Những bạn trẻ người Mông yêu âm nhạc truyền thống

16:19 - Thứ Hai, 21/10/2019 Lượt xem: 8496 In bài viết

“Âm nhạc của chúng mình” là dự án sưu tầm và giới thiệu rộng rãi âm nhạc truyền thống của người Mông, được thực hiện từ tháng 3 đến tháng 12 năm nay bởi nhóm bạn trẻ người dân tộc Mông. Kết quả sưu tầm vừa có ý nghĩa lưu giữ những giá trị âm nhạc truyền thống, vừa là chất liệu để sáng tạo những giá trị văn hóa mới trong đời sống đương đại…

Nhóm dự án “Âm nhạc của chúng mình” đi thực tế tại bản Đề Hái, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Ảnh: AHD

Được thực hiện bởi nhóm AHD (Action for Hmong Development), đến nay dự án đi được hai phần ba chặng đường. Dự án đã sưu tầm được hơn 100 bài, đoạn dân ca và hơn 20 bài và điệu nhạc của dân tộc Mông. Trên hành trình tìm về âm nhạc dân gian, nhóm chia nhau đi thực tế một số tỉnh miền bắc Việt Nam có cộng đồng người Mông sinh sống như: Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La… Sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Mông, các thành viên trong nhóm đã trò chuyện, trao đổi với người dân địa phương, sử dụng hình thức ghi âm, quay phim để lưu giữ những bài dân ca và điệu nhạc sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày và trong các dịp lễ,Tết.

Sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, Giàng A Bê, tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa (Hà Nội), đại diện truyền thông của dự án, vừa kết thúc gần một tuần thực tế ngay tại quê hương mình, chia sẻ với chúng tôi về quá trình đi sưu tầm làn điệu dân ca truyền thống. Trong văn hóa của người Mông, âm nhạc là sự gửi gắm những lời chúc, răn dạy, thể hiện tình cảm giữa con người với nhau. Xuất phát từ những lời ca, người Mông hình thành một hệ thống các loại nhạc cụ để biểu đạt tình cảm và kết nối nhau như sáo, đàn nhị, kèn lá, kèn môi…, thể hiện sự tinh tế, sâu lắng trong tâm hồn. Dân ca người Mông vô cùng phong phú, được thể hiện phong phú các chủ đề khác nhau trong cuộc sống, như di cư, đi làm dâu, tình yêu, tình cảm anh em… với hình thức truyền miệng, bà dạy cho mẹ, mẹ dạy lại cho con…

Trong xu thế hội nhập, những bạn trẻ người Mông ngày càng bị ảnh hưởng và tác động của các dòng nhạc mới. Người Mông bây giờ không hát dân ca nhiều trong đời sống hằng ngày nữa, cho nên không còn nhiều người hát dân ca giỏi. Người trẻ lại không được truyền dạy nên họ không hiểu giá trị của những câu dân ca của dân tộc mình. Bối cảnh các hoạt động trình diễn không được phục hồi, số nghệ nhân còn quá ít, tuổi cao cho nên việc bảo tồn nguyên vẹn các làn điệu gặp nhiều khó khăn. Nhiều vùng, chỉ có những người hơn 50 tuổi mới biết hát hoặc biết làn điệu dân ca. Từ đó mà các loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống của người Mông như dân ca, sáo, kèn môi, đàn nhị… ngày càng bị mai một. Vì vậy, chỉ có số ít thanh niên người Mông hứng thú tìm học, thực hành âm nhạc dân gian. Trong những lần đi thực tế sưu tầm âm nhạc người Mông, thành viên trong nhóm mới có cơ hội được nghe nhiều giai điệu dân ca khác nhau, nhiều điệu sáo khác nhau từ những người lớn tuổi và gặp gỡ được những nghệ nhân nắm giữ vốn âm nhạc người Mông... Rào cản ngôn ngữ là một khó khăn của nhóm trong quá trình thực tế. Nhiều người già lâu rồi không hát dân ca, nên quên hoặc nhớ không đầy đủ các bài hát, làn điệu. Thành viên của nhóm là người trẻ, tách khỏi cộng đồng sớm, cho nên cũng không hiểu hết ý nghĩa các bài dân ca, có những cụm từ không hiểu, thậm chí từ đầu đến cuối bài dân ca không nghe được câu nào, nhóm phải nhờ người cao tuổi giải thích và giải nghĩa…

Là người Mông trẻ đau đáu giữ gìn văn hóa dân tộc, Giàng A Bê cho biết: “Chúng mình nhận thấy những người trẻ cần ý thức hơn về trách nhiệm, vai trò của mình trong việc lưu giữ các giá trị văn hóa và là những người quan trọng trong lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa của chính cộng đồng mình, để văn hóa vừa không bị mất đi, lại phát huy giá trị trong đời sống hiện nay”. Xuất phát từ mong muốn làm sao để thanh niên người Mông thích thú với dân ca, có cảm hứng học và sáng tạo, thực hành các loại hình nghệ thuật âm nhạc truyền thống trong môi trường xã hội hiện nay, nhóm đã chủ động chia sẻ những điệu nhạc, lời ca thu thập được lên mạng xã hội, để âm nhạc dân gian đến được với nhiều người, mọi người có thể sử dụng chất liệu dân gian để sáng tác nên những đoạn nhạc mới, đưa âm nhạc vào các thước phim…

Từ nay đến tháng 12, nhóm bắt tay vào soạn nhạc và tạo nhạc cho các bài dân ca, kết hợp chất liệu âm nhạc mới cùng chất liệu âm nhạc dân gian của người Mông cho các điệu hát dân ca thu thập được. Nhóm cũng đang kêu gọi những thanh niên người Mông yêu thích, nhiệt huyết và mong muốn phát huy các giá trị âm nhạc của người Mông tham gia sáng tác, phối nhạc, thử nghiệm, tìm tòi những giá trị mới mẻ trên nền chất liệu dân gian… Nhóm hy vọng, sự kết hợp các yếu tố dân gian với sự sáng tạo mới của những thanh niên dân tộc Mông sẽ tạo nên những bản nhạc dân ca mang âm hưởng mới phù hợp với xu hướng hiện nay. Bên cạnh đó, nhóm cũng đang biên soạn tuyển tập âm nhạc dân gian người Mông để giới thiệu các giá trị văn hóa dân tộc Mông đến với cộng đồng…

Dự án “Âm nhạc của chúng mình” đang góp phần giữ gìn các giá trị nghệ thuật của người Mông trong xã hội hiện đại, nhằm khơi dậy nhận thức của người dân tộc Mông trong việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc của mình. Những thử nghiệm, sáng tạo mới với âm nhạc truyền thống, là cách mà các bạn trẻ người Mông hướng mọi người cùng nhìn vào kho tàng âm nhạc dân ca Mông, góp sức làm cho kho tàng ấy trở nên sống động, giàu bản sắc và độc đáo…

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top