Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ

Nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết

08:54 - Thứ Năm, 21/11/2019 Lượt xem: 9139 In bài viết

ĐBP - Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ là nơi ghi dấu chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”’ đã trở thành biểu tượng của sự kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của quân và dân Việt Nam. Năm 1962 Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL)) xếp hạng là Di tích cấp quốc gia; đến năm 2009 được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Xác định được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ”, thời hạn thực hiện dự án trong 4 năm. Tuy nhiên, đến nay dự án đã kéo dài hơn 15 năm nhưng nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra vẫn chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.

Du khách tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ ban đầu được công nhận có 22 điểm di tích thành phần. Năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung 23 điểm di tích thành phần khác nâng tổng số điểm di tích được công nhận lên 45 điểm. Các điểm di tích nằm rải rác trên địa bàn các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên và TP. Ðiện Biên Phủ. Hiện nay, toàn bộ 45 điểm thuộc Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã xác định được khu vực bảo vệ I, trong đó 30 điểm đã được xác định khu vực bảo vệ II. Tuy nhiên, mới 28 điểm đã được cắm mốc trên thực địa, còn lại 17 điểm di tích chưa được cắm mốc bảo vệ.

Trong suốt thời gian hơn 15 năm triển khai thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ, tỉnh luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Ðảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành Trung ương. Bên cạnh đó là sự quan tâm của các đoàn thể chính trị - xã hội, các địa phương và nhân dân cả nước, các tổ chức nước ngoài. Ðến nay, công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Chiến trường Ðiện Biên Phủ đã đạt được kết quả tích cực, phục hồi được các dấu tích cơ bản, kịp thời bảo vệ các di tích thành phần quan trọng trong quần thể di tích. Tuy nhiên, do di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ chưa có quy hoạch tổng thể, nhiều điểm di tích chưa được cắm mốc, định vị, vẫn còn một số điểm di tích có các hộ dân sinh sống trong vùng bảo vệ. Do chưa được đền bù giải phóng mặt bằng nên công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; sự hạn chế về nguồn lực nên công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo chưa đồng bộ, chưa tương xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích. Bên cạnh đó, một số điểm di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song cũng chưa hoàn chỉnh vì vậy không thể hiện được rõ nét toàn cảnh quần thể, chưa thể hiện được những diễn biến các cuộc giao tranh khốc liệt tại các vị trí then chốt của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ .

Mặc dù Di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ là di tích đặc biệt cấp quốc gia, song hiện nay quy mô tổng thể di tích đang bị thu hẹp, phân tán và chia cắt. Các yếu tố gốc hiện còn lưu giữ được không nhiều, vì vậy chưa phản ánh được đầy đủ quy mô, cục diện chiến trường, chưa gây được ấn tượng đặc biệt. Bên cạnh đó, các hiện vật trưng bày còn nghèo nàn, ít tính thuyết phục nên chưa mang lại sự hài lòng đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan. 

Trong những năm gần đây, tác động từ quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế như chủ trương đầu tư, mở rộng nâng cấp TP. Ðiện Biên Phủ cũng có những tác động đáng kể cả tích cực và tiêu cực đối với công tác bảo vệ, tôn tạo và phục dựng di tích. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân địa phương, đặc biệt là nơi có các điểm di tích chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của việc bảo vệ di tích. Thực trạng hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân đang sinh sống trong vùng bảo vệ của di tích do yếu tố lịch sử để lại. Ðó cũng là nguyên nhân nhiều điểm di tích vẫn tiếp tục bị người dân lấn chiếm, san lấp, rất khó khăn cho công tác công tác khoanh vùng, cắm mốc, giải tỏa và xác lập quyền sử dụng đất. Chính vì vậy, việc quy hoạch tổng thể di tích để vừa bảo đảm sự phát triển vừa bảo toàn được các giá trị về lịch sử, văn hóa là hết sức quan trọng. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Ðể tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị của di tích tương xứng với giá trị đặc biệt của nó thì việc xây dựng đề án mang tầm chiến lược để từng bước thực hiện khoa học, hiệu quả là hết sức cần thiết. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở tiếp tục xây dựng Ðề án nhằm triển khai công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Ðiện Biên Phủ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, sẽ đánh giá tổng thể một cách khoa học, có giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy hiệu quả trước những tác động tiêu cực đang ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của Di tích về trước mắt và lâu dài. Việc xây dựng và triển khai Ðề án sẽ góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và tạo sức thu hút các nguồn lực cho đầu tư, phát triển trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giải trí... Ðồng thời, đẩy mạnh sự hợp tác, liên kết về du lịch giữa tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước và một số nước trong khu vực.

Ðứng trước yêu cầu cấp thiết đang đặt ra trong việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của Di tích, ngày 2/10 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo UBND tỉnh Ðiện Biên và các bộ, ngành liên quan “về việc thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ”. Chính phủ giao UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về chủ trương thực hiện Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030. Thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích theo đúng quy trình, thủ tục, thẩm quyền và quy định để hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ của Ðề án. Trong đó nhấn mạnh: “Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích là rất quan trọng và cấp thiết. Yêu cầu các bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Ðiện Biên triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nêu trên, bảo đảm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích”.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top