Ðến với bài thơ hay

Vùng phấn bay

09:31 - Thứ Năm, 14/11/2019 Lượt xem: 11135 In bài viết

Hình như… Thầy chẳng khác xưa

Ba lăm năm trước… Thầy đưa qua đò

Dòng sông kiến thức sóng xô

Mỏng manh trang vở học trò trắng tinh

Em cầm cây bút đời mình

Thầy cầm phấn trắng chắc tình quê hương

Ðất trời trang trải mấy phương

Nắng, mưa, sương, gió… biết thương đời thầy

Sông bao nhiêu nước… sông gầy

Cánh đồng gieo chữ… đợi ngày hoa non

Bao nhiêu viên phấn đã mòn

Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung

Nước trôi về xứ vô cùng

Thương thầy ở lại một vùng phấn bay

Trang đời xanh thẳm hôm nay

Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu

Sông đời bất chợt nông, sâu

Học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm.

                                                            Phi Tuyết Ba

Lời bình

 “Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu

“Vùng phấn bay” nhan đề bài thơ dẫn lối hồi ức hiện về không gian, thời gian những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng nội dung bài thơ không kể về kỉ niệm hồn nhiên tươi trẻ thời áo trắng sân trường mà là tình huống gặp lại thầy. Từ đó, tác giả bộc bạch lòng kính yêu trân trọng xen lẫn ngậm ngùi về hình ảnh người thầy.

Người học trò gặp lại thầy sau ba mươi lăm năm xa cách. Lần gặp mà thầy không hề hay biết vì trò không dám trực diện chào thầy. Nét tâm lí này gợi lên bao cảm xúc xuyên suốt bài thơ bằng ngôn ngữ độc thoại nội tâm. “Hình như... Thầy chẳng khác xưa/Ba lăm năm trước... Thầy đưa qua đò”. Câu thơ cực tả nỗi ngập ngừng, nghèn nghẹn không thành lời khi nhớ lại chuyến đò qua sông “ba lăm năm trước”. Hình ảnh thầy lúc này có thể khác đi về dáng vẻ nhưng vẫn nguyên vẹn về nhân cách, về những bài học không thể quên được. Cứ thế, dòng sông thời gian chảy trôi trong vùng kí ức đứa học trò mà miên man suy ngẫm, chiêm nghiệm. Về điều gì?... “qua đò, dòng sông kiến thức” cách nói không mới khi liên tưởng đến công việc thầm lặng người thầy nhưng bao giờ cũng gợi lòng thương kính, biết ơn của bao thế hệ học trò đối với thầy. Ðó là hình ảnh ước lệ, tưởng chừng không thay thế được về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt tự bao đời.

Ðến “sóng xô” của dòng sông, “mỏng manh” của trang vở lại gợi ra sự trở ngại, gian khó trên con đường học vấn mà người thầy phải kiên trì, miệt mài “gieo con chữ” đầu tiên đến đích cuối cùng hành trình tri thức: Chữ và Nghĩa, Ðạo và Ðời! “Em cầm cây bút đời mình/Thầy cầm phấn trắng chắc tình quê hương”. Phải là đứa học trò đã trải nghiệm nông sâu đường đời mới thấm thía, trân quý công lao của thầy đến thế! Hơn nữa “Vùng phấn bay”, hình ảnh sáng tạo đầy ám ảnh về công việc thầm lặng người thầy được kết tụ bởi “viên phấn, trang vở, cây bút, giáo án” mà đi đến sự thấu cảm đầy ân tình, sâu sắc lẽ đời. “Bao nhiêu viên phấn đã mòn/Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung/Nước trôi về xứ vô cùng/Thương thầy ở lại một vùng phấn bay”. Và sắc trắng “Vùng phấn bay” cứ lan tỏa, gợi mãi... dày lên sự hi sinh thầm lặng đời thầy như phù sa mải miết bồi đắp “dòng sông kiến thức” rồi kết lại câu thơ rưng rưng cảm xúc “Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu”.

Hai câu cuối khép lại bài thơ như lời tâm nguyện: sống tốt trên dòng sông đời người, xứng đáng với sự mong đợi, kì vọng của thầy “Sông đời bất chợt nông sâu/Học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm”. Chợt nhớ đến lời khuyên của nhà giáo đáng kính quá cố Văn Như Cương: Dù có làm bất kì công việc nào, bất kì ngành nghề nào, bất kì địa vị nào “trước hết các em phải là người tử tế”. Ðó cũng là chữ “Tâm” đã khắc tạc trong trái tim người viết “Vùng phấn bay”. Cuối cùng âm điệu thể thơ lục bát truyền thống góp phần biểu đạt nỗi niềm man mác, đầm sâu, tĩnh lặng hướng vào cõi lòng người viết. Cảm ơn tác giả bài thơ đã nhắc nhở mọi người. Bởi trong đời, ai cũng lưu giữ chí ít một người thầy tận tâm, chân chính mà mình hằng trân quý...

Lộc Trang
Bình luận
Back To Top