Bất cập trong đãi ngộ nghệ nhân dân gian

08:42 - Thứ Năm, 19/09/2019 Lượt xem: 8227 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, Nhà nước quan tâm, đầu tư nhiều hơn cho việc bảo tồn các hình thức văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể được trình hồ sơ lên UNESCO để công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Song nghệ nhân dân gian - những người góp công sức không nhỏ vào việc giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa quý báu đó lại chưa được hưởng sự đãi ngộ hợp lý.

Nghệ nhân ưu tú Lường Thị May (người đứng đầu) dẫn dắt thực hiện các nghi lễ Tết té nước của dân tộc Lào, bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên). Ảnh: Nguyễn Hiền

Vinh danh rồi… để đấy

Nghệ nhân dân gian (NNDG) là người có công trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở nhiều loại hình tri thức dân gian, trình diễn văn hóa truyền thống khác nhau. Con số NNDG được vinh danh trên khắp mọi miền đất nước hiện nay đã lên đến hàng nghìn. Thông thường, mỗi nghệ nhân ưu tú (NNƯT) được tặng kèm danh hiệu số tiền thưởng 10 triệu đồng, nghệ nhân nhân dân (NNND) được nhiều hơn một chút. Việc vinh danh nghệ nhân thể hiện sự trọng thị của cộng đồng đối với những người đã không ngừng cống hiến, đóng góp công sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa của địa phương, dân tộc. Tuy nhiên, điều đó chỉ có ý nghĩa thiết thực khi chúng ta tạo cho các nghệ nhân sau khi được vinh danh một đời sống tốt, để họ tiếp tục toàn tâm toàn ý với công việc gìn giữ, trao truyền các giá trị văn hóa dân gian; làm thế nào để trí tuệ, kinh nghiệm của họ được phát huy, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, để thế hệ tương lai được thừa hưởng.

Thế nhưng, 18 năm qua, từ khi có đợt phong danh hiệu đầu tiên (năm 2001) đến nay, chúng ta chưa làm được nhiều trong việc đãi ngộ, giúp đỡ, bảo đảm cho các nghệ nhân một đời sống tốt hơn để phát huy nội lực văn hóa của mình. Phần lớn các nghệ nhân vẫn sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không có môi trường hoạt động. Vẫn phải “vật vã mưu sinh” là cụm từ xót xa mà nhiều người nhắc đến khi nói về đời sống các nghệ nhân cao tuổi. Ngoài tấm bằng vinh danh và số tiền thưởng trên dưới 10 triệu đồng, phần lớn các nghệ nhân không nhận được sự trợ giúp nào khác từ Nhà nước và cộng đồng. Nghị định của Chính phủ về hỗ trợ cho các NNƯT, NNND có hoàn cảnh khó khăn thực thi từ năm 2016 đến nay là một “điểm sáng” trong chăm sóc người có công lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống; với ba mức hỗ trợ là 1 triệu đồng, 850.000 đồng và 700.000 đồng cho mỗi người hằng tháng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ước tính, có khoảng gần 600 nghệ nhân được hưởng trợ cấp khó khăn theo tinh thần của Nghị định. Con số này thực chất vẫn là nhỏ so với hàng nghìn nghệ nhân đã được phong danh hiệu. Thực tế, vẫn còn rất nhiều “báu vật nhân văn sống” đang phải sống trong cảnh già yếu, không có trợ cấp, không được bảo đảm cuộc sống tốt để có thể cống hiến kinh nghiệm của mình cho cộng đồng.

GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chia sẻ: Phần lớn các nghệ nhân đều là những người nghèo, tuổi cao, thậm chí mù chữ; sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh như miền núi cao, Tây Nguyên. Chính sách của Nhà nước không dễ đến được với họ, nhất là phải trải qua những thủ tục hành chính bắt buộc ở địa phương. Có những địa phương, chính lãnh đạo cũng không nắm được chủ trương này dành cho các nghệ nhân. Nhiều nghệ nhân đến giờ phút này vẫn chưa nhận được trợ cấp; thậm chí có những người đã qua đời trong sự chờ đợi… GS, TS Ngô Ðức Thịnh, Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam từng kể về trường hợp của Nghệ nhân Ðiểu Klung, một người có đóng góp rất lớn vào dự án nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên. Say sưa, hết lòng với văn hóa dân gian nhưng Nghệ nhân Ðiểu Klung vẫn sống trong nghèo khó. Ông không có khoản trợ cấp nào, sống tạm bợ trong ngôi nhà mà tài sản không có gì ngoài hàng trăm cuốn băng đĩa, bản thu âm cũng như các cuốn sách ghi chép lại sử thi truyền miệng của người M’Nông. Ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Ðịnh, nhiều người biết đến NNƯT Minh Ðức, một “báu vật nhân văn sống” của nghệ thuật hát bài chòi, hằng ngày phải đi bán vé số, ve chai để kiếm sống. Thỉnh thoảng có ai mời, bà đi hát bài chòi nhận tiền lẻ thù lao. Bà Minh Ðức chia sẻ, bà mong muốn có một câu lạc bộ hay lớp học nào đó để có thể tới truyền dạy kiến thức về bài chòi cho lớp trẻ và cũng có thêm thu nhập đủ sống để không phải đi lượm ve chai mỗi ngày. Còn ở Quảng Bình, các NNDG cũng sống trong điều kiện hết sức khó khăn. Nghệ nhân Phạm Ngọc Thức tuổi đã ngoài 80 vẫn phải bám biển mưu sinh; các nghệ nhân nữ như Nguyễn Thị Lý, Ðặng Thị Hới ngày ngày phải bám đồng ruộng, bởi không làm lụng họ sẽ không có tiền trang trải cuộc sống. Ngay cả nghệ nhân ở các thành phố lớn, trung tâm văn hóa như Thủ đô Hà Nội cũng chung cảnh bần hàn. Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan, ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) do không đủ điều kiện trợ cấp cũng phải làm nông nghiệp kiếm sống. 30 năm lưu giữ, nghiên cứu điệu hát cổ, bà ước ao có thể mang kiến thức đó truyền dạy cho lớp trẻ và có tiền đủ sống tuổi già mà không phải chật vật lo bữa ăn mỗi ngày... Những nghệ nhân được hưởng trợ cấp thì số tiền nhỏ hằng tháng đó cũng không giúp họ cải thiện được nhiều cuộc sống vốn đã khó khăn.

