Giữ gìn, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa Thái trong đời sống

08:52 - Thứ Sáu, 18/10/2019 Lượt xem: 13141 In bài viết

ĐBP - Chiếm 38% dân số toàn tỉnh, người Thái có một di sản văn hóa phong phú và đa dạng, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc Ðiện Biên. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, một số nét văn hóa Thái đã và đang bị mai một và đứng trước nguy cơ biến mất. Ðiều đó đặt ra vấn đề phải giữ gìn bảo tồn và phát huy được vốn văn hóa Thái trong chính đời sống của người dân tộc Thái.

Người phụ nữ Thái vẫn tự hào với bộ váy cóm, đã tôn dáng “thắt đáy lưng ong”, khẳng định vẻ đẹp “nàng Ban” của núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Hải Yến

Khi nói đến văn hóa dân tộc Thái, người ta thường nghĩ ngay đến ngôi nhà sàn. Ðó có thể xem là một trong những biểu tượng của văn hóa Thái. Với họ, ngôi nhà sàn vừa là nơi diễn ra mọi sinh hoạt hàng ngày, vừa là không gian văn hóa tộc người thu nhỏ với tính cộng đồng rất cao. Việc xây dựng được ngôi nhà sàn to, đẹp là niềm tự hào và được xem là việc quan trọng trong cuộc đời người dân tộc Thái. Ðể làm được việc trọng đại này, người Thái phải chuẩn bị trong nhiều năm, tích trữ vật liệu cần thiết cho quá trình xây dựng; đợi đến thời điểm thích hợp mới huy động anh em họ hàng, người dân trong bản cùng chung tay dựng nhà. Ngày khánh thành nhà mới cũng là ngày vui chung của bản. Mọi người đến chúc mừng gia chủ với những lời chúc tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, ít ngôi nhà sàn nào giữ được nguyên vẹn kết cấu cổ truyền như của cha ông trước kia để lại mà có sự cải tiến, thay đổi kiểu dáng cho thuận tiện, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhưng phải khẳng định rằng, về bản chất đó vẫn là những ngôi nhà sàn mang những nét riêng có của dân tộc Thái.

Nhắc đến người Thái, người ta còn nhớ tới những nét văn hóa đặc trưng về trang phục truyền thống với áo cóm, khăn piêu nổi danh cả nước. Những đặc điểm đó tạo nên nét duyên dáng, vẻ đẹp riêng và rất dễ nhận biết của người phụ nữ Thái trong bức tranh muôn màu của 19 dân tộc anh em tỉnh Ðiện Biên. Có thể hiện nay, việc mặc áo cóm, khăn piêu hàng ngày đang dần bị thay thế bởi các trang phục khác cho phù hợp với nhịp sống hiện đại. Nhưng vào các ngày lễ, tết hay đám cưới hỏi, người phụ nữ dân tộc Thái vẫn tự hào mặc lên mình những bộ váy cóm tôn dáng “thắt đáy lưng ong”, điểm xuyết cùng xà tích bạc lấp lánh như để khẳng định vẻ đẹp của “nàng Ban” giữa núi rừng Tây Bắc. Riêng với tục “tằng cẩu”, người Thái đen vẫn tuân thủ nghiêm túc, không hề suy chuyển. Dù trải qua hàng ngàn năm, người phụ nữ Thái đã lấy chồng đều phải búi tóc lên đỉnh đầu, thể hiện sự thủy chung, sự tôn trọng chồng và gia đình nhà chồng. Tục “tằng cẩu” chỉ có ngoại lệ khi người con gái Thái đi lấy chồng người dân tộc khác.

