Nan giải quản lý phim trên Internet

09:56 - Thứ Tư, 25/09/2019 Lượt xem: 11457 In bài viết

Những ngày này, vấn đề sửa đổi Luật điện ảnh để ngày càng hoàn thiện hơn được đề cập nhiều, đa phần mọi quan điểm đều thống nhất: Luật điện ảnh có từ năm 2007, nhưng sau 12 năm có nhiều bất cập, thậm chí gây khó khăn trong việc thực hiện và điều hành, quản lý.

Nhất là với thời đại ngày nay, chưa bao giờ ngành điện ảnh  và lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung có nhiều cơ hội thể hiện nhưng lại đứng trước thử thách rất lớn, khi kỷ nguyên số phát triển như vũ bão. Thời đại kỹ thuật số đã chi phối đời sống điện ảnh rất mạnh mẽ, và là một bài toán vô cùng nan giải cho các nhà quản lý.

Thời đại kỷ nguyên số 4.0 - phim không thể kiểm soát?

Những năm trước đây, quy trình để làm bất kì một bộ phim nào cần phải có khâu duyệt kịch bản, chọn đạo diễn, tuyển diễn viên, đầu tư kinh phí. Sau khi phim đóng máy, xong sản phẩm sẽ có cả một hội đồng xem và nhận định. Hội đồng đó có toàn quyền quyết định, phim đấy có được công chiếu hay không?!

Mà theo Luật điện ảnh, phim bắt buộc phải có hội đồng duyệt cấp phép mới được công chiếu. Đến nay phim nhà nước đầu tư, phim tư nhân ra rạp và loạt phim truyền hình vẫn theo công thức ấy. Còn phim không chiếu ở rạp, hay hiện diện trên truyền hình mà lại ở mạng internet thì sao? Thực tế cho thấy rất khó để kiểm duyệt dưới hình thức này.

Bàn về Dự thảo về Luật điện ảnh sửa đổi, nhiều ý kiến đã đưa ra thực trạng: Xu hướng tiêu dùng phát triển, nền kinh tế chia sẻ, kinh tế thành viên chúng ta đang từ cơ chế tiêu dùng sang cơ chế truy cập. Thời đại của kỷ nguyên số, tất cả mọi nơi, các cơ quan, ban ngành đều áp dụng xử lý văn bản trên điện tử. Đọc báo trên điện tử, soạn thảo văn bản trên điện tử, học tiếng nước ngoài cũng trên điện tử...

Một trang web drama đã từng bị phạt vì vi phạm bản quyền.

Tiến sĩ (TS) Ngô Phương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, hiện nay là Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam) kể: Dăm bẩy năm về trước, các nước bạn muốn chuyển phim đĩa VCD sang Việt Nam thì đã không cần phải chuyển phát nhanh qua đường bưu điện nữa mà chọn bằng phương pháp chuyển bằng mạng số internet.

Họ có thể chiếu ở bên nước họ, chuyển đường link cho ta. Thưởng thức trực tuyến giúp cho người xem lựa chọn tự do, linh hoạt, di động. Ngồi đâu cũng có thể xem được, ở quán ăn, nhà hàng, bệnh viện, ở nhà hoặc ngoài đường. Rồi ngay tại chỗ, khán giả có thể bình chọn.

TS Ngô Phương Lan cho biết: Bản thân kênh phát hành nội dung phụ thuộc vào thị trường, phát hành trực tuyến một lúc có rất nhiều kênh khác nhau là điều đương nhiên trong thời buổi kỹ thuật số này. Quản lý phim ra rạp, phim không ra rạp được thì sẽ đến với mọi người bằng kênh khác.

Hiện nay, trên internet hàng loạt trang phim (thường được gọi là web drama) không có thẩm định, không có cấp phép của cơ quan nhà nước. Tại thị trường phim trên mạng internet thì số lượng người truy cập không giới hạn, có khi lên đến hàng chục triệu người trong khi ra rạp ta mong 5 triệu người xem.

“Như vậy là Luật không đi kịp được với thực tế. Làm sao chúng ta tiếp cận với kỷ nguyên số của điện ảnh cũng như các ngành khác. Tiếp cận để chúng ta nhận thức và quản lý được ngành nghề, rất là khó. Bây giờ cách thưởng thức và nhận thức, xây dựng thị trường, làm phim, mua bán phim cũng hoàn toàn khác đi. Có một số dấu hiệu khiến chúng ta buộc phải nhận thức lại. Điều này cũng liên quan đến chúng ta làm luật, nếu không theo kịp, hay không nhận thức được xu hướng của nó thì luôn luôn sẽ lạc hậu, rơi vào bất cập” - TS Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

Đại diện của công ty Thiên Ngân (Galaxy) bày tỏ: Hiện nay có nhiều phim cấm chiếu ở rạp nhưng lại điềm nhiên xuất hiện tràn lan trên các mạng internet, hoặc các phim phải chỉnh sửa cắt cúp khi chiếu ở rạp, nhưng vẫn đầy đủ và nguyên như cũ khi chiếu trên các trang mạng xã hội.

