Ngân lên mãi lời ca, tiếng nhạc dân tộc Thái

08:48 - Thứ Hai, 21/10/2019 Lượt xem: 11113 In bài viết

ĐBP - Những ngày vui rộn rã của cộng đồng dân tộc Thái - Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II năm 2019 (sau đây gọi là Ngày hội) đã kết thúc thành công. Tiếng trống, tiếng sạp, lời ca, điệu múa vẫn ngân mãi trong lòng bà con dân tộc Thái, thôi thúc những người con, cháu Ải Lậc Cậc thêm nhiệt huyết gìn giữ, bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Tiết mục trình diễn xòe cổ của đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa tham gia Ngày hội.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II được tổ chức tại mảnh đất Mường Thanh với sự tham gia của 5 tỉnh có đông đồng bào Thái sinh sống, bao gồm: Ðiện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Yên Bái. Ðoàn nghệ thuật quần chúng các tỉnh đã đem đến Ngày hội nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc Thái, như: Nghề thủ công, trang phục dân tộc, nghi thức dân gian, lễ hội truyền thống, các điệu xòe cổ, trò chơi dân gian… Mặc dù cộng đồng dân tộc Thái mỗi nơi có nét đặc trưng riêng nhưng bản sắc văn hóa đều thật đẹp và thu hút, làm cho người dân, du khách ấn tượng, lưu luyến; góp phần tạo nên một cuộc vui đáng nhớ, ý nghĩa của người Thái cùng những người yêu văn hóa Thái.

Trong những ngày diễn ra Ngày hội, không gian “Về với xứ Thanh” của đoàn tỉnh Thanh Hóa nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo khách tham quan, trải nghiệm bởi tiếng trống, chiêng giục giã, điệu xòe cá sa, múa cây bông độc đáo, khác biệt so với đồng bào Thái Tây Bắc. Bà Hà Thị Xuân, đội văn nghệ thôn Mó 1, xã Xuân Thọ, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: Hôm nay tôi cùng các chị em trong đội văn nghệ của thôn (15 người) được vinh dự đại diện cho cộng đồng người Thái tỉnh Thanh Hóa giới thiệu, quảng bá văn hóa dân tộc mình tại mảnh đất Ðiện Biên. Chúng tôi trình diễn lễ Séc booc mạy, múa khăn cây bông, xòe cá sa đoàn kết, tấu nhạc cụ dân tộc. Từ trước khi đi, các thành viên đã rất háo hức rồi, lên đến đây được người xem cổ vũ nhiệt tình, được trao đổi, giao lưu với anh em dân tộc Thái các tỉnh Tây Bắc, đặc biệt mọi người đều thân thiện, hiếu khách nên ai nấy đều trình diễn hết mình. Lịch hoạt động liên tục trong suốt 3 ngày, thời tiết khá nắng nóng nhưng dù mệt tôi vẫn rất vui, mong muốn mình góp phần nào trình diễn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói chung, người Thái Thanh Hóa nói riêng.

Ðối với người Thái Ðiện Biên, Ngày hội này còn hào hứng và ý nghĩa hơn thế nữa bởi diễn ra trên chính mảnh đất Ðiện Biên anh hùng. Suốt 3 ngày (18 - 20/10), Quảng trường 7/5 lúc nào cũng rực rỡ sắc màu của những chiếc áo cóm, khăn piêu, xà tích, váy dài. Người biểu diễn, người thưởng lãm, trải nghiệm. Bà Lò Thị Xoan (60 tuổi), bản Yên Cang 2, xã Sam Mứn, huyện Ðiện Biên chỉ tham gia 1 điệu múa cổ “Sắc màu bản em” thuộc chương trình giao lưu các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái nhưng có mặt tại sự kiện cả 3 ngày để tham quan, thưởng thức, tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái các địa bàn khác nhau trong và ngoài tỉnh. Bà Xoan chia sẻ: “Tôi yêu âm nhạc, thích hát múa, yêu quê hương và bản sắc văn hóa dân tộc mình. Vì vậy khi biết đến sự kiện này được tổ chức tại tỉnh nhà, ngày nào tôi cũng bảo con cháu đưa lên đây xem và giao lưu. Cả đời tôi đây là lần đầu tiên được tham gia 1 chương trình văn hóa dân tộc mình quy mô lớn và đông vui đến vậy. Tôi sẽ nhớ mãi những ngày này để răn dạy, khuyến khích con cháu gìn giữ nét đẹp dân tộc”. Tham gia xòe, biểu diễn dân vũ truyền thống dân tộc Thái ngành Thái đen Ðiện Biên, chị Lò Thị Hương, bản văn hóa Him Lam II, TP. Ðiện Biên Phủ cũng hết sức hào hứng cho biết: “Các điệu xòe cổ của người Thái đã dần mai một, không còn được thực hành nhiều. Ðây là cơ hội để xòe cổ được nhiều người biết đến, đặc biệt là thế hệ trẻ dân tộc Thái chúng tôi. Tôi rất vinh dự và tự hào được tham gia biểu biễn tại chương trình này”.

Sắc màu văn hóa Thái đa dạng, độc đáo và nổi trội nơi vùng cao Tây Bắc cũng thu hút nhiều du khách thập phương đến với Ngày hội. Nhân dịp này, ông Lường Văn Muôn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La dù đã hơn 70 tuổi vẫn cùng vợ lên Ðiện Biên du lịch và tham gia Ngày hội. Ông Muôn cho biết: “Vợ chồng tôi lên chơi 3 ngày, đến hết hội thì về. Chúng tôi xem hết những chương trình, hoạt động chính từ ngày khai mạc, tôi thích nhất là phần trình diễn các nghi thức sinh hoạt dân gian. Tôi cũng là người Thái, khi chứng kiến màn tái hiện các nghi lễ truyền thống Kin pang then (đoàn Ðiện Biên), Séc booc mạy (đoàn Thanh Hóa), Kin lẩu khẩu mẩu (đoàn Lai Châu), tục tằng cẩu (đoàn Sơn La) tôi cảm thấy rất xúc động và trân trọng. Ðây thực sự là ngày hội lớn, ý nghĩa đối với dân tộc Thái chúng tôi”. Còn đối với các dân tộc anh em khác, văn hóa dân tộc Thái cũng rất đáng ngưỡng mộ và đầy mê hoặc bởi bề dày truyền thống và trầm tích di sản còn được lưu giữ. Chị Nguyễn Thị Ngọc Liên, du khách đến từ Hà Nội, có mặt tại Quảng trường 7/5 trong ngày thứ 2 diễn ra Ngày hội, trầm trồ: Ðây là sự kiện rất đáng để tham gia. Phụ nữ dân tộc Thái rất duyên dáng, xinh đẹp và gương mặt ai nấy đều bừng lên sự vui tươi, say mê, tự hào với bản sắc dân tộc mình. Ðiều đó cuốn hút những du khách như tôi tìm hiểu và thêm yêu thích văn hóa dân tộc Thái nói chung, vùng cao Tây Bắc nói riêng.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái lần thứ II kết thúc trong vòng xòe đoàn kết, gắn nối và tiếp thêm nhiệt huyết cho cộng đồng dân tộc Thái các tỉnh thành, vùng miền cùng chung sức “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái trong thời kỳ đổi mới - hội nhập của đất nước” đúng như chủ đề Ngày hội.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top