Cơ hội cho điện ảnh thời công nghệ 4.0

09:34 - Thứ Sáu, 27/09/2019 Lượt xem: 8316 In bài viết

Xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ điện ảnh trên nền tảng kỹ thuật số đang đặt ra cho điện ảnh Việt Nam nhiều khó khăn, thách thức khi tiếp cận. Vấn đề này vừa được đề cập tại Hội thảo khoa học "Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực điện ảnh" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Một cảnh trong Trạng Quỳnh, bộ phim áp dụng nhiều kỹ xảo.

Trong sự phát triển vượt bậc của công nghệ với những ứng dụng đầy tiện ích của cáp quang vệ tinh, điện thoại di động, thiết bị trình chiếu kỹ thuật cao... cách thưởng thức điện ảnh của khán giả hiện nay được ví như có thể mang cả rạp phim về nhà. Theo đó, các đơn vị sản xuất phim sẽ dần trở thành những công xưởng áp dụng mọi khả năng tối ưu của công nghệ kỹ thuật số. Ðiều này không chỉ tác động tới xu hướng tiếp cận từ khán giả mà còn tác động mạnh mẽ tới quá trình sản xuất, phát hành, phổ biến phim. Ðánh giá về sự thay đổi này, nhiều chuyên gia điện ảnh cho rằng, đó là những thay đổi đáng kể, mang tính quy luật của sự phát triển. Tuy nhiên, dù công nghệ có sức mạnh, ứng dụng rộng rãi tới đâu thì vai trò lao động, sáng tạo của con người vẫn là giá trị không thể thay thế. Bên cạnh lợi thế nhờ quá trình áp dụng công nghệ, điện ảnh Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức, như: yêu cầu cao về tính bảo mật, bản quyền tác giả, kiểm duyệt, kinh phí sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật, nguồn nhân lực để vận hành hệ thống kỹ thuật số... Theo các chuyên gia, điện ảnh là sự kết hợp tổng hòa của ba lĩnh vực: nghệ thuật, kỹ thuật và kinh tế. Trong thời đại công nghệ 4.0, công thức này càng quan trọng, góp phần thúc đẩy điện ảnh dân tộc phát triển, hội nhập. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, điện ảnh trong nước hiện nay phần lớn chỉ mới chạm tới "phần vỏ" của cuộc cách mạng công nghiệp. Chúng ta chưa chú trọng nhiều đến ưu, khuyết điểm của mình trước những thách thức thời đại. Cụ thể, tư duy làm phim, tiếp cận điện ảnh vẫn còn hạn hẹp, cũ kỹ dẫn tới lúng túng trong quá trình triển khai, áp dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho tác phẩm điện ảnh.

Vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bộ phim được đầu tư mạnh về công nghệ, kỹ xảo, đạt doanh thu cao khi ra rạp và giành được những giải thưởng điện ảnh. Nhưng, số phim này chủ yếu thuộc các hãng tư nhân và nhịp độ sản xuất, chất lượng so với mặt bằng chung vẫn chưa đồng đều, ổn định. Ðặc biệt, khi triển khai công nghệ, nhiều phim đạt chất lượng tốt về âm thanh, hình ảnh thì lại nhạt nhòa, thiếu thông điệp trong nội dung; các vấn đề lớn của xã hội, văn hóa, con người… chưa được chuyển tải hiệu quả. Các nhà làm phim cho rằng, cơ hội mà công nghệ mang lại là không thể phủ nhận, nhưng những nền điện ảnh chưa nhiều thành tựu như Việt Nam cần một quá trình tiếp cận, ứng dụng thật hợp lý. Bên cạnh sự nhạy bén trong đầu tư, áp dụng công nghệ mới thì những khâu truyền thống như kịch bản, biên kịch, diễn viên… vẫn phải chặt chẽ, kỹ lưỡng. Ngoài ra, cũng cần bồi đắp, đào tạo và thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo để vận hành công nghệ điện ảnh. Cuối cùng là sự phối hợp, phát triển theo quy trình đồng bộ.

Gần đây, đã có một số khóa học điện ảnh 4.0 do các tổ chức, chuyên gia trong nước và nước ngoài phối hợp tổ chức. Nổi bật là khóa học do Viện Quốc tế Pháp ngữ, Ðại học Quốc gia Hà Nội với sự tài trợ của Ðại sứ quán Pháp dành cho những người muốn nhanh chóng nắm bắt các kiến thức, bí quyết và cơ hội thực hành các kỹ thuật mới trong điện ảnh, như: công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường trí tuệ nhận tạo, định dạng dọc… Các kỹ năng xây dựng kịch bản, nghiệp vụ đạo diễn, kỹ thuật quay phim, xây dựng âm nhạc và biên tập cũng được chú trọng. Mới đây, các đơn vị tổ chức này cũng đã trao Giải nhất cuộc thi Phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc cho tác phẩm "Trôi" của tác giả Lê Ðình Tuyển, một phóng viên chứ không phải nhà làm phim chuyên nghiệp. Về tác phẩm này, giám khảo - đạo diễn Ðặng Nhật Minh nhận định, điều quan trọng nhất để người làm phim tạo nên ấn tượng chính là gợi ra được thân phận con người. Ðây là một trong những thí dụ sinh động mở ra cơ hội áp dụng công nghệ trong điện ảnh bắt đầu từ cách tiếp cận thực tế.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top