Thực tế cho thấy một số bộ phim đình đám, nổi tiếng khác nhau về nhiều khía cạnh đã từng bị cấm chiếu nhưng vẫn điềm nhiên nghễu nghện xuất hiện trên web drama, vì tại đây không ai kiểm duyệt. Phim Cyclo (Xích lô) của đạo diễn Trần Anh Hùng được coi là một hiện tượng của điện ảnh Việt Nam, giành giải Sư tử Vàng tại Liên hoan phim Venice, giải quốc tế vô cùng danh giá.

“Dòng máu anh hùng” - bộ phim khiến Hãng phim Chánh Tín sạt nghiệp.

Nhưng ngay tại quê nhà, bộ phim không được cấp phép ra các rạp vì cảnh trong phim phản ánh một xã hội quá tàn khốc, những cảnh bạo lực, đau thương quá lớn. Phim “Bẫy cấp 3” và “Rừng xác sống” cũng không được cấp phép bởi nội dung nhảm nhí, nhiều hình ảnh phản cảm, tiêu cực, không đạt chất lượng về hình ảnh...

Phim “Bụi đời chợ Lớn” cũng chịu chung số phận khi liên tục những hình ảnh mang tính chất bạo lực, kích động. Năm 2013, Cục Điện ảnh ra văn bản đề nghị cấm chiếu bộ phim này dưới bất kì hình thức nào. Nhưng, tất cả những bộ phim cấm chiếu này đều có mặt nhan nhản ở trên internet, như gió vào nhà trống.

Người ta vẫn thường thấy cả những bộ phim ngoại hay nội ăn khách khi đang công chiếu ở rạp vẫn thấy “mất bản quyền” khi bị “đánh cắp” chiếu trên các trang internet. Tài liệu tham khảo trong hội thảo cho thấy trước năm 2006 internet chưa phát triển chóng mặt như bây giờ, các phim chiếu rạp trước rồi mới chiếu trên internet, nhưng chỉ sau đó ít lâu thì với tốc độ phát triển chóng mặt của internet, kênh xem phim và các video giải trí được khai thác tối đa.

Hiện nay, việc kinh doanh phim trên internet là của các doanh nghiệp tư nhân. Và, có nhiều phim chỉ cần ưu tiên tiêu chí chiếu trên internet chứ không cần ra rạp, mang đến cho họ một số lượng lớn khán giả, nhờ vào lượng người truy cập hùng hậu và xôm tụ quảng cáo, điều đó cũng đồng nghĩa với thu được lợi nhuận khổng lồ.

Theo Cục Điện ảnh, một số phim phát hành trên Internet vi phạm Luật Điện ảnh và một số luật khác nhưng không quy được trách nhiệm quản lý cho đơn vị nào, do không có chế tài pháp lý.

Cục Điện ảnh đưa ra giải pháp nên sửa đổi trong Luật quy định UBND tỉnh và thành phố quản lý nội dung các phim phát trên internet do các doanh nghiệp có máy chủ đặt tại Việt Nam và đăng ký kinh doanh tại địa phương đó. Còn với các doanh nghiệp có máy chủ ở nước ngoài, Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bổ sung chế tài trong văn bản để kiểm soát các nhà phát hành đó.

Con số doanh nghiệp thực sự làm phim khác xa với con số được cấp phép

Theo Cục Điện ảnh, hiện nay có 500 hãng phim được cấp giấy phép kinh doanh và sản xuất phim. Đây cũng là một con số khá nhiều so các nước khác trên thế giới. Nhưng thực chất, các hãng làm phim điện ảnh chỉ khoảng 3, 4 hãng phim, số còn lại sau khi mở công ty làm phim thì “chết như ngả rạ”.

“Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh” -  phim Nhà nước đặt hàng thắng lớn, là hiện tượng hi hữu trong điện ảnh.

Nhiều người bỏ 10 tỉ đồng, 15 tỉ đồng làm bộ phim, ra rạp chiếu vài ngày là đã không còn khách. Vậy thì làm sao mà thu hồi được vốn ban đầu?! Để làm một bộ phim ra rạp mất kinh phí lớn, thậm chí rất lớn.

