Tổng duyệt chương trình nghệ thuật “Mường Then – Hội tụ và phát triển”

09:11 - Thứ Sáu, 18/10/2019 Lượt xem: 9962 In bài viết

ĐBP - Tối 17/10, tại Quảng trường 7/5 (TP. Điện Biên Phủ), Ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019 tổng duyệt chương trình nghệ thuật Lễ Khai mạc với chủ đề “Mường Then – Hội tụ và phát triển”. Đồng chí Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức cùng các thành viên trong Ban đến dự, góp ý hoàn thiện chương trình. Đông đảo người dân trên địa bàn cũng đến xem và ủng hộ, chờ đón Lễ Khai mạc chính thức.

Một tiết mục nghệ thuật trong buổi tổng duyệt.

Chương trình nghệ thuật “Mường Then – Hội tụ và phát triển” gồm 3 chương, 11 cảnh và nhiều tầng lớp diễn. Các chương có nội dung: Mường Then – Nguồn cội ngàn năm huyền thoại, Sắc màu văn hóa dân tộc Thái, Mường Then – Mường Thanh – Điện Biên trong lòng đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Qua các tiết mục nghệ thuật tái hiện cho người xem huyền sử ra đời của dân tộc Thái, công khai thiên lập địa, mở mang bờ cõi tại vùng cao phía Tây và Tây Bắc Việt Nam. Các nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc Thái như nghi lễ tâm linh, nhạc cụ, trò chơi dân gian, tục tằng cẩu, chọc sản, đời sống sinh hoạt gắn với các địa danh du lịch tỉnh nhà cũng được giới thiệu, sân khấu hóa. Qua đó nhằm tôn vinh tộc người Thái giàu truyền thống văn hóa, có nhiều thành tựu và đóng góp bảo vệ, chiến đấu, dựng xây quê hương, đất nước và gìn giữ, phát huy nền văn hóa Việt Nam thống nhất, đa dạng.

Tham gia biểu diễn có gần 700 người là nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên không chuyên từ các trường học, lực lượng vũ trang, bản văn hóa trên địa bàn và các tỉnh tham gia Ngày hội, bao gồm: Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Hòa Bình. Chương trình nghệ thuật “Mường Then – Hội tụ và phát triển” là điểm nhấn đặc sắc, mở đầu cho chuỗi hoạt động phong phú, đặc sắc, ý nghĩa của Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019.

Lễ Khai mạc chính thức sẽ diễn ra vào tối 18/10 tại Quảng trường 7/5. Trong khuôn khổ Ngày hội, từ 18 – 20/10 sẽ diễn ra nhiều hoạt động, như: Trình diễn dệt thổ cẩm, thêu khăn piêu; triển lãm đặc trưng văn hóa dân tộc Thái; thể thao dân tộc Thái; trình diễn nghệ thuật xòe Thái, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Thái…

Sau màn nghệ thuật, các thành viên Ban Tổ chức góp ý cho đạo diễn, biên kịch cần bổ sung một số chi tiết cho sân khấu như nhà sàn Thái; nét riêng giữa người Thái Điện Biên khác Thái Sơn La, Thái Lai Châu và Thái Nghĩa Lộ (Yên Bái); phần âm thanh, ánh sáng tạo điểm nhấn cho các chương nghệ thuật; các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên cần mặc đúng trang phục truyền thống dân tộc Thái, không nên cách tân quá dễ gây phản cảm; các nhân vật lịch sử, mốc lịch sử cũng phải đảm bảo tính chính xác, thực sự là biểu trưng của văn hóa Thái Tây Bắc…

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top