Tản văn

Nón lá một thuở

08:49 - Thứ Năm, 31/10/2019 Lượt xem: 13432 In bài viết

ĐBP - Ðến Huế một ngày mưa lất phất. Cầu Tràng Tiền dịu dàng hơn khi xuất hiện những cô gái mặc áo dài tím Huế, đội chiếc nón “bài thơ”. Không dưng, lòng nôn nao nhớ vô cùng chiếc nón lá thuở nào ở quê nhà, một thời mẹ cặm cụi ngồi khâu.

Lâu lắm rồi, dễ đến ba mươi năm có lẻ nhưng tôi vẫn nhớ, nhớ như in một bóng hình cũ. Thuở còn cắp sách tới trường, đám con gái tuổi trăng tròn tinh khôi với tà áo trắng mỗi ban mai và chiếc nón lá trên đầu. Sân trường lúc nào cũng trắng xóa của áo và nón. Nắng rớt từng tia mỏng manh xuống vành nón lấp lánh. Nón lấp lóa hòa sắc trắng vào phượng đỏ, bằng lăng tím và điệp vàng. Nón lá đi cùng tuổi học trò, mang những yêu thương không nói thành lời. Ngày chia tay của cuộc đời học trò, con trai, con gái cầm bút bịn rịn nét chữ run run, viết lên vành nón lá lời hẹn ngày tái ngộ.

Ngoài làm nông là chính, mẹ tôi có thêm một nghề “xép”: Nghề khâu nón. Những lá cọ, những sợi chỉ, những thanh tre làm bạn với mẹ từ khi mẹ đang là thiếu nữ cho đến khi mẹ có bốn mặt con. Nghề khâu nón vất vả, sớm khuya tần tảo không khác nghề nông là bao nhưng giá trị một chiếc nón lá bán ra lại rẻ như bèo. Ðộ vài đồng là có thể mua được một chiếc nón lá. Nhưng mẹ vẫn làm ngày này qua ngày khác để chắt chiu từng đồng bạc, nuôi đàn con “trứng gà, trứng vịt” ăn học đủ đầy. Hỏi mẹ có bao giờ từ bỏ nghề không? Mẹ nheo mắt cười: “Nghề nón lá đãi mình, hà cớ gì mình phải bỏ”?

Nón lá không thể thiếu đối với một người phụ nữ nông thôn. Ði dọc đường quê, ruộng vườn phủ xanh lúa ngô lấp loáng những chiếc nón lá trắng nhấp nhô của những người phụ nữ tảo tần. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nón lá là bạn, che mưa che nắng, là làn gió mát hiếm hoi trong phút nghỉ giải lao mệt nhọc. Nón lá trở thành một người bạn trung thành của người nông dân. Giữa bao la bát ngát đồng, cỏ cây chen chúc, dưới tán cây gạo, bạch đàn lá sum sê nón lá ngả ra làm cơi đựng nắm cơm, nắm khoai và những tiếng cười sẻ san niềm vui lao động.

Chị gái về nhà chồng. Ngày vui trong bộ áo cưới lộng lẫy của chị không thể thiếu chiếc nón lá che nghiêng. Chị giấu đi những giọt nước mắt hạnh phúc và bồi hồi nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Nhớ nhà, chị đội nón lá ra ngõ, nhìn về phía quê một nỗi buồn xa xăm. Mẹ vẫn dặn chị giữ nét mộc mạc của người con gái quê, như chiếc nón bao năm mẹ, chị vẫn thường đội. Có người em đứng bên chị, bên vành nón lá thút thít nhớ chị, nhớ những năm tháng hai chị em bên nhau, hái những trái ổi, trái me cho vào nón…

Nón lá - hai từ giản dị như chưa từng giản dị hơn. Mẹ bây giờ lưng đã còng sát đất, không còn làm nghề khâu nón được nữa nhưng cứ hễ nhắc tới mẹ lại móm mém kể chuyện xưa, một thời nghèo khổ chắt chiu. Tôi của ngày hôm nay trưởng thành mỗi lần nghe câu thơ “Quê hương là cầu tre nhỏ/Mẹ về nón lá nghiêng che” của nhạc sĩ Ðỗ Trung Quân thì lòng lại rưng rưng, yêu và nhớ quê hương, nhớ nón lá da diết.

Mai Hoàng
Bình luận
Back To Top