Không chỉ vậy, văn hóa Thái còn lưu giữ được tiếng nói, chữ viết, lễ cưới hỏi, lễ mừng cơm mới… Ðặc biệt, người Thái nổi tiếng với nghệ thuật Xòe, tiêu biểu phải kể đến Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai. Trong đó Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái vẫn thường xuyên được biểu diễn trong các ngày hội, ngày lễ lớn. Ngoài ra, kho tàng văn học dân gian của người Thái khá phong phú về thể loại và nội dung, được ghi chép qua các bộ sử thi dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, đáng chú ý là thơ ca dân gian với những Xống chụ xôn xao; Khun Lú, Nàng Ủa… Diễn xướng thơ ca cũng diễn ra khá phổ biến trong các hoạt động giao tiếp, trong lễ hội, cưới xin, khi gặp nhau, khi tiếp đón khách... của người Thái. Các tác phẩm đó có nội dung được truyền khẩu trực tiếp, có nội dung được ghi lại bằng chữ Thái cổ để truyền lại cho đời sau. Vậy nên, trong cộng đồng dân tộc Thái có nhiều nghệ nhân tâm huyết với văn hóa dân tộc, dành thời gian nghiên cứu sưu tầm các tác phẩm bằng chữ Thái cổ, mở lớp truyền dạy chữ Thái cổ tới mọi người. Những nghệ nhân đó luôn quan niệm rằng, phải biết chữ viết, hiểu tiếng nói thì con cháu mới hiểu về cội nguồn, tình yêu thương và những lời răn dạy, khuyên bảo lẽ sống mà cha ông để lại thông qua kho tàng văn học dân gian. Ðến nay, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn tỉnh tổ chức mở được 2 lớp truyền dạy chữ Thái cổ; nhiều nghệ nhân cũng tự mở lớp, nhận trò để trao truyền vốn hiểu biết của mình về chữ Thái cổ...

Trước sự khắc nghiệt của thời gian, nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Thái đang đứng trước nguy cơ giao thoa, thay đổi, thậm chí biến mất trong đời sống của họ. Chính vì vậy việc quan tâm, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đó đang là vấn đề bức thiết đặt ra. Chúng ta có thể vững tâm hơn bởi trong cộng đồng người Thái có nhiều người tâm huyết, yêu văn hóa của dân tộc mình, như: Bà Lường Thị Ðại tâm huyết với việc sưu tầm, truyền dạy chữ Thái cổ; ông Vì Văn Hiêng đam mê thực hành, truyền dạy các lễ xên bản, xên mường của dân tộc Thái; Ông Lò Văn Cư, giáo viên lớp truyền dạy chữ Thái cổ.. Họ chính là những người truyền lửa cho thế hệ sau, góp phần đưa những tinh hoa văn hóa dân tộc tồn tại mãi trong cộng đồng người Thái. Và thực tế chứng minh, họ đã và đang làm rất tốt điều này. Cùng với đó là nhiều chương trình, đề án bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Thái được các cấp, ngành, đơn vị triển khai trên toàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đơn vị thường trực nhiệm vụ này đã và đang triển khai nhiều công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật dân tộc Thái nhằm lưu giữ, bảo quản lâu dài và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Thái. Ðồng thời, tổ chức quảng bá giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc Thái đến du khách và các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động triển lãm ảnh, trình diễn thực hành các lễ hội dân gian truyền thống, trình diễn nghề thủ công truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian khác như: Xòe, hát Then, múa Sạp, tung còn... trong những dịp tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và khu vực như Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Hoa Anh Ðào, Ngày hội văn hóa các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là ngày Hội văn hóa dân tộc Thái lần thứ II, năm 2019 được tổ chức tại Ðiện Biên. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tiến hành hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, kinh phí cho các bản văn hóa dân tộc Thái giữ gìn phát triển phong trào văn nghệ truyền thống, phục vụ phát triển du lịch của địa phương. Ðồng thời, thành lập Câu lạc bộ bảo tồn văn nghệ dân gian dân tộc Thái cấp tỉnh; tổ chức lớp truyền dạy thực hành các điệu Xòe cổ dân tộc Thái ở các huyện, thị, thành phố.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top