Thể loại văn học và nhu cầu người đọc

10:01 - Thứ Sáu, 25/10/2019 Lượt xem: 9045 In bài viết

Sau Đổi mới, sự quan tâm đến những giá trị phong phú hơn của đời sống đã đánh thức nền văn học trở dậy với những chức năng, nhiệm vụ có tính đặc trưng của mình. Văn học là nghệ thuật ngôn từ, chính vì thế, nền văn học đổi mới là nền văn học có những chuyển biến đa dạng trong cấu trúc thể loại, phản ánh nhu cầu của con người đối với những hình thức nghệ thuật ngày càng đa dạng.

Người viết cần quan tâm tới sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ của công chúng.

Hình thức thể loại biểu đạt phương thức chiếm lĩnh đời sống, sự thể hiện nghệ thuật của tác giả hướng tới tính chỉnh thể của nội dung và hình thức. Sự thống nhất này có tính bền vững nhưng đồng thời cũng luôn trong trạng thái vận động, biến đổi. Điều này là cơ sở để văn học sau đổi mới đi vào những cách tân về mặt thể loại, đáp ứng những yêu cầu, thị hiếu của con người về một hình thức nghệ thuật mới có hiệu năng thẩm mỹ cao hơn, đa dạng hơn.

Thay đổi thị hiếu thể loại là biểu hiện rõ nét trong nhu cầu thẩm mỹ của công chúng văn học sau đổi mới. Công chúng văn học đương đại đang chú ý đến những thể loại nào? Sự dịch chuyển thị hiếu thể loại mang thông điệp gì về đời sống tinh thần của con người hôm nay? Những điều tra xã hội học của nhóm nghiên cứu đề tài Công chúng và giao lưu quảng bá văn học thời kỳ đổi mới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đem đến hình dung cụ thể hơn về sự vận động này.

Theo các kết quả điều tra trên địa bàn Hà Nội, với số đối tượng tham gia trả lời bảng hỏi là 653 người thì có 59,1% số người được hỏi tìm đọc tiểu thuyết, 73,2% đọc truyện ngắn, 29,7% đọc thơ, 27,7% đọc ký và phóng sự. Lý giải nguyên do này, 57,9% số người chọn tiểu thuyết cho rằng thể loại này đặt ra nhiều vấn đề xã hội, phong phú và đa dạng; 45% số độc giả cho rằng họ đọc truyện ngắn vì thể loại này ngắn gọn, đỡ mất thời gian; 28,3% số người được hỏi lại cho rằng, họ đọc thơ vì được giải tỏa tâm lý, giảm căng thẳng, mệt mỏi, tăng chất lãng mạn cho cuộc sống; 29% được hỏi đã đưa ra lý do ký và phóng sự được quan tâm bởi tính chất thông tin, sự kiện của nó.

Tiếp tục phân tích sâu những số liệu điều tra được, nhóm nghiên cứu xã hội học đã nhận thấy đa số độc giả của các thể loại nằm ở lứa tuổi từ 18 - 23, là học sinh, sinh viên có điều kiện về mặt thời gian (vì chưa phải đi làm, việc học - đọc vẫn là chính). Điều này tương đương với hệ luận là những lứa tuổi còn lại quan tâm chưa nhiều đến các thể loại văn học. Sức ép của cơ chế thị trường (với lực lượng chính là những người đi làm) quả thực đã tác động rất lớn lên khả năng thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ của công chúng văn học là lực lượng lao động chính trong xã hội.

Mười năm sau thống nhất đất nước là quãng thời gian có tính chất quán tính trong lịch sử vận động của văn học dân tộc. Giai đoạn này có sự song hành của cảm hứng sử thi, tinh thần lãng mạn cách mạng với cảm hứng thế sự đời tư nảy sinh trong bối cảnh đổi mới. Sự bùng nổ của thể loại trường ca là kết quả có thể tiên lượng được. Hàng loạt trường ca ra đời như là sự tổng kết, chiêm nghiệm, xác tín lại chặng đường cả dân tộc vừa đi qua. Các tác phẩm tiêu biểu của thể loại này là Những người đi tới biển của Thanh Thảo (1977), Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh (1979), Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu (1980), Người cùng thời của Mai Văn Phấn (1999), Đổ bóng xuống mặt trời của Trần Anh Thái (1999), Trầm tích của Hoàng Trần Cương (1999)... 

