Sợi chỉ  tâm linh

08:32 - Thứ Năm, 05/09/2019 Lượt xem: 15106 In bài viết

ĐBP - Quan niệm con người gồm có phần hồn và phần xác là quan niệm thường thấy ở nhiều dân tộc. Một số dân tộc Tây Bắc còn có quan niệm phần hồn và phần xác con người có thể được ràng buộc bởi những sợi chỉ tâm linh. Vì vậy trong các lễ cầu may, cầu an, ta thường thấy nghi thức buộc chỉ cổ tay, mang ý nghĩa cầu cho con người sức khỏe, may mắn. Người Thái Ðiện Biên bao gồm cả nhóm Thái đen và Thái trắng đều có quan niệm vũ trụ tồn tại song song ba thế giới: Thế giới thần linh (thế giới của các Then), thế giới linh hồn (thế giới của Phi) và thế giới con người. Họ cũng quan niệm con người chúng ta tồn tại được do ta có thể xác và linh hồn luôn được ràng buộc.

Nghi thức buộc chỉ cổ tay trong Tết Bun Huột Nặm của dân tộc Lào tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên. Ảnh: Hải Yến

Với người dân tộc Thái, việc chăm lo cho phần hồn con người là rất quan trọng. Từ xa xưa người dân tộc Thái cho rằng, mỗi người đều có 80 hồn (30 hồn phía trước và 50 hồn phía sau). Tất cả các bộ phận trên cơ thể người từ đầu tóc tới chân tay đều có linh hồn. Khi linh hồn được ràng buộc khăng khít thì cơ thể con người khỏe mạnh. Khi các hồn lang thang, rời khỏi cơ thể, đi lạc bên ngoài thì con người sầu đau, ốm yếu. Bởi vậy mỗi khi có người ốm hoặc gặp chuyện rủi ro, các gia chủ thường mời thầy cúng đến làm lễ cầu an. Nghi lễ này thường được gọi là làm lý hoặc làm khuôn. Trong lễ cầu an, nghi thức quan trọng là buộc chỉ cổ tay.

Lễ cầu an của đồng bào Thái trắng ở xã Pa Ham (huyện Mường Chà) được tổ chức không mấy phức tạp. Vật phẩm dâng cúng tùy thuộc hoàn cảnh gia chủ, nếu cúng lớn gia chủ có thể cúng lợn, nếu cúng nhỏ chỉ cần có gà, cá và các loại thực phẩm thường ngày. Thầy mo mời mọi người ngồi quây quần xung quanh mâm cúng, đàn hát mời gọi thần linh, tổ tiên về nhận lễ vật và gọi hồn còn đang đi lạc đâu đó về với chủ nhân. Mọi người đều tin rằng, làm lễ cúng như thế này thần linh sẽ giúp người ốm, đau, bệnh nạn mau khỏe, linh hồn không may siêu lạc sẽ trở về với cơ thể. Sau khi cầu khấn, thầy cúng sẽ buộc chỉ vào cổ tay người ốm. Chỉ dùng để buộc cổ tay gồm hai màu đen và màu đỏ. Ðồng bào Thái quan niệm sợi chỉ đen là sợi tâm linh buộc giữ hồn với thể xác, còn sợi chỉ đỏ tượng trưng cho sự may mắn, là lời cầu chúc cho con người luôn được khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi. Ông Lò Văn Dọng ở xã Pa Ham cho biết: “Người Thái chúng tôi có quan niệm ốm đau, bệnh nạn là phải làm lễ cúng. Cúng, hát gọi hồn có ý nghĩa tinh thần là chủ yếu, giúp cho người ốm đau bệnh tật phấn chấn mà mau khỏi bệnh. Việc buộc chỉ cổ tay có màu đen là có ý nghĩa buộc giữ linh hồn không cho đi, còn màu đỏ là cầu may mắn. Màu trắng thì người ta kiêng, vì màu trắng chỉ dùng cho người chết.

