Tăng “đề kháng” cho phim nội

15:21 - Thứ Sáu, 20/09/2019 Lượt xem: 8131 In bài viết

Lâu nay, việc phim ngoại “đè bẹp” phim nội ở các rạp chiếu không chỉ là bức xúc của các nhà sản xuất trong nước mà còn là nỗi lo của những người làm điện ảnh nói chung. Phim Việt “lép vế” ngay trên sân nhà dẫn đến việc không phải ai cũng dám đầu tư làm phim, nhất là trong tình cảnh phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, từ rạp chiếu đến bản quyền như hiện nay.

"Song Lang", một phim có chất lượng nghệ thuật cao nhưng lại không có nhiều thời gian chiếu ngoài rạp. Nhiều khán giả tìm xem "Song Lang" không được vì thời lượng chiếu quá ít.

Để tìm ra giải pháp tăng sức “đề kháng” cho phim nội, nhiều nhà phát hành, nhà sản xuất đã đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh về quy định dành bao nhiêu thời lượng cho các phim trong nước.

Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, khi gia nhập WTO, chúng ta đã bỏ qua hạn ngạch nhập khẩu phim, cho nên các doanh nghiệp thoải mái nhập khẩu phim vào Việt Nam, mỗi năm khoảng 250 phim. Các công ty liên doanh với nước ngoài nhập khẩu nhiều nhất, và hai công ty tiêu biểu lại chính là những công ty có nhiều rạp chiếu. Điều này đặt ra cho chúng ta việc cần phải xây dựng những rào cản nhất định, bởi nếu không, sẽ có tình trạng đầu vào và đầu ra đều thoải mái. “Cho ra đến đâu là quyền của ta, sân của ta, đó là điều cần phải nói trong Luật” – ông Đặng Xuân Hải khẳng định.

Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, trong Luật Điện ảnh hiện ảnh có quy định tỷ lệ chiếu phim Việt Nam đối với các rạp, nhưng các hệ thống rạp liên doanh vẫn có rất nhiều cách để “lách luật”. Phim Việt được đưa vào những giờ chiếu “hiểm”: đầu giờ sáng, các buổi trưa, những giờ vắng khách… còn lại các khung giờ vàng và ngày đông khách trong tuần thì không bao giờ có chỗ cho phim Việt. Chỉ sau một thời gian ngắn, có khi chỉ một vài tuần, vì quá vắng khách cho nên phim Việt bị loại thẳng tay khỏi toàn bộ lịch chiếu của rạp. Không ít đạo diễn, nhà sản xuất Việt Nam đã phải than trời khi không thể đối phó với chiêu này của các rạp. Ngô Thanh Vân, Johny Trí Nguyễn hay Dustin Nguyễn đều đã từng lên tiếng về vấn đề này. Chính vì thế, ông Đặng Xuân Hải thẳng thắn đề nghị: “Cần phải chặt chẽ hơn. Chúng ta phải khống chế về ngày đẹp, giờ đẹp bên cạnh tỷ lệ chiếu phim Việt Nam tại các rạp. Đây là vấn đề Luật cần đề ra và có chế tài điều tiết việc này có hiệu quả”.

Vấn đề này cũng được TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh đề cập đến: “Phát hành, phổ biến phim liên quan trực tiếp đến việc phát triển thị trường điện ảnh, bởi vậy cần có chính sách để xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa hoặc xóa bỏ việc chèn ép, lấn át đối với các doanh nghiệp nhỏ hay thống lĩnh thị trường của các doanh nghiệp lớn”. Bà Ngô Phương Lan cũng đề nghị, cần có chính sách ưu đãi khi phát hành, phổ biến những phim Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật, có ý nghĩa giáo dục.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng đồng tình với việc cần phải có tỷ lệ chiếu phim Việt Nam tại các rạp: “Cần bổ sung quy định tỷ lệ về số lượng giữa cơ sở chiếu phim trong nước và cơ sở chiếu phim có yếu tố đầu tư nước ngoài nhằm bảo hộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất và chiếu phim. Hiện nay, tính đến tháng 7-2019, chỉ riêng hai công ty TNHH CJ CGV và Lotte Cinema đã chiếm tới 64% tổng số cụm rạp và 65,2% số phòng chiếu phim trên tổng số cụm rạp và phòng chiếu tại Việt Nam. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, Malaysia hay Indonesia, con số các cụm rạp và phòng chiếu nội là hơn 70%. Chính vì thế, năm 2015-2017 đã có hiện tượng các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường có biểu hiện lộn xộn, thiếu lành mạnh, và đã dẫn đến một cuộc chiến bùng nổ giữa các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ trong ngành điện ảnh".

