Đến với bài thơ hay

Hoa mộc miên biên giới

09:14 - Thứ Năm, 26/09/2019 Lượt xem: 11808 In bài viết

Chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới

mộc miên cũng rực đỏ triền sông, rực đỏ vách núi, rực đỏ tâm can

mộc miên đỏ một trời biên viễn

như máu tươi ròng rã ngàn năm

 

dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén

người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông

thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã

khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông

 

có ai trồng mộc miên biên giới

hay biên cương cây tìm đến mọc lên

hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái

cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương.

Nguyễn Linh Khiếu

Lời bình

Một bài thơ hay về biên giới phía Bắc

Ngược lên biên giới phía Bắc, trong miên man đằng đẵng xanh xám núi rừng, thể nào bạn cũng gặp hoa đỏ. Hoa chuối đỏ, hoa vông đỏ, và hoa mộc miên (hoa gạo) rực lên. Màu đỏ ấy là bình thường với mọi người nhưng với nhà thơ lại là nỗi niềm tâm trạng, bời bời tâm can. Lẽ gì... những năm chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chắc nhiều người còn nhớ. Lẽ ấy, thời gian có phôi pha nhưng màu hoa thì vẫn như máu. Ai cũng nhìn thấy, cảm được mờ mờ; chỉ Nguyễn Linh Khiếu quằn quại với màu hoa rất riêng - biên giới phía Bắc, hay nói cách khác hoa đã nhập vào nhà thơ để được nói tiếng thật về biên cương những tháng ngày máu đổ.

Chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới

hoa mộc miên cũng rực đỏ triền sông, rực đỏ vách núi, rực đỏ tâm can.

Cảnh - tình như thế thật kín quyện. Người đọc chỉ còn thấy hoa, tâm trạng hoa. Dấu vết tác giả có chăng chỉ là “chẳng hiểu” mình - Lần nào (nhiều lần) cũng giống lần nào, qua biên giới là thấy hoa “rực đỏ”. Rực đỏ không gian, từ triền sông, lên vách núi, rồi vào tâm can. Con đường của màu đỏ ấy, thuyết phục gấp nhiều lần, bởi nó từ tự nhiên, từ cụ thể đến lắng lại trừu tượng, bời bời lan xa. Hoa mộc miên nơi khác cũng đỏ nhưng ở biên giới thì đỏ khác thường. Rực lên. Hai câu sau đã cắt nghĩa ngay cái sự đỏ chỉ có ở miền biên viễn đó: mộc miên đỏ một trời biên viễn/như máu tươi ròng rã ngàn năm.

Rộng hơn, sâu hơn, da diết khắc khoải như tiếng khóc. Hoa mộc miên cứ tầng bậc như nước mắt, chan hòa, cạn khô, tiếng nấc ròng rã... treo cao. Ðường thơ ám ảnh như thế cũng là của hiếm trong đề tài thế sự. Có lẽ khi nhà thơ đưa cảm hứng thời cuộc (cuộc chiến bảo vệ biên giới của nhân dân) vào thơ nên ngay lập tức đã gây xúc động, đồng cảm ngay cho hầu hết người đọc.

Nếu nói khổ thơ thứ nhất là hồn hoa mộc miên hiện hình, treo rực sắc đỏ, kéo mọi người vào, lên cao xuống thẳm thì khổ thứ hai, vẫn là hoa nhưng lại đi vào góc khác. Góc ấy có người lính biên phòng: Dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén/ người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông...

Mộc miên hoa đã sang một cung khác, cung trầm. Trước - hình ảnh nhìn thấy, rực lên, xoáy sâu; nay - chỉ còn tiếng hoa, âm thanh thực tại quá khứ đồng hiện. Một loạt những từ láy, mới, gợi - “tầm tã”, “khuya khoắt”, “rình rập” cùng phối trong thời gian “khuya khoắt”, không gian “vẳng”, đã ra một chân dung tinh thần hoa biên giới.

Khổ 1 hoa mở ra, khổ 2 hoa lắng xuống, nếu như kết thúc, bài thơ cũng đầy đủ trực ảnh, dư ba. Nhưng như thế thì sẽ chơi vơi, chưa “rõ” người trong hoa. Hai câu tự vấn: có ai trồng mộc miên biên giới/ hay biên cương cây tìm đến mọc lên chính là câu trả lời sâu nhất về người biên cương. Như núi rừng ít nói, chỉ “Thanh vắng vẳng”, “tầm tã” vọng; để hoa đứng đấy nói hết: hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái/cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương.

“Hoa mộc miên biên giới” tôi biết cũng đã lâu, nhưng cũng chỉ lướt qua kết quả cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, thấy chùm bài giải Nhất “Hoa mộc miên biên giới”, “Mưa rơi dọc Cam Ranh”, “Những thiếu nữ ngoại quốc đứng khóc ở Sơn Mỹ”. Nay đọc lại mới biết tác giả là Nguyễn Linh Khiếu. Biết hơn, anh là Tiến sĩ triết học, làm việc ở Tạp chí Cộng sản. Hôm rồi, qua facebook, tôi trò chuyện với anh. “Em phục anh, làm cộng sản mà thơ rất nhân dân” - “Thì mình ở tạp chí cộng sản mà em. Nhưng thơ là tấm lòng của mình”. Thế đấy, chỉ một “Hoa mộc miên biên giới” thôi, bạn đọc cũng biết đến Nguyễn Linh Khiếu, bởi thơ ngoài tài năng là cao sâu tấm lòng của người viết - công dân.

Du An
Bình luận
Back To Top