Người dân tộc Lào ở Ðiện Biên cũng có nghi thức buộc chỉ cổ tay trong những ngày lễ quan trọng như Tết dân tộc, lễ cúng bản hay trong đám cưới. Bun Huột Nặm hay Tết té nước là lễ hội truyền thống quan trọng của người Lào ở Ðiện Biên cũng như trên toàn thế giới. Lễ hội này được tổ chức vào ngày 1/5 theo Phật lịch. Lễ hội này có ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và cầu may mắn, bình yên cho dân bản trong năm mới. Vào ngày đầu năm mới, bà con dân bản tập trung tại một bãi rộng bên suối để thực hiện nghi thức cúng thần nước và tổ tiên. Vật phẩm dâng cúng của họ là mâm cỗ có đầy đủ các loại hoa trái, nông sản tự nuôi trồng được, nước sạch lấy từ đầu nguồn về và vật không thể thiếu đó là những vòng chỉ sặc sỡ. Sau khi thầy cúng cùng dân bản khấn trời đất, tổ tiên, thần mưa và các vị thần sông suối về hưởng lễ vật, phù hộ cho dân bản năm mới no ấm, bình an, thầy cúng sẽ buộc chỉ cổ tay cho từng người trong bản. Khách được mời đến dự Tết té nước cũng được buộc chỉ cổ tay như một lời chúc bình an, may mắn. Người dân tộc Lào quan niệm chúc phúc cho người khác cũng chính là niềm vui, hạnh phúc của mình. Nghi thức buộc chỉ cổ tay trong lễ mừng năm mới của họ, vừa thể hiện tình cảm nồng ấm của dân bản với bạn bè, vừa thể hiện tinh thần nhân văn trong văn hóa, lối sống của một cộng đồng có tín ngưỡng dân gian mang đậm màu sắc Phật giáo. Bà Lường Sao May ở bản Na Sang I, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) giải thích: “Ý nghĩa của lễ buộc chỉ cổ tay là muốn cầu chúc cho mọi người sang một năm mới khỏe mạnh. Chỉ có nhiều màu ý cầu chúc cho nhiều tài, nhiều lộc”. Biến một vật phẩm nhỏ bé, mỏng manh như sợi chỉ thành một vật phẩm tâm linh có sức mạnh đem lại may mắn cho con người, là cách để mỗi người, mỗi cộng đồng có thêm niềm tin trước muôn vàn khó khăn trong đời sống. Có niềm tin con người có thể tạo ra những điều kì diệu cho cuộc sống của mình.

Trong những câu chuyện cổ tích thế giới thường xuất hiện hình ảnh cuộn chỉ đưa đường. Trong đời sống tâm linh của một số dân tộc, việc sử dụng sợi chỉ đưa đường này là có thật. Ðồng bào dân tộc ở Mông Tây Bắc nói chung và Ðiện Biên nói riêng, có một loại sợi thủ công được coi như sợi tâm linh đưa linh hồn người đi vào cõi thiêng, đó là sợi lanh đồng bào vẫn dùng dệt vải. Nghề dệt vải lanh của người Mông Ðiện Biên được hình thành từ rất xa xưa. Ðến nay nhiều nơi vẫn còn giữ được nghề thủ công truyền thống này. Những bộ trang phục dệt từ sợi lanh của người Mông thường được dùng làm của hồi môn trong đám cưới. Người già cũng dành cho mình những bộ trang phục bằng vải lanh, để khi họ qua đời thì mặc bộ trang phục ấy về với tổ tiên. Họ cũng dệt những chiếc khăn che mặt cho người chết bằng chính sợi lanh. Ðồng bào Mông quan niệm, nếu không mặc trang phục bằng sợi lanh, người chết sẽ không được ông bà, tổ tiên nhận mặt. Trong lễ cúng dòng họ của người Mông sợi lanh cũng được dùng trong nghi lễ, là biểu tượng cho sợi dây đoàn kết cộng đồng.

Có những vật phẩm giản dị, nhỏ bé như sợi chỉ nhưng lại gắn bó với đời sống cộng đồng các dân tộc từ hàng nghìn năm. Những sợi chỉ mỏng manh mà thiêng liêng, đã trở thành sợi dây thiêng khẳng định niềm tin, thể hiện ước mơ và kết nối cộng đồng. Niềm tin, truyền thống và sự gắn kết chặt chẽ trong cộng đồng, làng bản, chính là cái tạo nên sức mạnh cho các dân tộc Việt Nam tồn tại, phát triển bền vững qua các thời kì lịch sử.

Kông Thao
Bình luận
Back To Top