Việc nhập khẩu phim không hạn ngạch, không rào cản cũng được ông Nguyễn Danh Dương đề cập đến: “Hiện nay chúng ta cho nhập khẩu phim thoải mái, chiếu thoải mái. Vì thế phim ngoại lấn át phim nội rất mạnh ngoài rạp. Cần phải có biện pháp để tỷ lệ phim Việt Nam và phim nước ngoài vào rạp bình đẳng. Số lượng phim Việt Nam chiếu tại rạp hiện nay chỉ chiếm có 20% so với phim nước ngoài là quá thấp, càng thấp nếu nói đến số tiền mà các hãng bỏ ra.

Điều này dẫn tới doanh thu từ điện ảnh những năm gần đây tăng cao, nhưng chủ yếu lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài. Chủ tịch Đặng Xuân Hải dẫn chứng: “Theo ý kiến của đồng chí Chu Đức Nhuận, Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã phát biểu tại một buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018, chúng ta thu được 3.250 tỷ đồng từ điện ảnh, nhưng chủ yếu lại vào túi của các công ty nước ngoài. Đây là điều chúng ta phải tính đến khi sửa luật. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật góp phần nâng cao thẩm mỹ nhưng cũng góp phần nâng cao doanh thu cho quốc gia. Tôi hy vọng trong Luật mới đưa ra làm thế nào để đưa ngành điện ảnh vừa phục vụ cho mục tiêu nâng cao giáo dục thẩm mỹ, tuyên truyền, mà cũng là nâng cao nguồn thu cho quốc gia”.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đề nghị thay vì quy định cứng thời gian, tỷ lệ chiếu, thì cần có biện pháp khuyến khích nhà sản xuất tạo ra những bộ phim hay, hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh và thu hút khán giả ngoài rạp. Đại diện Công ty cổ phần Thiên Ngân cho rằng, việc tăng tỷ lệ và thời gian chiếu phim rạp cho phim Việt có ưu điểm là ủng hộ, hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, nhưng lại có những hạn chế nhất định. Hiện nay, số lượng phim Việt Nam sản xuất hiện tại chỉ khoảng hơn 40 phim/năm, chưa thể đáp ứng nhu cầu phổ biến theo tháng, quý, năm cho nên lịch phát hành không thể rải đều ngay từ đầu hoặc lên kế hoạch trước cho cả quý hay nguyên một năm. Hơn nữa, chính đơn vị sản xuất phim là người quyết định thời điểm phát hành, thí dụ như Tết Nguyên đán, các dịp nghỉ lễ 30-4, 2-9… là những thời điểm cao điểm thu hút khán giả. Thêm vào đó, chất lượng phim Việt Nam hiện tại cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Phim tốt chắc chắn khán giả sẽ ủng hộ và duy trì thời gian chiếu lâu tại rạp, nhưng cũng không ít bộ phim khán giả quay lưng nên việc duy trì suất chiếu tại rạp rất khó, đồng nghĩa với việc các chủ rạp gặp khó khăn trong vận hành.

Tương tự, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, việc quy định số buổi chiếu và tỷ lệ phim Việt Nam ở các rạp chiếu không phải là chính sách mới của Luật Điện ảnh, vì điều này đã có quy định tại Khoản 4 điều 33 Luật Điện ảnh năm 2006. Bộ Tư pháp cho rằng, để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển cân bằng giữ thị trường phim Việt Nam và phim nước ngoài, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp điện ảnh tham gia hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng phim Việt Nam thay vì quy định cứng số buổi chiếu phim Việt tại các phòng chiếu.

Như vậy, để tăng sức cạnh tranh cho phim nội, bên cạnh việc đưa ra các giải pháp hỗ trợ ngoài rạp, thì bản thân các nhà sản xuất cũng phải tìm cách nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình, nếu không, dù có hỗ trợ như thế nào, khán giả không chấp nhận thì cũng vẫn thua trên sân nhà như thường.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top