không chỉ của các cá nhân, gia đình mà của cả xã hội. Khi gia đình có người chết, việc lựa chọn hình thức an táng (địa táng hay hỏa táng, nơi chôn cất hay lưu giữ tro cốt ở đâu) … là việc đại sự. Ở khu vực nông thôn, nhiều gia đình có người chết phải giải quyết vấn đề người xa quê thì có được mang thi hài/hài cốt/tro cốt về quê mai táng không? Người nghèo từ nơi khác đến có đủ tiền để mua suất đất ở khu nghĩa trang để an táng không?

Theo kết quả nghiên cứu của các ngành khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội học,... tập quán mai táng của người Việt Nam đã tồn tại nhiều hình thức khác nhau, phổ biến là địa táng sau đến hỏa táng và thiên táng. Địa táng là hình thức phổ biến, nhất là vùng đồng bằng, đô thị lớn. Những năm gần đây mật độ dân số tăng, quỹ đất ngày càng thu hẹp, tình trạng các nghĩa trang quá tải đã và đang diễn ra làm cho môi trường đất, nước ở khu vực gàn nghĩa địa bị ô nhiễm nặng là nỗi ám ảnh, tác động xấu đến sức khỏe của người dân sinh sống trong khu vực.

Hỏa táng là một hình thức an táng có từ thời Hùng Vương. Thời Trần, phương thức hỏa táng đã trở thành một hiện tượng trong đời sống xã hội. Và hiện nay tục hỏa táng vẫn khá thịnh hành ở người Thái đen, người Khơme. Những năm gần đây, hỏa táng đã trở nên phổ biến hơn, nhất là ở vùng đô thị lớn và có xu hướng phát triển nhanh trong những năm sắp tới do sức ép đất đai dùng để chôn cất đang cạn kiệt và cũng do sự chuyển biến về nhận thức của người dân theo lối sống thời hiện đại. Đây là hình thức an táng tiết kiệm chi phí, tiết kiệm đất chôn cất, giản tiện hơn về thủ tục, dễ thăm viếng, chăm sóc và thân thiện với môi trường. Cùng với việc đề xuất thực hiện những hình thức mai táng văn minh và hợp với môi trường, việc quy hoạch đất đai cho nghĩa trang cùng là chủ đề hết sức phức tạp được nhiều tham luận và ý kiến phát biểu đề cập. Các nghĩa trang liệt sĩ ngoài việc là nơi yên nghỉ và của các liệt sĩ cũng nên được mở rộng công năng như một địa điểm giáo dục truyền thống lịch sử và tri ân các thế hệ cha ông

Đảng, Nhà nước đã có nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương, quy định như: Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 12-1-1998 của Bộ chính trị, Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội hay Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 25-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tuy nhiên việc thực hiện những chủ trương, quy định này vẫn chưa có hiệu quả như mang đợi. Tập quán mai táng của người Việt Nam là một vấn đề phức tạp và khá nhạy cảm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đây là vấn đề xã hội, liên quan tới truyền thống, không chỉ bằng quy định pháp luật hay chính sách kinh tế mà còn cần nghiên cứu đầy đủ khía cạnh văn hóa xã hội rồi phối hợp các giải pháp thì mới có thể có được chuyển biến tích cực. Một mặt phải có quy định pháp luật về những gì không được làm và có chính sách hỗ trợ về kinh tế khi lựa chọn thực hiện hình thức được khuyến khích. Đặc biệt phải phát huy vai trò tích cực của các tổ chức tôn giáo, xã hội để định hướng tạo đồng thuận cho nhân dân để thực hiện tốt chính sách. Việt Nam có trên 50 dân tộc anh em. Tập quán sống cũng như tập quán mai táng hoàn toàn khác nhau vì thế nên cũng không thể máy móc đòi hỏi có chính sách chung cho tất cả”.

Những kết quả của Diễn đàn khoa học “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra” sẽ là cơ sở để kiến nghị Đảng, Nhà nước xây dựng chính sách, quy định về lĩnh vực an táng phù hợp truyền thống văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường trong bối cảnh mới.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top