Nghệ nhân Ðiểu Klung, xã Ea Wer, huyện Buôn Ðôn (Ðăk Lăk) đọc lại tác phẩm sử thi do ông sưu tầm.  Ảnh: qdnd.vn

Băn khoăn bài toán phát huy tiềm năng

Khác một số nước phát triển (quan niệm phải tạo ra môi trường văn hóa nghệ thuật để các nghệ nhân được hoạt động), chúng ta quan tâm đến đời sống của các nghệ nhân, vẫn là quan tâm cái ngọn chứ chưa từ gốc. Một chút tiền trợ cấp hằng tháng, thực ra chỉ đỡ được phần nào cuộc sống khó khăn của họ; chưa kể nếu làm không triệt để thì thiếu sự công bằng, người có người không. Vấn đề quan trọng là vinh danh các NNDG, giúp đỡ họ nhưng không để lãng phí tài nguyên văn hóa - những giá trị truyền thống tốt đẹp, quý báu kết tinh trong những con người ưu tú mà cả một đời họ đã lưu giữ. Khi xem các NNDG là những hạt nhân cốt lõi của văn hóa truyền thống, Nhà nước cần tạo điều kiện để lan tỏa các giá trị cao đẹp đó vào cộng đồng bằng cách đem đến môi trường thuận lợi để họ đóng góp vốn quý của mình vào đời sống, truyền lại cho thế hệ mai sau. Hiện nay, ở các địa phương và ngay cả ở những thành phố lớn, có quá ít các trung tâm, các câu lạc bộ để các nghệ nhân đến truyền dạy cho lớp trẻ. Một số trung tâm mọc lên là bởi phong trào xã hội hóa, xuất phát từ thiện chí của một số cá nhân có tình yêu với văn hóa dân gian gây dựng, còn Nhà nước chưa có một chiến lược lâu dài cho vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa thông qua các NNDG.

Ông Phạm Cao Quý, cán bộ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, với các NNDG, câu chuyện không phải là trao bằng vinh danh, trợ cấp tiền cho họ hằng tháng mà quan trọng là sau khi được phong tặng, các nghệ nhân sẽ sống như thế nào, hoạt động, cống hiến ra sao? Chính sách của Nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa những năm qua thực tế chưa tác động nhiều đến các nghệ nhân, những người nắm giữ tinh thần cho di sản. Cần phải có chính sách bảo đảm cuộc sống, duy trì sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe để họ có thể cống hiến lại cho cộng đồng. Song song với đó là chính sách giúp họ sử dụng, phát huy các tri thức mình đang nắm giữ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung.

Các NNDG phần lớn đều đã cao tuổi, mọi chính sách hỗ trợ họ cần phải được hiện thực hóa sớm nhất có thể. Sự hỗ trợ kịp thời không chỉ đề cao tính nhân văn trong chính sách của Ðảng, Nhà nước với người có đóng góp trong văn hóa khi tuổi đã cao mà còn tranh thủ, phát huy được các giá trị di sản văn hóa quý báu mà các nghệ nhân lưu giữ suốt một đời. Bằng tài năng, tâm huyết và trình độ nghề nghiệp của mình, NNDG đã tự mình sáng tạo hoặc chắt lọc sáng tạo của cả cộng đồng, góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm cho truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đóng vai trò then chốt, nếu không có họ, chắc chắn một khối lượng lớn giá trị văn hóa sẽ không được bảo lưu một cách tập trung nhất, cũng như sẽ không có thầy để truyền dạy cho lớp trẻ...

T.K (tổng hợp từ nhandan.com.vn)
Bình luận
Back To Top