Trường ca cũng dần dịch chuyển về phía những thể nghiệm mới, với sự xuất hiện ngay trong lòng thể loại dấu ấn đậm nét của phương thức trữ tình và đan xen nhiều điểm nhìn trong tự sự. Sự nở rộ của trường ca vừa thỏa mãn nhu cầu tổng kết ngưỡng vọng của công chúng, vừa báo hiệu nhu cầu mới đối với thể loại này - giảm không khí sử thi, tăng chất đời thường, thế sự. Cho đến hôm nay, trường ca vẫn xuất hiện, nhưng đó là bản tổng phổ của nhịp điệu đời sống hơn là bản trường thiên sử thi như thời trước giải phóng miền Nam.

Sự chuyển dịch thể loại nói lên xu thế vận động của những hình thức thể hiện, hướng tới khả năng biểu đạt cao nhất “độ sống”, “chất sống” của con người sau đổi mới. Trong một chuyên luận có tên Viết Việt Nam đương đại. Chiến tranh, cơ thể, văn học được xuất bản tại NXB Presses de l’Université Paris Sorbonne, tác giả Đoàn Cầm Thi cho rằng văn học Việt Nam đương đại đang có những chuyển dịch thể loại khá rõ nét. Sự đan xen của các ngôi trần thuật, cách lý giải cuộc sống, những trải nghiệm từ nhiều ngôi kể đem đến cơ hội nắm bắt, chiếm lĩnh và đặt ra thông điệp thẩm mỹ một cách toàn diện hơn. Các thể loại có những dịch chuyển tự thân đồng thời xâm lấn, lồng nhập vào nhau, tạo nên những tương tác đa dạng. Công chúng có thể đọc một tiểu thuyết trong tâm thế về một thể loại hư cấu, cũng có thể dành cho mình những góc riêng để cảm nhận nó như một tự truyện, một hồi ký, tự thuật...

Sự thay đổi nhu cầu thưởng thức về mặt hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học không chỉ biểu hiện ở thể loại. Công chúng của văn học hôm nay còn chú ý đến những khả năng khác của hình thức nghệ thuật như cách thức lựa chọn ngôn ngữ, cấu trúc, sự đan xen phương thức biểu đạt, các khoái cảm thẩm mỹ mang lại từ trò chơi của ngôn từ, văn bản... Biểu hiện khá rõ của những chuyển động này ta có thể nhận thấy trong những cách tân thơ từ sau đổi mới. Một hệ thẩm mỹ mới ra đời đòi hỏi có những khung hình của riêng nó. Sự phá vỡ cấu trúc thể loại của thơ một cách mạnh mẽ với thơ không vần, thơ tân hình thức, vắt dòng theo “hiệu ứng cánh bướm”, liên văn bản,... là câu chuyện về hình thức nghệ thuật và xu hướng vận động nội tại của thơ sau đổi mới.

Sự thay đổi tâm thế tiếp nhận, thị hiếu thẩm mỹ của công chúng là những thông điệp cụ thể về hướng chuyển động của văn học Việt Nam sau đổi mới. Do tầm quan trọng của vấn đề tiếp nhận văn học, đặt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và cơ chế hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến văn học, nhà văn, nhà làm sách, giới xuất bản, truyền thông cũng như các cơ quan quản lý văn hóa... cần có sự quan tâm sâu sát đến sự thay đổi thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Trên tinh thần nhìn nhận những thay đổi này, hệ thống văn học sẽ cần có những vận động thích hợp trên tất cả các phương diện. Đó chính là ý nghĩa to lớn của việc nắm bắt những phản hồi từ cộng đồng tiếp nhận để hệ thống văn học được vận hành một cách lành mạnh và hiệu quả.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top