Ðặc sắc ẩm thực Ðiện Biên

08:43 - Thứ Năm, 14/11/2019 Lượt xem: 8211 In bài viết

ĐBP - Ðến Ðiện Biên, bất kỳ ai cũng muốn thưởng thức món ăn truyền thống của cộng đồng các dân tộc. Dù là các món thịt, cá ướp mắc khén nướng hay món cơm nếp, bánh dày dẻo thơm, rêu suối ngọt lừ… mỗi món ăn đều có vị đặc trưng rất đặc sắc.

Ðặc sắc các món nướng

Thịt xiên được tẩm gia vị và nướng trên than hồng.

Người Thái gọi chung các món nướng là “lam nhọ”, “lam” nghĩa nướng, còn “nhọ” là nhừ. Ðây là món ăn truyền thống của đồng bào, thường có mặt trong những bữa tiệc đãi khách hay bữa cơm ngày lễ Tết. Thịt lợn được thái miếng, ướp các gia vị đặc trưng của núi rừng rồi dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng. Còn một cách khác nữa là băm nhỏ thịt, trộn chung với trứng, gói lại bằng lá chuối, lá dong, rồi nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng.

Cá nướng, hay còn gọi là ‘pỉnh tộp” lại dùng những con cá chép, trôi … mổ lưng, xoa muối rồi tẩm ướp cùng với hạt mắc khén (một loại gia vị đặc trưng có vị cay và rất thơm) cùng với ớt, sả, gừng, rồi nướng bằng hơi nóng lửa than hồng cho đến khi chín vàng mới đúng hương vị của núi rừng Tây Bắc. Người Thái còn có món cá hun khói, thịt hun khói... rất độc đáo.

Xôi nếp nương

Màu sắc của xôi phụ thuộc vào nguyên liệu tạo màu là các loại lá, quả, củ.

Nếp nương được trồng nhiều ở các tỉnh Tây Bắc nhưng nói đến loại nếp ngon nhất người ta thường nghĩ ngay đến nếp nương Ðiện Biên. Những hạt nếp nương Ðiện Biên căng tròn, khi nấu lên có vị ngọt, thơm, mềm dẻo. Cách đồ xôi nếp nương công phu hơn nếp trồng ruộng nước. Xôi phải được đồ trong một cái chõ gỗ đặc biệt của người dân tộc Thái, xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đồ rất kỳ công, phải qua hai lần đồ thì xôi mới dẻo thơm.

Bánh dày của người Mông

Sau khi giã bánh dày được gói vào lá dong.

Bánh dày không thể thiếu trong những dịp trọng đại của người Mông ở Ðiện Biên. Cơm nếp được đồ chín, khói vẫn bốc nghi ngút thì mang ra cối giã nhuyễn. Mỗi mẻ khoảng 10kg cơm, do những thanh niên khỏe mạnh đảm nhiệm. Cối giã bánh làm bằng thân cây gỗ chắc, có mùi thơm và khoét rỗng ruột. Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, quyện lấy nhau. Màu trắng ngần của miếng bánh nổi bật nên nền màu xanh của lá thật khiến người ta phải thòm thèm. Bánh dày làm công phu nên để được lâu. Dù nướng trên than hồng, chấm với mật ong hoặc ăn cùng với chả đều rất ngon.

Hoa ban

Nộm hoa ban.

Với người dân Tây Bắc, đặc biệt là đối với dân tộc Thái Ðiện Biên, hoa ban không chỉ là một loài hoa đẹp, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của họ mà còn là loài hoa thể hiện bản sắc văn hóa ẩm thực độc đáo dân tộc. Sau khi hái hoa ban về, người ta nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa thật nhẹ nhàng sau đó chần qua nước nóng, để thật ráo nước sau đó vò nát và chế biến thành các món xôi hoa ban, hoa ban hầm móng giò, hoa ban xào thịt lợn rừng, hoa ban nộm củ riềng, hoa ban nộm vừng, lá ban non đồ chấm chéo cá “chéo pa”...

Rêu suối nướng

Rêu được ướp gia vị trước khi nướng.

Rêu được lấy từ những con suối trong. Sau khi được làm sạch, người Thái thường trộn hạt dổi, hạt mắc khén, ớt, tỏi, gừng, củ xả, lá chanh rồi thêm ít thịt mỡ. Dùng lá dong được rửa sạch để gói rêu và gia vị, buộc lạt tre túm lại hai đầu, bẻ quặt hai mép lá lại thành cái hình khum khum treo lên một thanh nẹp tre. Ðem tất cả vùi vào trong tro ấm. Không than, không lửa cũng không hơ khói. Bao giờ lá dong cháy tý tách, thì lôi thanh tre ra, hơ cả gói rêu nướng trên than hoa. Lá dong cháy đến lớp trong cùng, mỡ và nước xanh thơm mát của rêu suối rỉ ra, thì bày ra đĩa.

T.K (Tổng hợp)
Bình luận
Back To Top