Nhớ về Bác qua từng nét vẽ

10:00 - Thứ Sáu, 30/08/2019 Lượt xem: 9132 In bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại, người Cha già kính yêu của dân tộc luôn là nguồn cảm hứng sáng tác cho lớp lớp thế hệ nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Những tác phẩm hội họa về Người luôn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng.

Bác đi công tác, tranh của họa sĩ Trần Đình Thọ.

Nhớ về Bác

Nhớ về Bác là tên triển lãm mỹ thuật đặc biệt mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dành tặng cho công chúng vào ngày 30-8. Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm nghệ thuật đa dạng về thể loại, từ hội họa, đồ họa, điêu khắc đến áp phích, được sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau như: Sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, màu nước... thể hiện một cách sinh động, phong phú hình tượng Bác Hồ.

Bên cạnh chân dung Bác với vầng trán cao, ánh mắt sáng, chòm râu bạc, nụ cười hiền được các họa sĩ thể hiện chân thực, dung dị qua những tác phẩm như: Chân dung Bác của Trần Văn Cẩn, Bác Hồ của Lê Lam, Hồ Chủ tịch của Nguyễn Thế Vinh, Chân dung Bác Hồ của Song Hỷ..., công chúng hôm nay còn được gặp lại Bác trong những khung cảnh, câu chuyện lịch sử sinh động, thể hiện rõ tác phong làm việc khoa học, tầm vóc trí tuệ của Người như ở tác phẩm Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc của Nguyễn Văn Tỵ, Bác đi công tác của Trần Đình Thọ... Cuộc sống, phong cách giản dị của Người cũng truyền cảm hứng lớn cho các họa sĩ, thể hiện qua những tác phẩm như Nhà Bác ở Phủ Chủ tịch của Lương Xuân Nhị, Nhà Bác ở Kim Liên - Nghệ An của Trần Văn Cẩn.

Nhiều tác phẩm còn tập trung khai thác một cách tinh tế những cung bậc cảm xúc của Bác, qua đó xây dựng hình tượng Hồ Chí Minh - biểu tượng cao nhất của nhân cách và tâm hồn Việt Nam, kết tinh mọi tinh hoa của dân tộc và thời đại. Hình ảnh Người trong những đêm mất ngủ vì lo việc nước (Đêm nay Bác không ngủ của Nguyễn Nghĩa Duyện), ân cần, quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân (Bác Hồ đến thăm gia đình nông dân của Nguyễn Văn Thiện và Mai Văn Nam, Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc của Vương Trình, Bác Hồ thăm lớp vỡ lòng của Đỗ Hữu Huề...) và tình cảm của đồng bào cả nước hướng về Bác thể hiện qua rất nhiều tác phẩm hội họa xuất sắc thực sự khiến người xem xúc động.

Nhớ về Bác là một triển lãm đặc biệt, có tính xâu chuỗi những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu về Người trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Đó có thể là những tác phẩm được vẽ thần tốc ngay trong chiến trường, hay những tác phẩm được thực hiện qua nhiều năm. Làm nên những bức họa đó là 39 họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc nhiều thế hệ, từ các nghệ sĩ tạo hình trưởng thành dưới mái trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ đến lớp họa sĩ mỹ thuật kháng chiến như Lê Lam và các thế hệ sau như Nguyễn Thế Vinh, Hoàng Đạo Khánh, Trần Hữu Chất... Trong đó, có họa sĩ được vinh dự gặp Bác nhưng cũng có người chỉ vẽ Bác qua tưởng tượng. Điều đó đã chứng minh, Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng lớn của hội họa Việt Nam hiện đại. Riêng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đang lưu giữ hàng trăm bức tranh vẽ Bác, trong đó có bức thuộc hàng Bảo vật quốc gia như bức sơn mài Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc của Dương Bích Liên sáng tác năm 1980 cùng rất nhiều tranh của các danh họa hàng đầu Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Cẩn...

Cảm hứng nhiều, thách thức lớn

Trong nhiều họa sĩ thành danh của nền hội họa Việt Nam đương đại, có người đã dành cả cuộc đời để thể hiện hình tượng Bác Hồ, nhưng ngay cả những người được coi là danh họa cũng phải thừa nhận sáng tác về Bác là một đề tài rất khó. Câu chuyện về danh họa Tô Ngọc Vân vẽ Bác năm 1946 tại Bắc Bộ phủ đến nay vẫn được nhắc đến như một giai thoại của làng hội họa. Khi đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân được Hội Văn hóa cứu quốc cử vào Bắc Bộ phủ xin vẽ Hồ Chủ tịch. Nhưng vì vẽ chậm nên ông rất lo lắng, thậm chí mất ngủ bởi vẽ Bác không thể chỉ vẽ bề ngoài mà phải thể hiện được phong thái, tâm hồn vĩ đại của người lãnh tụ.

Thế là họa sĩ bèn mạnh dạn thưa với Bác: “Thưa Bác, cháu không thể làm việc nhanh như mấy ông nhà báo, cháu xin Bác không phải ba ngày mà ba tuần liền được gần Bác mới mong vẽ được”. Hồ Chủ tịch ân cần nói: “Chú cứ yên tâm, ba tháng cũng thấy là phải, chứ nói gì ba tuần”. Câu nói thể hiện sự am tường nghệ thuật của Bác, thấu hiểu lao động của người họa sĩ đã khiến Tô Ngọc Vân vô cùng cảm động và không lâu sau đó, ông đã hoàn thành bức tranh sơn dầu nổi tiếng Bác Hồ làm việc ở Bắc Bộ phủ.

Các họa sĩ sau này cũng có chung cảm nhận ấy. Tại trưng bày Chân dung Hồ Chí Minh - Góc nhìn từ tranh cổ động diễn ra hồi tháng 5, họa sĩ Lê Nhường thừa nhận: Bác Hồ luôn là đề tài, nguồn cảm hứng bất tận để các họa sĩ sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau, nhưng thể hiện sao cho toát lên phong thái của Người thì lại là thách thức mà đến giờ các nghệ sĩ vẫn luôn khao khát vượt qua bằng cách không ngừng tìm tòi, sáng tạo.

Chính nhờ sự tìm tòi sáng tạo không ngừng của giới họa sĩ mà kho tàng tác phẩm về Bác đến nay vẫn liên tục được bổ sung, phong phú hơn, sống động hơn, góp phần chuyển tải sâu sắc tình cảm kính yêu Bác của mỗi người dân Việt Nam.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top