Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II, năm 2019

Cơ hội để Ðiện Biên quảng bá bản sắc văn hóa, du lịch

08:42 - Thứ Tư, 11/09/2019 Lượt xem: 9778 In bài viết

ĐBP - Chỉ hơn một tháng nữa, Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II, năm 2019 (sau đây gọi tắt là Ngày hội) sẽ diễn ra tại TP. Ðiện Biên Phủ. Với quy mô cấp quốc gia, việc đăng cai tổ chức sự kiện này là dịp để Ðiện Biên quảng bá nét văn hóa đặc sắc dân tộc Thái và tiềm năng du lịch văn hóa đến đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Nắm bắt cơ hội này, Ðiện Biên đang tích cực chuẩn bị các điều kiện, thúc đẩy triển khai các hoạt động sẵn sàng cho Ngày hội.

Người dân trên địa bàn tỉnh tham gia chơi tó má lẹ trong ngày lễ 2/9/2019 tại Sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Hiền

Ngày hội có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước”, dự kiến tổ chức trong 3 ngày (18 - 20/10), với sự tham gia của các nghệ nhân, diễn viên quần chúng, vận động viên là người dân tộc Thái hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn 5 tỉnh: Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái và Thanh Hóa. Ngoài ra, Ban Tổ chức mời đoàn tỉnh Luông Nậm Thà, nước CHDCND Lào tham gia giao lưu.

Ngay sau khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) ban hành Quyết định, Kế hoạch về tổ chức Ngày hội tại tỉnh ta, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH,TT&DL và các đơn vị liên quan phối hợp với đơn vị chuyên môn của Bộ triển khai nhiệm vụ đảm bảo các điều kiện cần thiết tổ chức thành công Ngày hội. Cụ thể, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2316/KH-UBND ngày 7/8/2019 về phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức Ngày hội. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu các hoạt động của Ngày hội được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại, góp phần tạo dựng một sân chơi VH,TT&DL cho cộng đồng dân tộc Thái ở Việt Nam.

Theo đó, Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động: Lễ khai mạc, bế mạc; liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc Thái; trình diễn, giới thiệu nghi thức sinh hoạt văn hóa; trình diễn nghệ thuật xòe Thái; trình diễn dệt thổ cẩm, thêu khăn piêu dân tộc Thái; trưng bày, triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Thái; trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; hoạt động thể thao dân tộc Thái với các môn tó sáng, tó má lẹ, đi cà kheo, tung còn, bắn nỏ, kéo co; và hoạt động du lịch tổ chức đoàn famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Ðến thời điểm hiện tại, công tác tuyên truyền, chuẩn bị kịch bản cho Lễ Khai mạc và chuẩn bị các điều kiện khác đều đang được đẩy nhanh thực hiện. Sở VH,TT&DL được Ban Tổ chức giao ban hành thư mời, viết kịch bản chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội. Trên cơ sở ý tưởng kịch bản của các tác giả, Sở đã đánh giá, lựa chọn đề cương kịch bản “Mường Then - đất thiêng hội tụ”, gửi xin ý kiến của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Vụ Văn hóa dân tộc và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL). Ðể kịp thời, chủ động trong công tác tham mưu, triển khai thực hiện nhiệm vụ đăng cai tổ chức và tham gia các nội dung của Ngày hội; Sở VH,TT&DL cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, đơn vị trực thuộc xây dựng phương án lắp đặt và sơ đồ các gian trưng bày giới thiệu văn hóa dân tộc Thái; xây dựng phương án và tổ chức lực lượng, phương tiện đảm bảo nguồn điện, công tác an ninh trật tự, hậu cần, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông trên địa bàn và các hoạt động bên lề của Ngày hội; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở lưu trú, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phối hợp tham gia các hoạt động, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đảm bảo phục vụ đại biểu và du khách trong thời gian diễn ra Ngày hội. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá cũng được thực hiện từ tháng 9 cho đến khi kết thúc Ngày hội trên nhiều kênh thông tin khác nhau, như báo chí, mạng xã hội... Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền vào cuối tháng 9, đầu tháng 10; tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan trên các trục đường chính địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và các huyện, thị trong tỉnh từ 10 - 20/10. Trong cuộc họp gần đây của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội diễn ra tại Hà Nội, đồng chí Phạm Việt Dũng, Giám đốc Sở VH,TT&DL Ðiện Biên, Phó Trưởng ban Thường trực tổ chức Ngày hội đã khẳng định: Ðến nay tỉnh Ðiện Biên đã chuẩn bị đảm bảo các điều kiện sẵn sàng đăng cai tổ chức Ngày hội.

Có thể nói Ðiện Biên là mảnh ghép đặc biệt trong bức tranh văn hóa đặc trưng vùng Tây Bắc, với bản sắc truyền thống độc đáo, đa dạng của 19 dân tộc, trong đó tiêu biểu và phong phú nhất là văn hóa dân tộc Thái. Vùng đất Mường Thanh hay còn gọi là Mường Then - Ðiện Biên được coi là gốc tích của dân tộc Thái. Hiện nay, dân tộc Thái sinh sống ở 10/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và còn lưu giữ được nhiều nét đẹp cổ truyền. Những năm qua, nhiều nghi thức, lễ hội dân gian dân tộc Thái được phục dựng; nghề truyền thống, dân ca, dân vũ được tạo điều kiện truyền dạy, duy trì. Vì vậy Ngày hội diễn ra tại tỉnh ta có ý nghĩa quan trọng, nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào nguồn cuội dân tộc, thêm bền chặt sợi dây đoàn kết của đồng bào dân tộc Thái trong và ngoài tỉnh. Từ đó thúc đẩy việc nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ, phát triển các loại hình di sản văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Ðồng thời khuyến khích sự sáng tạo, tham gia tích cực của các nghệ nhân dân gian, diễn viên, vận động viên quần chúng trên địa bàn vào lĩnh vực văn hóa, thể thao dân tộc, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc. Hơn nữa, đây là cơ hội lớn để Ðiện Biên “phô diễn” tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, thu hút du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường các tỉnh Ðông Bắc Thái Lan, các tỉnh Bắc Lào, góp phần phát triển du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn, thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top