Tản văn

Thị quê

08:55 - Thứ Năm, 19/09/2019 Lượt xem: 9492 In bài viết

ĐBP - Bạn nói về làng bây giờ chẳng còn có cảm giác gần gũi như xưa nữa, mọi thứ thay đổi nhiều quá. Hồi trước, về đến làng đã thấy cây thị lúc lỉu những quả xanh, quả vàng bây giờ còn đâu. Ra chợ tìm đỏ mắt mới thấy một người bán thị. Bạn nói làm tôi nhớ ơi là nhớ. Thị là thứ quả dân dã, thân thuộc, là cả vùng trời tuổi thơ của tôi, của đám bạn quê lúc đó.

Hồi xưa nhà tôi có một cây thị to lắm. Thân cây cỡ một vòng tay người lớn ôm mới vừa. Vào mỗi mùa thu, cây thị lúc lỉu những quả là quả, sáng bừng cả một vùng lá xanh xôn xao. Năm tháng tuổi thơ, tôi nhớ những hôm không ngủ trưa cùng lũ bạn trong làng mon men gốc thị để chơi đồ hàng, chơi ô ăn quan, chơi nhảy dây, chơi nhảy ngựa… và ti tỉ những trò chơi khác. Bên cạnh cây thị là một chiếc xích đu được làm từ thân gỗ khuynh diệp bố làm cho hai chị em ngồi chơi và đọc sách. Lũ bạn thích mê. Chơi mệt lại tới xích đu, cười tít mắt. 

Trên chiếc xích đu, bạn không thể tưởng tượng được khi cầm quả thị tròn lẳn trong tay sung sướng thế nào đâu. Chân cứ đong đưa từng nhịp xích, một tay cầm dây đu, tay còn lại cầm thị, thi thoảng lại đưa lên mũi hít hà. Hương thị ngọt đậm đà. Hít một hơi, người ta lại muốn hít tới hơi thứ hai, thứ ba… cho đẫy lồng ngực mới dừng.

Say hương thơm của thị đã đành, tôi còn say vị ngọt chát của thị. Thật lạ, thứ quả thị, để ăn được ngọt hơn người ta phải nắn, bóp cho nó mềm nhũn mới ăn. Khi đó thớ thịt mềm mịn, xé tan lớp vỏ cho vào miệng mà ngấu nghiến. Cái vị ngọt của thị nó không ngọt đằm như hương thơm vốn có của nó mà pha lẫn một chút chan chát, đọng lại nơi đầu lưỡi. Xử lý hết phần thịt, còn lại cái hạt lại dùng răng cà cà đến khi lộ lớp nhám xam xám thì thôi. Lấy cái que vót nhọn xuyên qua hạt thì làm dùi đánh trống cũng thú vị không tưởng. Thế cũng thành một thú vui khó cưỡng.

Cứ đến mùa thị, bà bảo bố tôi hái quả chín để mang bán ở chợ phiên. Những đứa cháu của bà, là hai chị em chúng tôi được lời nhất. Phiên chợ nào bà cũng trích tiền bán thị mua quà cho hai chị em. Lúc là chiếc bánh đúc, lúc thì vài chiếc kẹo dồi, lúc khác lại vài đốt mía đỏ. Bà tằn tiện, chắt chiu từng đồng một, dạy hai chị em phải quý trọng đồng tiền. Dẫu là một đồng nhỏ nhất.

Gần đến ngày tựu trường, bà mua cho hai chị em mỗi đứa một tập vở. Bố mẹ tôi ngạc nhiên, thắc mắc bà lấy tiền đâu ra? Bà cười, phân trần là nhờ những đồng tiền bán thị. Bây giờ bà tôi đã đi xa gần chục năm trời, chị em tôi cũng đã hết tuổi học trò nhưng mỗi dịp tới ngày tựu trường lại rưng rưng nhớ đến bà, nhớ đến cây thị năm xưa.

Trong khi nhà nhà chặt bỏ cây thị để trồng cây ăn quả khác có lãi hơn thì bố tôi vẫn quyết định giữ cây thị lại. Nhưng cuộc sống không bao giờ khiến con người chúng ta hài lòng. Ðường sá liên thôn được mở rộng, khu vườn nhà tôi bị xén đất trúng ngay phần cây thị đang sống nên không còn cách nào khác cây thị bị chặt bỏ. Hai chị em tôi tiếc đến ngẩn ngơ…

Hồi rất lâu rồi, ở phố, đi chợ tôi thấy thị quê được bầy bán giữa bao nhiêu thứ quả khác. Tôi bỗng thấy mình như nhỏ lại, như hồi còn thơ bé ở làng, lòng reo mừng khôn xiết, mua một bọc thị mang về để trên bàn làm việc. Hương thơm ngọt ngào lan tỏa, ký ức rưng rưng tràn về. Thương cây thị quê nhà, thương dáng bà lưng còng nhặt từng quả thị cho vào rổ mang ra chợ bán, và thương chiếc xích đu năm nào… Ký ức ngọt ngào ấy mãi là năm tháng tuyệt vời nhất của tôi, suốt đời tôi sẽ không bao giờ quên được.

Cao Văn Quyền
Bình luận
Back To Top