Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Si La

08:56 - Thứ Năm, 14/11/2019 Lượt xem: 9350 In bài viết

ĐBP - Mặc dù đời sống của người Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đời sống tinh thần thì rất phong phú với nhiều lễ hội đặc trưng... Lễ Mừng cơm mới (Ồ à xi) là một trong những hoạt động tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống sản xuất, văn hóa, tâm linh truyền thống của người dân nơi đây.

Người Si La chuẩn bị đồ cúng trong nghi thức lễ “Mừng cơm mới”.

Già làng Lỳ Chà Che - người am hiểu về văn hóa dân tộc Si La cho biết: Cộng đồng người Si La trong cả nước nói chung, huyện Mường Nhé nói riêng có rất nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đặc trưng. Trong đó, Lễ Mừng cơm mới (Ồ à xi) là một nghi thức nông nghiệp chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa tích cực và là một phần quan trọng trong tâm thức của đồng bào Si La. Lễ Mừng cơm mới thường được tổ chức từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 (khoảng tháng 8 âm lịch) là thời gian lúa mùa bắt đầu chín. Theo quan niệm của người Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự che chở của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì vậy, khi con cháu trong dòng họ dùng những nông sản đó không được quên ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã truyền đạt lại kinh nghiệm sản xuất, gieo trồng và luôn phù hộ, che chở, bảo vệ người dân khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Theo truyền thống của dân tộc Si La, Lễ Mừng cơm mới diễn ra trong 1 ngày tại gia đình trưởng mỗi dòng họ. Vì chỉ có gia đình trưởng họ (a lu lu coi sư) mới có bàn thờ (xì chi), có bếp thiêng... Ðặc biệt, trong các nghi lễ cúng bái thì trưởng dòng họ sẽ là người thay mặt cho cả dòng họ thực hiện các thủ tục nghi lễ. Lễ Mừng cơm mới là một trong những nghi lễ đặc trưng tiêu biểu được tổ chức tại tất cả các trưởng dòng họ trong bản và chỉ được tổ chức vào ngày Thìn (Xi a nhi - ngày con rồng) hoặc ngày Tỵ (Xộ a nhi - ngày con rắn).

Buổi sáng, khi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên cũng là lúc mọi người trong gia đình phải dậy để chuẩn bị cho phần lễ chính diễn ra vào buổi chiều (khoảng 18 giờ), khi mặt trời đã lặn. Trong nhà, ngoài sân được mọi người quét dọn sạch sẽ, những đồ dùng được người dân đem ra suối rửa, lau chùi sạch sẽ nhằm minh chứng cho lòng thành của con cháu với tổ tiên. Ðến khoảng 3 giờ chiều, gia chủ bắt đầu nấu cơm mới và chuẩn bị các đồ lễ như: 2 con cá, 2 con cua, 2 con sóc khô; củ mài, củ khoai... cho vào đồ chín, bày ra mâm, đợi khi mặt trời lặn hẳn thì gia chủ (trưởng dòng họ) bắt đầu vào phần lễ cúng chính mời tổ tiên về hưởng thụ đồ lễ cơm mới, người Si La quan niệm khi mặt trời lặn, đêm tối buông xuống thì lúc đó tổ tiên mới trở về gần con cháu.

Khi lễ vật đã được chuẩn bị xong, gia chủ (trưởng dòng họ) sẽ mang vào trong buồng đặt cạnh bếp chính bên giường của gia chủ. Với người Si La chỉ có gia đình trưởng họ mới được làm bếp này, bếp được làm trong nhà, cạnh cột chính của nhà, là nơi giữ lửa ấm cho cả họ, bảo vệ che chở cho mọi người, là nơi trưởng họ sưởi ấm và hút thuốc. Mâm cúng có đặt thêm bát nước và một ống tre cao 15cm, có đường kính miệng khoảng 8cm, bên trong ống có men rượu, trên miệng phủ lá chuối và cắm 3 que tre, tượng trưng cho bình rượu cần. Trong sắc phục áo dân tộc, trưởng dòng họ kính cẩn trước mâm cúng mời tổ tiên và tất cả những người đã khuất trong dòng họ nhận lễ vật mà con cháu dâng lên. Cầu mong tổ tiên, cha mẹ luôn luôn phù hộ, che chở cho con cháu bình an, sức khỏe, hạnh phúc và mùa màng bội thu, lúa thóc đầy nhà, vật nuôi mau lớn.

Sau khi kết thúc nghi lễ cúng mời tổ tiên về hưởng cơm mới, tại nhà trưởng họ cũng bắt đầu bày mâm và mời anh em họ hàng, người dân trong bản đến dự bữa cơm mới. Khách đến chúc mừng, khi đến nhà làm lễ phải đi qua cửa phụ, họ kiêng đến ăn mừng cơm mới bằng cửa chính. Bởi, theo quan niệm của người Si La, những người đến ăn mừng cơm mới với gia chủ phải đi qua cửa này để tổ tiên còn nhìn thấy, người đến càng đông bữa cơm càng vui vẻ, sung túc thì tổ tiên sẽ phù hộ cho những vụ mùa màng bội thu, ngô thóc đầy bồ. Lễ Mừng cơm mới sẽ diễn ra tới tận đêm khuya. Ðiều đó càng thể hiện thêm niềm vui, phấn khởi của gia đình, bản làng trước thành quả đạt được sau một năm lao động vất vả.

Bài, ảnh: Phương Linh
Bình luận
Back To Top