Chúng ta đã nghe những câu chuyện như: để làm được một bộ phim, đạo diễn phải đứng ra thuyết trình với các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để được rót vốn. Công đoạn này nhanh thì một năm, lâu thì 3 năm, thậm chí 5 năm. Có nhiều người làm phim phải thế chấp, cầm cố tài sản của gia đình đến khi phim ra rạp lại không thu vốn về, nếu nhẹ trở thành trắng tay, nặng thì sạt nghiệp, nợ nần chồng chất.

Còn nhớ trước đây phim “Dòng máu anh hùng” đem đến danh tiếng cho hai diễn viên chính là Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn, nhưng doanh thu lại bị lỗ nặng khi Hãng phim Chánh Tín đã bỏ ra số tiền rất lớn để làm phim. Chánh Tín và vợ đã phải lao đao và ông buộc phải thốt lên: “Vì làm phim nên tôi có nguy cơ mất ngôi nhà đang ở, và có nguy cơ phải đứng đường”.

Năm 2017 hai bộ phim được coi là phim nghệ thuật: “Đảo của dân ngụ cư” và “Cha cõng con” đều rất chật vật tìm khán giả. Năm 2018 tuy doanh thu tại phòng vé tăng cao nhưng con số thực tế cho thấy hơn 2/3 phim thất bại thảm hại về doanh thu, nghĩa là thu về không đủ vốn. Nhiều người nghi ngại liệu điện ảnh Việt có bị thoái trào?! Trong 40 phim Việt ra rạp một năm thì đến trên 30 phim bị lỗ nặng, mất trắng số tiền đầu tư. Làm phim thật sự là một sự rủi ro lớn, không biết sẽ thắng một cách ngạo nghễ hay thua thảm bại?!

“Đánh bạc” - đấy là người ta nói với những nhà sản xuất phim Việt vì thị trường khán giả Việt rất phập phù. Phim thắng lớn, phim lại ngậm ngùi xót xa. Nhiều bộ phim khi vừa ra rạp đã bị “giật” lên internet khiến cho nhà làm phim đứng trước nguy cơ trắng tay. Sản xuất phim là cỗ máy ngốn rất nhiều tiền nhưng vấn đề bản quyền, chất xám lại đang bị xem nhẹ.

Bà Ngô Bích Hạnh, đại diện Công ty BHD đề xuất: “Nên có điều luật và các chế tài bảo vệ phim. Luật mới nên có những điều khoản cụ thể về ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp sản xuất phim như ưu đãi lãi xuất vay. Đầu tư hơn chục tỉ đồng làm phim mà thất bát, để trắng tay thì không ai còn động lực làm phim. Sản xuất phim lại không có cách nào vay vốn ở ngân hàng, vì theo như luật thì tài sản vô hình ở Việt Nam chưa được coi là tài sản”.

Đoàn phim quay phim “Song trùng”.

Theo TS Ngô Phương Lan: “Phim mua thì phải có năng lực thích nghi.  Bộ phim phải được phát hành bằng nhiều cách khác nhau mới có thể sống sót được. Nên khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất  những bộ phim theo mục tiêu nhà nước đặt ra. Bù lại nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà sản xuất phim này”.

Quỹ đất vàng dành cho điện ảnh và cách khai thác còn bỏ ngỏ

Dành quỹ đất đẹp nhất, tốt nhất ở trung tâm các thành phố, các tỉnh, các khu dân cư để xây dựng rạp chiếu phim, nhà văn hoá. Nhưng giả sử có dành cho ngành văn hoá khu đất làm như vậy thì chúng ta sử dụng, khai thác như thế nào, có biết khai thác không?! Đó là điều được đề cập ở Hội thảo, Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi.

TS Ngô Phương Lan bày tỏ: “Năm 2013, Liên hoan Phim Việt Nam ở Quảng Ninh, hầu như các tỉnh thành chưa hề có máy chiếu kỹ thuật số. Đến gặp Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, tôi cũng thiết tha đề nghị cho cải tạo lại một rạp chiếu phim và lắp máy chiếu phim kỹ thuật số rất đắt khoảng 3 đến 4 tỷ đồng. Sau khi lắp xong rồi thì không khai thác được và cái rạp ấy bây giờ không còn là rạp chiếu phim nữa. Hoàn toàn rất là buồn và tiếc. Nó sẽ có trách nhiệm cả hai mặt khi anh được tạo điều kiện như thế thì có làm được không?! Nhưng tư nhân nước ngoài lại làm được, họ khai thác rất tốt”.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top