Những người “giữ lửa” truyền thống

08:26 - Thứ Năm, 19/09/2019 Lượt xem: 9742 In bài viết

ĐBP - Di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị tinh thần hết sức có ý nghĩa đối với từng dân tộc. Và các nghệ nhân là những người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa đó tới thế hệ tiếp theo. Với vai trò là người “giữ lửa”, những nghệ nhân luôn mong muốn gìn giữ vẹn nguyên hồn cốt tinh hoa những di sản văn hóa phi vật thể mà họ gắn bó gần như cả cuộc đời…

Nghệ nhân ưu tú Khoàng Văn Dọng, dân tộc Thái, bản Nậm Nèn, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà (nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian hát then, đàn tính) trình diễn trích đoạn “Lễ Cầu an” truyền thống của dân tộc trong Lễ hội Hoa Ban 2019. Ảnh: Nguyễn Hiền

Tỉnh Ðiện Biên hiện có 28 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự “Nghệ nhân ưu tú”. Các nghệ nhân ưu tú của tỉnh chủ yếu nắm giữ và thực hành các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như: Nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Khi nói về các nghệ nhân ưu tú không thể không nhắc tới ông Lò Văn Keo, dân tộc Thái, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) - người hiếm khi vắng mặt trong các ngày hội lớn của huyện, của tỉnh. Ðam mê nghệ thuật trình diễn dân gian từ khi còn nhỏ, ông dành gần 50 năm của cuộc đời mình để nghiên cứu chế tác và sử dụng đàn tính tẩu, đàn nhị và cách thổi khèn lá truyền thống. Có lẽ hiếm người am hiểu, chế tác thành thạo, đồng thời sử dụng và trình diễn thuần thục các loại nhạc cụ này như ông. Ông vừa có thể thổi khèn lá, vừa có thể kéo nhị tạo nên một màn trình diễn độc đáo, đặc sắc. Với sự am hiểu đó, ông đã mang tiếng tính, tiếng nhị của mình lên nhiều sân khấu lớn, quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh dân tộc Thái tới bạn bè gần xa. Quan trọng hơn, ông còn mang những tâm huyết của mình suốt nửa cuộc đời truyền dạy cho 5 học trò mà ông tin rằng “sẽ có thể kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa đó tồn tại mãi mãi với thời gian”. Ðược vinh dự trao tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cùng đợt với ông Keo còn có bà Lò Thị Phúc, bản Lọng Bon, xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên). Với gần 30 năm sưu tầm, sáng tác và trình diễn các bài hát dân ca Thái, bà Phúc nắm giữ nhiều bài hát, làn điệu dân ca khác nhau của dân tộc mình. Bà thường hát các bài dân ca Thái tại các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đám cưới, nhà mới... nhận được nhiều sự hưởng ứng của đông đảo khán giả. Không chỉ vậy, tiếng hát của bà còn vang xa, đưa những bài dân ca Thái tới mọi miền đất nước khi tham gia Liên hoan Tiếng hát dân ca toàn quốc do Ðài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Việc bà tham gia tổ chức diễn xướng tuyên truyền Trường ca dân tộc Thái “Xống chụ xon xao” còn vinh dự được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Niềm đam mê của bà được truyền cho hơn 90 học trò để lời ca, tiếng hát của dân tộc Thái mãi ngân vang trên núi rừng Tây Bắc.

Ngoài ông Keo, bà Phúc còn rất nhiều những nghệ nhân ưu tú khác, như: Bà Lường Thị Ðại tâm huyết với việc sưu tầm, truyền dạy chữ Thái cổ; ông Vì Văn Hiêng đam mê thực hành, truyền dạy các lễ xên bản, xên mường của dân tộc Thái; bà Lường Thị May sưu tầm, truyền dạy múa dân gian, hát dân ca Lào cho thế hệ trẻ… Có thể thấy rằng, nghệ nhân ưu tú có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển di sản văn hóa phi vật thể. Họ là “linh hồn”, “báu vật sống” trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không chỉ vậy, họ còn là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại với tương lai bằng bản sắc văn hóa các dân tộc mà họ được kế thừa, phát triển. Nghệ nhân có vai trò quan trọng trong việc tiếp lửa, truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là cho thế hệ trẻ - đội ngũ sẽ kế thừa và bảo tồn những giá trị đó trong tương lai. Nhờ vậy mà các di sản văn hóa phi vật thể không bị mai một và tiếp tục được cộng đồng trân trọng, giữ gìn.

Tuy vậy, để duy trì “ngọn lửa” đam mê văn hóa phi vật thể cũng cần phải quan tâm tới những người “giữ lửa”. Ông Ðào Duy Trình, Phó phòng phụ trách Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Ðể phát huy vai trò của các nghệ nhân ưu tú trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, ngành tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện Ðề án Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để các nghệ nhân ưu tú với vai trò là chủ thể văn hóa tham gia thực hành di sản. Ví dụ như tham gia thực hiện nghi lễ của lễ hội hoặc duy trì nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc... Ðồng thời, tiếp tục tham mưu nội dung xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo quy định của Chính phủ cho những nghệ nhân có tâm huyết. Danh hiệu vinh dự này là phần thưởng vô cùng ý nghĩa đối với mỗi nghệ nhân, là nguồn động viên tinh thần nhằm “tiếp lửa” và tạo động lực cho họ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ cho việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài ra, ngành cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy các di sản văn hóa đó tới thế hệ tiếp theo. Ðồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các nghệ nhân ưu tú tham gia thực hành, truyền dạy và phát huy giá trị di sản tại cộng đồng.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top