Người cả đời gắn bó với cây pí

08:39 - Thứ Năm, 19/09/2019 Lượt xem: 9437 In bài viết

ĐBP - Là mảnh đất chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa dân tộc Thái, Ðiện Biên có hơn một nửa số nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể là người Thái. Ông Quàng Văn Hom (75 tuổi) ở bản Nà Ten, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) là một nghệ nhân ưu tú cả đời gắn bó với cây pí (nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái) và luôn nỗ lực để tiếng pí bay xa.

Ông Quàng Văn Hom cùng cây pí - nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Quàng Văn Hom không xa nhưng khó tìm bởi nằm sát chân đồi, khuất sau rặng cây lâu năm. Một đặc điểm như được đánh dấu để dễ tìm nhà ông Hom hơn chính là những bụi tre, trúc nhỏ ở lối đi và xung quanh nhà mà từ đường lớn đã có thể nhìn thấy. Ðây cũng chính là vật liệu để ông làm nên những cây pí mang âm thanh ngân nga, trầm bổng, réo rắt, mang tâm tình dân tộc Thái. Ông Hom kể lại: “Trước đây, thổi pí là điều tối thiểu mỗi nam thanh niên người Thái đều biết. Pí gắn bó với mọi hoạt động đời sống của người dân tộc Thái, từ việc hẹn hò, yêu đương đến săn bắt thú và không thể thiếu trong những nghi lễ truyền thống quan trọng. Từ nhỏ tôi đã yêu thích pí, năm 12 tuổi bắt đầu học bố cách làm pí, 13 tuổi học sử dụng các loại pí khác nhau. Ðến năm 14 tuổi, tôi thổi pí thành thạo, tự tin tham gia các lễ hội trong vùng”. Tính đến nay đã hơn 60 năm, cây pí cùng ông Hom trải qua những vui buồn, thăng trầm của cuộc sống. Ông đi thanh niên xung phong, sau đó làm công nhân, làm thầy dạy học rồi nghỉ hưu, dù đến đâu ông cũng mang theo pí như người bạn tri kỉ. Với tình yêu và đam mê pí ấy, giờ đây ông là một trong số rất ít người trên địa bàn tỉnh am hiểu và thuần thục chế tác, sử dụng các loại pí.

Cầm những chiếc pí trên tay một cách nâng niu, cẩn trọng, ông Hom chỉ cho chúng tôi cách phân biệt và mục đích sử dụng các loại pí khác nhau. Nào là pí lao nọi có 6 nốt nhạc, âm thanh réo rắt, vui tươi, thổi khi đủng đỉnh ngồi trên lưng trâu đang gặm cỏ; pí lao luông có 7 nốt, âm thanh trang trọng, chỉ vang lên khi làm lý, lễ cúng theo nghi thức truyền thống của dân tộc; pí lăm vằn 2 nốt ngân nga thường được thổi vào mùa thu để báo tin chàng trai đến chơi nhà cô gái, trai gái trò chuyện, tâm tình, đặc biệt là trong lễ hạn khuống; pí pặp 5 nốt luyến láy, thanh thoát đánh thức người yêu vào đêm khuya, cho nam nữ hẹn hò, tỏ tình; pí pếu 1 nốt âm thanh thảng thốt như tiếng hoẵng con gọi mẹ để đàn ông đi săn bắt thú rừng. 5 loại pí của dân tộc Thái có đến hàng chục giai điệu với những ý tứ, gửi gắm khác nhau đều được ông Hom lưu giữ. Ông còn cẩn thận chép lại vào cuốn sổ cá nhân rất dày các lời nhạc, lời hát gắn liền với điệu pí để lưu giữ cho mình và thế hệ sau.

Chúng tôi đến nhà đúng lúc ông Hom đang bên vệ cỏ trước sân nhà, hướng ra cánh đồng say sưa thổi một giai điệu pí lao nọi. Hết bài nhạc, ông chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng thổi pí, sáng sớm ngủ dậy việc đầu tiên là chọn 1 cây pí thổi một bài để chào ngày mới, sau khi hoàn thành các công việc buổi sáng, rảnh lại ngồi thổi chơi; chiều hay tối cũng vậy. Một ngày không chạm vào cây pí cảm thấy bứt rứt lắm, hơn nữa tôi đã già rồi sợ trí nhớ không còn tốt nữa nên cần thổi thường xuyên để nhớ bài và để ngón tay không cứng trước các nốt nhạc”. Ông Hom nói thế nhưng nghe tiếng pí của ông, chúng tôi biết những giai điệu ấy như đã ngấm vào máu, in sâu trong tâm trí người đàn ông dân tộc Thái này. Bởi thế mà ông thường xuyên được mời tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh. “Năm 2015, tôi được mời tham gia hòa tấu các nhạc cụ dân tộc truyền thống và biểu diễn độc tấu pí pặp tại Nhà hát lớn Hà Nội. Khi tiếng pí ngân lên, cả hội trường hàng nghìn người bỗng im lặng không một tiếng động, sau khi ngừng thổi thì tiếng vỗ tay rào rào làm tôi rất xúc động và thêm tự hào về âm nhạc truyền thống của dân tộc mình” - ông Hom kể cho chúng tôi nghe về một kỉ niệm đáng nhớ trong hơn 60 năm gắn bó với cây pí của mình.

Không chỉ thổi pí hay có tiếng mà nghệ nhân Quàng Văn Hom còn giỏi chế tác loại nhạc cụ này. Âm thanh của pí phụ thuộc vào vật liệu làm nên nó, bao gồm thân cây trúc nhỏ và những miếng đồng (hoặc bạc). Nhìn cây pí rất đơn giản nhưng để hoàn thành được 1 sản phẩm ông Hom phải chọn loại trúc, đồng, và chọn mùa, thời gian trong ngày để chế tác một cách cẩn thận, cầu kì. Khí hậu, thời điểm khác nhau sẽ làm cho cây trúc và chất liệu đồng thay đổi khác nhau. Vào mùa đông có thể làm pí cả ngày và làm được 2 - 3 cây pí thì vào mùa thu việc chế tác chỉ thích hợp diễn ra từ 7 - 10 giờ sáng và tầm 4 giờ chiều; mùa hè lại càng khó hơn, phải làm trong khoảng 7 - 8 giờ sáng và có khi phải sửa đi sửa lại rất nhiều lần, nhiều ngày mà không hoàn thành được 1 cây pí.

Năm 2018, nghệ nhân Quàng Văn Hom được mời đứng lớp dạy cách thổi và chế tác pí cho 15 người do Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái tổ chức. Nhưng theo ông Hom chia sẻ, để làm nên một cây pí rất kì công, cần người có thể kiên trì, tỉ mỉ, không nóng tính nên đến nay ông vẫn chưa có học trò nào thực sự đam mê, theo đuổi chế tác cây pí. Về thổi pí, sau nhiều năm mang cây pí đi khắp nơi, ông đã dạy cho hơn 100 người cách thổi, lấy hơi, luyến láy giai điệu pí. Ðến nay ông vẫn đau đáu nỗi niềm tìm người kế tục để trao truyền vốn cổ. Ông Hom mong những năm tháng còn lại của mình có thể dốc hết những hiểu biết, kỹ năng về các loại nhạc cụ truyền thống cho thế hệ sau truyền nối, góp sức gìn giữ, phát huy tốt hơn giá trị di sản văn hóa của dân tộc đúng như danh hiệu nghệ nhân ưu tú Nhà nước phong tặng.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top