Người Hà Nhì gìn giữ phong tục truyền thống

09:07 - Thứ Năm, 12/09/2019 Lượt xem: 10586 In bài viết

ĐBP - Ở tỉnh Ðiện Biên, đồng bào dân tộc Hà Nhì có khoảng 5.500 người, sinh sống tập trung chủ yếu ở 4 xã: Sín Thầu, Sen Thượng, Chung Chải và Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé). Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, đời sống của người Hà Nhì đã có nhiều đổi thay, phát triển, nhưng họ vẫn giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống qua những phong tục, nếp sống đặc trưng, mang đậm bản sắc dân tộc.

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì luôn mặc trang phục truyền thống trong lao động, đời thường.

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi có dịp được ở trong các bản của người Hà Nhì và hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa truyền thống của họ. Dẫn tôi vào các bản trong xã Sín Thầu, chị Pờ Mỳ Lế, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu, cũng là người dân tộc Hà Nhì bản địa, giới thiệu về những ngôi nhà gỗ với mái tôn đều tăm tắp: “Trước kia, người Hà Nhì ở nhà trình tường (vách đất), nay đời sống khấm khá hơn, bà con đã có nhà ốp gỗ, nhưng họ vẫn chỉ dựng nhà vừa đủ ở và cách thiết kế, bố trí trong các ngôi nhà đều theo một phong cách giống nhau, đây chính là đặc trưng của người Hà Nhì”.

Ðúng như giới thiệu của chị Lế, các ngôi nhà người Hà Nhì đều được dựng vuông vắn, gọn gàng, có cửa ra vào nằm chính giữa. Cách bố trí trong các ngôi nhà đều tương tự nhau, với gian phòng khách chính giữa, các buồng ngủ hai bên, một bàn thờ được bố trí bên ngoài hiên, cạnh buồng chủ nhà.

Gia đình ông Pờ Dần Sinh, người uy tín bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu là một trong những hộ khấm khá nhất bản, nhưng nếp nhà theo phong tục truyền thống Hà Nhì vẫn được gia đình ông Sinh gìn giữ. Ðặc biệt, gian bếp nhà ông Sinh dù có nhiều thiết bị tiện nghi nhưng vẫn còn giữ bếp truyền thống là bếp củi, đắp đất xung quanh, phía trên đặt 2 chiếc chảo to để đun nấu. Chia sẻ với chúng tôi, ông Sinh cho biết: “Nhiều thế hệ trong dòng họ tôi vẫn giữ nguyên phong cách nhà ở truyền thống như vậy. Bởi trong chính ngôi nhà đậm bản sắc, phong cách dân tộc, chúng tôi mới cảm thấy thư thái, yên tâm”.

Sinh hoạt tại nhà ông Pờ Dần Sinh một ngày, chúng tôi được hiểu thêm, người Hà Nhì rất coi trọng lề lối, gia phong. Người đàn ông làm chủ gia đình nhưng phụ nữ vẫn luôn được đề cao, trân trọng. Bởi thế người ta thường nói: Cứ nhìn vào người phụ nữ Hà Nhì sống trong nhà, là biết gia đình ấy gia giáo, nề nếp ra sao. 

Ví von như vậy là bởi những phụ nữ Hà Nhì chúng tôi gặp trong gia đình ông Sinh, từ vợ ông Sinh đến các con gái, con dâu, cháu gái, ai cũng tần tảo, chịu khó, thức khuya dậy sớm để chăm sóc gia đình. Ðặc biệt, họ rất giỏi may vá, đan lát, thêu thùa. Mỗi người đều có ít nhất 2 chiếc nón giang tự đan và 2 bộ trang phục truyền thống tự tay thêu và cắt may. Vợ ông Sinh là một phụ nữ ít nói, hiền dịu nhưng rất tháo vát, chu toàn và rất giỏi quán xuyến gia đình, giáo dục con cháu.

Mặc dù bận bịu là thế, nhưng phụ nữ Hà Nhì luôn mặc trang phục truyền thống trong lao động, sinh hoạt đời thường. Ðó là chiếc áo cánh có 2 tà dài, quần ống rộng và khăn vấn đội đầu. Chị Lế chia sẻ với chúng tôi: “Trang phục lao động thường ngày của phụ nữ Hà Nhì có màu sắc và họa tiết khá đơn giản, còn bộ trang phục dùng để mặc mỗi dịp lễ, tết thì có màu sắc sặc sỡ và hoa văn trang trí độc đáo hơn. Phụ nữ Hà Nhì ít đeo trang sức nhưng họ vẫn luôn nổi bật bởi bộ trang phục được thiết kế điệu đà, bắt mắt, khi di chuyển cho cảm giác uyển chuyển, dịu dàng”.

Ðược biết, nhiều năm nay đời sống của người dân bản A Pa Chải đã được nâng lên, nhưng bà con vẫn giữ gìn những phong tục của cha ông để lại. Ðặc biệt, họ rất ghi nhớ cội nguồn và không quên thờ cúng tổ tiên. Vào mỗi dịp cúng, giỗ, cả dòng họ quây quần về một nhà, tổ chức ăn cỗ, chuyện trò. Những phụ nữ trong dòng họ có dịp ngồi bên nhau thủ thỉ, tâm tình và... khóc. Khóc có lẽ là đặc trưng riêng của phụ nữ Hà Nhì. Họ khóc không phải là buồn khổ, mà vì vui mừng, hạnh phúc, khóc để chúc nhau những điều tốt lành, may mắn, thuận lợi.

Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới các lễ tục truyền thống, như: Tết Hồ sự chà, Tết Mùa mưa, Lễ Gạ ma thú... của người dân tộc Hà Nhì vẫn được tổ chức nguyên vẹn hàng năm. Thời gian lưu lại ở bản A Pa Chải, chúng tôi được dự Tết Mùa mưa với bà con. Qua lễ tết này, chúng tôi hiểu thêm rằng, người Hà Nhì rất tôn trọng tự nhiên. Bà Su Lò De, già làng bản A Pa Chải chia sẻ: “Người Hà Nhì chúng tôi thường sinh sống ven rừng, nhưng không bao giờ phá rừng. Bởi theo quan niệm tâm linh, rừng là nơi trú ngụ của các vị thần linh (thần núi, thần rừng...) che chở, bảo vệ cho cuộc sống con người. Ðó cũng chính là lý do người Hà Nhì luôn là điển hình trong việc gìn giữ, bảo vệ rừng”.

Rời xã Sín Thầu khi mặt trời chưa ló ra khỏi đỉnh núi Khoan La San để đến các xã khác có đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, trong suốt hành trình ấy, chúng tôi được chứng kiến những nét văn hóa, phong tục, nếp sống đặc trưng của họ. Ðiều đó cho thấy, tinh thần đoàn kết của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc khá bền chặt và ổn định, cho dù cuộc sống có đổi thay, nhưng họ vẫn luôn gìn giữ phong tục, nếp sống truyền thống riêng có của dân tộc mình.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top